Tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ “chậm chuyển biến”

Thứ Ba, 08/11/2022 14:26

|

(CAO) Tại phiên họp toàn thể tại Hội trường sáng 8/11, Quốc hội đã nghe và thảo luận ở hội trường về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2022.

Báo cáo trước Quốc hội về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, năm 2022, công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và đạt nhiều kết quả quan trọng.

“Tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ” – ông Phong nhìn nhận.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm nhiều sai phạm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật của Đảng và Nhà nước.
Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 79.000 tỷ đồng, hơn 10.600 ha đất; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 538 vụ, 306 đối tượng.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Tán thành với đánh giá của Chính phủ, nhưng qua thẩm tra, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, vẫn còn trường hợp các cơ quan thanh tra tại địa phương sau khi tiến hành thanh tra không phát hiện được vi phạm hoặc không chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra, chỉ đến khi Thanh tra Chính phủ hoặc cơ quan Ủy ban Kiểm tra tiến hành thanh tra, kiểm tra lại thì các vi phạm này mới được phát hiện để chuyển cho cơ quan điều tra.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo thẩm tra

Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhận định, công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ chưa có nhiều chuyển biến, rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra.

Trong khi đó, kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng trong giai đoạn thi hành án dù tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2021, nhưng số có điều kiện thi hành về tiền vẫn còn tồn đọng lớn.

Bà Nga phản ánh, hiện mới thi hành xong gần 16.000 tỷ đồng trong tổng số hơn 43.000 tỷ đồng trong số có điều kiện thi hành.

Vẫn theo cơ quan thẩm tra, năm 2022, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng.

Nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán…, xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước

Một trong những nguyên nhân là do một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là người đứng đầu chưa nhận diện đầy đủ mức độ tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị mình; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, chưa quyết tâm và có biện pháp đủ mạnh trong tổ chức thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Do đó, Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả.

“Đề nghị Chính phủ nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp chính quyền, xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” – bà Nga nhấn mạnh.

Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, quản lý thuế...; khắc phục triệt để tình trạng cơ quan thanh tra, kiểm toán đã tiến hành thanh tra, kiểm toán nhưng không phát hiện vi phạm, sau đó, cơ quan có thẩm quyền khác lại phát hiện có vụ việc vi phạm về cùng một nội dung.

Chính phủ dự báo năm 2023, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, xảy ra trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Tổng Thanh tra Chính phủ lo ngại, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp.

Vì lẽ này, theo ông Phong, Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó sẽ tiếp tục đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng chống tham nhũng.

Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Giải pháp nữa là triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng theo tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, tập trung thanh tra các lĩnh vực nguy cơ và nhiều dư luận về tham nhũng…

Bình luận (0)

Lên đầu trang