Chuyển biến toàn diện trong đấu tranh phòng chống các loại tội phạm

Thứ Ba, 08/11/2022 07:18

|

(CAO) Việc phát hiện, xử lý một số vụ án trong lĩnh vực có chuyên môn sâu (chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...) đã góp phần cảnh tỉnh, răn đe, tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Phòng chống tội phạm tiếp tục được tăng cường và đạt hiệu quả cao hơn

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an hôm nay (8/11) báo cáo Quốc hội về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022.

Tại báo cáo, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin, công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật tiếp tục được tăng cường và đạt hiệu quả cao hơn; thể chế, cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực ngày càng được hoàn thiện, khắc phục được nhiều sơ hở, thiếu sót, không để tội phạm lợi dụng.

Bộ trưởng Tô Lâm báo cáo trước Quốc hội sáng nay, 8/11

Trong đó, công tác phát hiện, điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng có bước tiến mới, phát hiện, xử lý một số vụ án trong lĩnh vực có chuyên môn sâu (chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...) góp phần cảnh tỉnh, răn đe, tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội bền vững…

Thông tin cụ thể, Bộ trưởng cho biết, từ 1-10-2021 đến 30-9-2022, lực lượng Công an đã phát hiện 5.117 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 36,68%, 523 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, tăng 40,97%.

“Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp, nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp” – Bộ trưởng  nhận định.

Dẫn chứng được Bộ trưởng đưa ra là vụ án Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC; vụ Nguyễn Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Louis Holdings; vụ án Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty cổ phần ASA; vụ án Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm.

Đáng chú ý, qua đấu tranh đã làm rõ sai phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, tập trung vào khâu thẩm định giá, thẩm định thầu, làm rõ thủ đoạn thông đồng chia nhỏ dự án, gói thầu để chỉ định thầu; dùng “quân xanh, quân đỏ” để thao túng giá trúng thầu, mua bán “lòng vòng” để nâng giá nhiều lần.

Điển hình như vụ Công ty Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố 26 bị can; Công an 21 địa phương khởi tố 24 vụ/63 bị can.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp

Cùng với đó C03 cũng khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC; Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố 05 đối tượng chia nhỏ gói thầu, lập chứng từ mua bán thiết bị giáo dục gây thiệt hại 15 tỷ đồng; Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Bệnh viện Thanh Nhàn, thiệt hại ước tính gần 25 tỷ đồng...

Đề cập đến nhóm tội phạm, vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, Bộ trưởng chỉ ra, phương thức, thủ đoạn của nhóm này ngày càng tinh vi, gây thiệt hại ngày càng lớn như quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư công, cổ phần hóa, y tế, giáo dục, đất đai, tài chính, ngân hàng, tài nguyên, khoáng sản, thuế…

Tội phạm liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 gia tăng, nhất là các loại vật tư, trang thiết bị y tế và các mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch; trục lợi trong tổ chức tiêm vắc-xin, xét nghiệm Covid-19, lợi dụng việc đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước để trục lợi…

Trong các vụ liên quan đến dịch Covid-19, Bộ trưởng dẫn nhiều vụ án, trong đó có vụ “đưa và nhận hối lộ”, khởi tố Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực và các đối tượng là lãnh đạo, chuyên viên Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, Vụ Hợp tác quốc tế - Văn phòng Chính phủ…

Năm 2023: Triển khai toàn diện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh, Bộ trưởng Tô Lâm nhìn nhận, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông tăng mạnh (143,98%) về số vụ và tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, tinh vi hơn.

Nổi lên là các hành vi tổ chức đánh bạc, đánh bạc, cá độ bóng đá qua mạng Internet với số tiền lớn có sự tham gia của nhiều đối tượng liên kết chặt chẽ tại nhiều địa phương; biến tướng dưới nhiều hình thức mới. Điển hình, Công an Thái Bình phát hiện, đấu tranh triệt phá 2 đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá trên mạng Internet với số tiền đánh bạc từ 6.600 đến 8.400 tỷ đồng.

Tại Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế, 15 đối tượng đánh bạc qua mạng Internet với số tiền giao dịch 250 tỷ đồng. Tại Nghệ An, 7 đối tượng đánh bạc qua mạng Internet với số tiền hơn 100 tỷ đồng. Tương tự, Công an TP.Hà Nội cũng triệt phá đường dây tổ chức cá độ bóng đá, đánh bạc trên Internet với số tiền giao dịch lên đến 1.500 tỷ đồng.

Toàn cảnh phiên họp sáng 8/11

Theo Bộ trưởng, tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet với thủ đoạn sử dụng phần mềm chiếm đoạt tài khoản của người dùng trên các trang mạng, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng; tình trạng tán phát tin nhắn rác để quảng cáo hoạt động cờ bạc, mại dâm..., mua bán văn bằng, chứng chỉ giả; giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản rồi chiếm đoạt cũng còn diễn biến phức tạp...

Nhóm tội phạm về trật tự xã hội được lực lượng công an phát hiện, khám phá đạt tỷ lệ cao, tới 86,94%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95,12%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,27%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Đặc biệt, đã triệt phá 809 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó đã trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tạo được chuyển biến tích cực; bắt và vận động đầu thú, thanh loại 5.829 đối tượng truy nã (có 1.354 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm... ).

“Về cơ bản các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ; hầu hết các loại tội phạm đều giảm” – báo cáo nêu, như số vụ phạm tội có tổ chức giảm 29,07%; hiếp dâm giảm 10,85%, xâm hại trẻ em giảm 23,63%...

Dự báo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp, trong năm 2023, người đứng đầu ngành công an cho biết, Chính phủ đề ra hàng loạt giải pháp trọng tâm, trong đó xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cấp, từng ngành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; lồng ghép công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ cũng chủ trương tăng cường xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các luật đã được Quốc hội thông qua, không tạo khoảng trống pháp lý gây khó khăn cho công tác phòng, chống tội phạm.

Bên cạnh việc chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường đấu tranh các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm có tổ chức liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm hoạt động núp bóng doanh nghiệp, tội phạm chống người thi hành công vụ…, Chính phủ sẽ triển khai toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Xử lý nghiêm tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường, sử dụng công nghệ cao, làm tốt công tác thanh loại, truy bắt, vận động đầu thú đối tượng truy nã, nhất là số đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm…

Bình luận (0)

Lên đầu trang