TPHCM: Tăng cường đầu tư công nghệ phục vụ tuần tra, xử phạt giao thông

Thứ Năm, 06/01/2022 15:55

|

(CAO) TPHCM tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp như ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông; đầu tư hệ thống thiết bị công nghệ phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát và xử phạt vi phạm hành chính giao thông đường bộ...

Sáng 6/1, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì Hội nghị.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu cho biết, trong năm 2021 TP đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội, phòng, chống dịch COVID-19 như ban hành các văn bản hướng dẫn phương tiện lưu thông, vận chuyển hàng hóa, triển khai các phương án vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nhất là bằng đường thủy, thực hiện cấp giấy nhận diện phương tiện có mã QRcode, tổ chức các phương tiện lưu thông luồng xanh tại các chốt kiểm soát dịch.

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, năm 2021, tình hình tai nạn giao thông đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Trên địa bàn TP xảy ra 1.784 vụ tai nạn giao thông, làm chết 477 người, bị thương 1.042 người, so với cùng kỳ năm 2020, giảm 1.146 vụ (39,1%), giảm 70 người chết (12,8%), giảm 993 người bị thương (48,8%). Đặc biệt là trong năm 2021, trên địa bàn không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Tổng số điểm đen về tai nạn giao thông giảm còn 4 điểm.

Ảnh minh họa

Về khắc phục ùn tắc giao thông, TP tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai kế hoạch phối hợp xử lý, kiểm soát 19 điểm có nguy cơ ùn tắc, từ đó phân công nhiệm vụ chi tiết cho từng đơn vị, đặc biệt là phân công trách nhiệm từng cá nhân để đảm bảo công tác phối hợp nhịp nhàng, ngăn chặn bước đầu, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài, nhất là các khu vực trọng điểm, trong đó 2 khu vực trọng điểm nhất là sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái.

Đồng thời, TP đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình, hạng mục giao thông trọng điểm, kết hợp công tác tổ chức giao thông khoa học hợp lý.

Do tác động của giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 nên lưu lượng phương tiện giảm mạnh, do đó đến cuối năm 2021 đã xóa được 1 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông, 3 điểm có chuyển biến tốt, 8 điểm có chuyển biến nhưng vẫn còn phức tạp, 7 điểm chưa có chuyển biến.

Bên cạnh đó, TP cũng tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp như ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông; đầu tư hệ thống thiết bị công nghệ phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát và xử phạt vi phạm hành chính giao thông đường bộ; nâng cao hiệu quả vận tải hành khách và vận tải hàng hóa, qua đó, góp phần vào công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trên địa bàn.

Năm 2022, TPHCM tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, các công trình giao thông mang tính cấp bách trong việc kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Tiếp tục tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đưa khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật, trật tự, an toàn giao thông.

Thành phố chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đẩy mạnh triển khai Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn.

Thành phố tổ chức phân luồng giao thông hợp lý trên các tuyến giao thông trọng điểm có lưu lượng phương tiện lớn; kịp thời rà soát, đánh giá bổ sung Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 cho phù hợp với thực tế; nâng cao chất lượng và khuyến khích sử dụng dịch vụ vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện...

Năm 2021 xử lý 2,88 triệu trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền 2.808 tỷ đồng
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang