Đường biên giới trên đất liền Việt Nam và Campuchia có chiều dài khoảng 1.245 km, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Campuchia. Trên cơ sở Hiệp ước đã ký kết, hai nước đã triển khai công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền từ đầu năm 1986. Tính đến tháng 12/2018, hai bên đã hoàn thành khoảng 84% khối lượng công tác phân giới, cắm mốc.
Nhờ đó, hoạt động giao lưu, hợp tác qua biên giới, hệ thống cửa khẩu trên biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia phát triển mạnh mẽ. Trên toàn tuyến có 41 cặp cửa khẩu (trong đó có 10 cặp cửa khẩu quốc tế) đang hoạt động.
Tuy nhiên, theo các đại biểu dự Hội nghị, tiềm năng hợp tác, giao lưu còn rất lớn, nhất là khi cơ sở hạ tầng và giao thông kết nối với các cửa khẩu được đầu tư nhiều hơn nữa. Vì vậy, hai bên đã thành lập Nhóm công tác hỗn hợp về cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia để trao đổi việc phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới giữa hai nước.
Thủ tướng hai nước ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia luôn là những điều thiêng liêng của mỗi dân tộc, ẩn sâu trong tâm trí của mỗi người dân. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Việt Nam, Campuchia luôn là hai nước láng giềng anh em gần gũi, có mối quan hệ gắn bó từ lâu. Việc cùng nhau hợp tác hữu nghị phân định biên giới, vạch rõ “bờ cõi núi sông” cho muôn đời sau, có ý nghĩa sâu sắc và là trách nhiệm cao cả không chỉ với các thế hệ các nhà lãnh đạo mà cả mọi người dân hai nước Việt Nam và Campuchia.
Với 84% khối lượng công tác phân giới cắm mốc trên thực địa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, đây là thành quả vô cùng quan trọng mà hai bên đã đạt được trong quá trình hợp tác giải quyết vấn đề về biên giới.
Cùng với các văn kiện pháp lý về biên giới đã ký kết từ trước, theo Thủ tướng, Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư phân giới cắm mốc trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia vừa được ký sẽ tạo khung pháp lý quan trọng để quản lý và phát triển đường biên giới hai nước, vừa bảo đảm giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, vừa thúc đẩy hợp tác phát triển, giữa hai bên, qua đó xây dựng đường biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định: Lễ ký kết hai Văn kiện lịch sử ngày hôm nay đã minh chứng rõ rằng tiến độ giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước đã tiến một bước đáng tự hào. Đó cũng là sự nỗ lực, cố gắng của Thủ tướng hai nước, cùng với Ủy ban hỗn hợp biên giới và chính quyền các cấp của hai nước trong thời gian 14 năm qua, kể từ sau khi ký kết Hiệp định Bổ sung vào năm 2005 cho tới nay.
Thành tựu to lớn trong công tác phân giới, cắm mốc mà hai nước đạt được xuất phát từ sự nỗ lực trong việc tìm kiếm giải pháp chung dựa trên tình hữu nghị, tình nghĩa anh em, sự cảm thông lẫn nhau và là người bạn mấy chục năm qua.
Hai Thủ tướng chứng kiến lễ ký Phụ lục bản đồ đính kèm Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Với hai văn kiện pháp lý được ký kết - Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư phân giới cắm mốc trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen đánh giá, việc tiến tới hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, giao lưu nhân dân giữa hai nước, nhất là khu vực vùng biên, qua đó nâng cao đời sống của người dân.
Thủ tướng Campuchia cho biết, Campuchia đang dành sự quan tâm hơn nữa vào sự phát triển khu vực dọc biên giới, trong đó có việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đường xá, xây dựng chợ và khu vực sản xuất, giúp người dân hai nước hưởng lợi, qua đó góp phần thúc đẩy hợp tác và phát triển giữa các quốc gia trong khu vực tiểu vùng sông Me Kong cũng như tăng cường về sự hợp tác trong ASEAN.
Thủ tướng Hun Sen cho biết, với tư cách đại diện Chính phủ Hoàng gia Campuchia, ông vô cùng tự hào vì hai nước đã đi qua khó khăn và sắp hoàn thành phân giới, cắm mốc biên giới đất liền giữa hai nước.
Nhân dịp này, ông tuyên bố giải pháp tiếp theo tại khu vực mà hai bên chưa hoạch định, cắm mốc giới và khu vực chưa thống nhất đối với đường biên giới.
"Chính phủ Campuchia kiên quyết lập trường xây dựng biên giới Campuchia - Việt Nam dựa trên luật pháp quốc gia và thông lệ quốc tế. Tôi kêu gọi chính quyền địa phương cũng như công dân của hai nước hãy cùng nhau giữ gìn, cùng nhau xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, để làm cho cuộc sống của người dân hai nước chúng ta mãi mãi ấm no và hạnh phúc" - Thủ tướng Campuchia cho biết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc và các cơ quan, địa phương liên quan của hai nước tiếp tục nỗ lực và hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong công tác phân giới cắm mốc.
Đối với khoảng 16% đường biên giới còn lại chưa được phân giới cắm mốc, lãnh đạo hai nước sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc đề sớm hoàn thành việc phân giới cắm mốc trên toàn tuyến, trên cơ sở sự hiểu biết lẫn nhau, tình cảm trách nhiệm giữa hai đất nước, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là các điều ước quốc tế có liên quan được ký kết giữa hai nước. Do công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền của hai nước chưa hoàn thành toàn bộ, nên công tác quản lý, giữ gìn trật tự, trị an khu vực biên giới cần được thực hiện theo chủ trọng thực hiện theo hướng: Tiến hành quản lý theo đường biên, mốc giới đã được ghi nhận và mô tả trong Nghị định thư phân giới cắm mốc những khu vực đã hoàn thành công tác phân giới cắm mốc (khoảng 84%); Tiếp tục quản lý theo quy định tại Khoản 5 Điều 3, Hiệp ước bổ sung 2005 đối với những khu vực chưa hoàn thành phân giới cắm mốc (khoảng 16%).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị hai bên cần hợp tác xây dựng ngay Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và quản lý cửa khẩu biên giới mới để thay thế Hiệp định ký năm 1983 cho phù hợp với tình hình mới.