(CAO) Vấn đề Biển Đông đã được người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam nêu ra trước lãnh đạo và đại diện 193 quốc gia thành viên LHQ.
Tại phiên Thảo luận chung Cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc (New York, Hoa Kỳ) hôm 28-9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng đoàn Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại LHQ
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của chủ nghĩa đa phương và những thành tựu to lớn mà các thể chế đa phương, nhất là LHQ, đã đạt được suốt ¾ thế kỷ qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam cho biết, với Việt Nam, đối ngoại đa phương có vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại cũng như trong tổng thể quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Việt Nam ngày càng chứng tỏ vai trò là một thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm trong các tiến trình đa phương, với những đóng góp trên nhiều lĩnh vực hoạt động của LHQ, từ gìn giữ hòa bình tới phát triển bền vững và mới đây Việt Nam đã được các nước tin tưởng bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 – 2021.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, chủ nghĩa đa phương đang đứng trước thách thức gay gắt do tác động của chính trị cường quyền, chủ nghĩa dân tuý, suy giảm cam kết chính trị và thiếu hụt nguồn lực. Vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng tăng cường sức sống cho chủ nghĩa đa phương là một yêu cầu cấp bách đối với cộng đồng quốc tế. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nêu nhiều đề xuất cụ thể, thiết thực, được các nước quan tâm.
Khẳng định “luật pháp quốc tế là nền tảng của quan hệ bình đẳng, công bằng giữa các quốc gia”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho rằng cộng đồng quốc tế cần lên tiếng trước những hành động đơn phương, áp đặt, vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Nhắc lại quan ngại trước những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, trong đó có những hoạt động xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán trong các vùng biển của Việt Nam được xác định theo Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh các quốc gia liên quan cần kiềm chế, không có hành động đơn phương gây phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.
Với vai trò là Ủy viên không thường trực HĐBA 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ ưu tiên thúc đẩy hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực, nhất là trong phòng ngừa xung đột và thúc đẩy hòa bình bền vững. Việt Nam cũng nhấn mạnh các nỗ lực đa phương cần đặt con người ở vị trí trung tâm; trong đó hòa bình, ổn định là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững; và cũng chỉ có thể được bảo đảm nếu người dân được bảo vệ an toàn, bảo đảm các điều kiện sống cơ bản.
Trước những thách thức mới, các thể chế đa phương cần được cải tổ theo hướng tăng cường hiệu quả, minh bạch và dân chủ, và các nước cần tăng cường cam kết chính trị cũng như nguồn lực cho các thể chế đa phương.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã tham dự Hội nghị không chính thức các Ngoại trưởng ASEAN (IAMM) và các cuộc họp giữa các Ngoại trưởng ASEAN với Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), Liên minh Thái Bình dương (PA) và Tổng thư ký và Chủ tịch ĐHĐ LHQ.
Khóa họp 74 Đại Hội đồng Liên hợp quốc khai mạc ngày 17-9-2019 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Hoa Kỳ, trong đó Phiên Thảo luận chung Cấp cao được tổ chức từ 24 – 29-9-2019 với sự tham dự của hơn 150 nguyên thủ, Thủ tướng hoặc Bộ trưởng có chủ đề “Tăng cường nỗ lực đa phương nhằm xóa nghèo, thúc đẩy giáo dục chất lượng, hành động ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bao trùm”.
Bên cạnh Phiên thảo luận chung Cấp cao, một số sự kiện cấp cao cũng được tổ chức như “Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu”, “Cuộc họp Cấp cao của LHQ về Phổ cập chăm sóc sức khỏe toàn dân”, “Diễn đàn Chính trị Cấp cao về Phát triển bền vững”, “Sự kiện Cấp cao kỷ niệm Ngày Quốc tế về Xóa bỏ Hoàn toàn Vũ khí hạt nhân”….