Vẫn chưa có chế tài xử lý nếu sử dụng vốn vay không hiệu quả

Thứ Năm, 25/05/2017 17:18

|

(CAO) Đây là đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, Nguyễn Đức Hải tại báo cáo thẩm tra về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) trình bày trước Quốc hội vào sáng 25-5.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải, dự thảo luật quy định nhiều nội dung mới liên quan đến quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và quản lý bảo lãnh Chính phủ song chưa quy định rõ trách nhiệm, chế tài, biện pháp xử lý đối với tổ chức, cá nhân liên quan và trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, sử dụng vốn vay khi xảy ra sai phạm, sử dụng vốn vay không hiệu quả, vay lại song không có khả năng trả nợ,... Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nội dung này vào dự thảo luật.

Ông Hải cũng cho biết, một nội dung khác trong dự thảo Luật gây tranh cãi đó là quy định nhiệm vụ quyền hạn của một số bộ ngành. Cụ thể, tại Điều 19 Dự thảo luật quy định theo hướng Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; Điều 20 giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, làm đầu mối vận động, ký kết hiệp định khung; Điều 21 giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế,...

Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị quy định theo hướng chỉ giao một cơ quan là đầu mối thống nhất theo sự phân công của Chính phủ để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nợ công, trong đó bao gồm cả chức năng quản lý nhà nước đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, làm đầu mối thống nhất vận động, đàm phán hiệp định khung, hiệp định vay, phân bổ, sử dụng vốn, trả nợ vay.

Quốc hội xem xét 2 dự án luật
 

Ông Hải lý giải quy định như dự thảo luật chưa phù hợp với yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững là phải bảo đảm tập trung thống nhất trong quản lý về nợ công nhằm sớm khắc phục tình trạng “quản lý đầu tư công, nợ công còn chồng chéo, chưa gắn trách nhiệm cân đối ngân sách, vay và trả nợ với phân bổ, sử dụng vốn”. Bên cạnh đó, cũng chưa đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính và sẽ không khắc phục được các hạn chế đang diễn ra hiện nay.

“Thông lệ tốt được nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện là quy định rõ một đầu mối quản lý tập trung, thống nhất nguồn lực nợ công. Trường hợp cần thiết sẽ điều chỉnh các Luật có liên quan cho phù hợp” – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị.

Ngoài ra, một số đại biểu tán thành với nội dung Dự thảo luật, trước mắt để đảm bảo ổn định trong tổ chức, hoạt động và không phải điều chỉnh các Luật có liên quan. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ bổ sung quy định nhằm xác lập rõ hơn về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan theo hướng cụ thể, chặt chẽ, hiệu quả; xác định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, quy định rõ quy trình phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quản lý nợ công. Một số ý kiến cho rằng, đây là vấn đề quan trọng liên quan đến tổ chức bộ máy và nhiều nội dung của Luật, đề nghị xin ý kiến Quốc hội.

Bình luận (0)

Lên đầu trang