Những ngôi chùa mang đậm dấu ấn Bồ tát Thích Quảng Đức:

Bài 3: Chùa cổ Thiên Tứ, chùa Đức Hòa, Tổ đình Sắc tứ Linh Sơn

Thứ Sáu, 09/06/2023 14:31

|

(CATP) Đây là ba trong nhiều ngôi chùa có nét kiến trúc cổ xưa độc đáo cũng như mang nhiều giá trị lịch sử ở Khánh Hoà, nơi in đậm dấu ấn của Bồ tát Thích Quảng Đức. Trong đó, chùa cổ Thiên Tứ là nơi Bồ tát ẩn tu tại núi Đất, trụ trì và đào tạo tăng chúng; chùa Đức Hòa nơi Bồ tát khai sơn còn Tổ đình Sắc tứ Linh Sơn là nơi Bồ tát trụ trì trong một thời gian dài.

Chùa cổ Thiên Tứ

Chùa Thiên Tứ tọa lạc dưới chân hòn núi Đất thuộc tổ dân phố Mỹ Trạch, phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa. Chùa được khởi công xây dựng năm 1744 do tổ Đạo Minh, thuộc dòng Chúc Thánh khai sơn thời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Chùa từng là nơi ẩn tu thiền định của tổ Pháp Thân - Đạo Minh, một bậc chân tu đắc đạo của dòng Chúc Thánh.

Năm 1927 - 1930, Bồ tát phát nguyện nhập thất và thiền định tu 3 năm trên ngọn núi Đất ở Ninh Hòa, phía sau chùa Thiên Tứ, theo pháp môn thiền mật do tổ Hoằng Thâm chỉ dạy. Sau đó, Bồ tát rời núi Đất. Năm 1933, Bồ tát trụ trì chùa Thiên Ân. Sau khi tổ Đạo Minh viên tịch, chùa không có người trông nom trong thời gian dài. Sau đó theo nguyện vọng của phật tử, Bồ tát Thích Quảng Đức đã nhận lời trụ trì chùa từ năm 1935. Năm 1937, Bồ tát Thích Quảng Đức trùng tu chùa Thiên Tứ và xây dựng thêm nhà Đông, nhà Tây. Từ năm 1937 - 1942, hoạt động phật sự ở chùa Thiên Tứ có sự hỗ trợ của Hòa thượng Thích Hưng Từ nên phát triển khá mạnh. Bồ tát Thích Quảng Đức mở nhiều khóa phật học, đào tạo cho các bậc tăng tài từ miền Trung đến miền Nam về dự học. Nhiều hòa thượng nổi tiếng sau này, như: Hòa thượng Vĩnh Thọ, Nhơn Duệ, Nhơn Thị, Thủ Thiên... là những học viên xuất sắc thời đó. Đến năm 1940, Bồ tát giao Hòa thượng Thích Hưng Từ trụ trì chùa.

Hình ảnh Bồ tát Thích Quảng Đức trong pháp y Nam tông lưu tại chùa Thiên Tứ

Chùa cổ Thiên Tứ là một trong số ít ngôi chùa phía sau ngọn núi có một số cây cổ thụ trên đường đi lên núi Đất, trước chùa có cánh đồng rộng thoáng đãng. Ngôi chùa đã trải qua 5 lần trùng tu nhưng vẫn giữ nguyên dáng cũ. Chùa tuy nhỏ nhưng giữ được nét cổ kính, trầm mặc. Sân chùa có cây Trôm có tuổi đời hơn 270 năm, cao gần 20m, gốc to gần 6m, cành lá che rợp bóng mát hơn 200m2. Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh Khánh Hòa đã lập hồ sơ và tổ chức công nhận Cây di sản Việt Nam đối với cây Trôm vào tháng 5/2022. Đây cũng là Cây di sản đầu tiên được công nhận tại thị xã Ninh Hòa.

Hiện nay, chùa Thiên Tứ được Đại đức Thích Tâm Tánh quản lý trực tiếp cùng với Ban hộ tự chùa, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương, chùa bảo tồn và phát huy giá trị di tích thông qua hoạt động văn hoá tín ngưỡng. Lễ húy kị Bồ tát Thích Quảng Đức tại chùa Thiên Tứ được tổ chức vào ngày 19/4 âm lịch hàng năm.

Chùa Đức Hòa nơi Bồ tát Thích Quảng Đức khai sơn năm 1940

Chùa Đức Hòa tọa lạc tại số 128 đường Trần Qúy Cáp, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, nay là Văn phòng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thị xã Ninh Hòa. Theo Sơ thảo "Lịch sử chùa Phật giáo Ninh Hòa" do Đại đức Thích Ngộ Tánh chủ biên, chùa Đức Hòa do Bồ tát Thích Quảng Đức khai sơn năm 1940.

Hưởng ứng phong trào chấn hưng phật giáo tại miền Trung, lúc bấy giờ Hòa thượng Thích Quảng Đức - một vị sư trẻ tiến bộ đang trụ trì chùa Thiên Ân (Phước Thuận) có đủ uy tín đã vận động cả hai giới tu sĩ và cư sĩ thành lập Chi hội An Nam Phật học Ninh Hòa. Sau khi Hội An Nam Phật học ra đời, Đại lão hòa thượng Phước Huệ chùa Hải Đức (Nha Trang) đến nơi Ngài nhập thất thăm hỏi mời Ngài làm Chứng minh Đạo sư Chi hội Phật giáo Ninh Hòa. Quá trình vận động, đến năm 1936 chi hội An Nam Phật học Ninh Hòa được thành lập và ra mắt, Ban trị sự Hội cung thỉnh Hòa thượng Thích Quảng Đức làm Chứng minh Đạo sư. Văn phòng Chi hội được đặt tạm thời tại chùa Khánh Long.

Thời gian này, Hòa thượng Thích Quảng Đức đi hành đạo khắp nơi trong huyện, di chuyển liên tục chỉ bằng đôi chân, vận động nhiều khuôn hội thuộc Chi hội An Nam Ninh Hòa như: khuôn hội Long Hà, Pháp Hải, Thiên Tứ, Thiên Ân..., nhiều chùa được xây dựng mới hoặc trùng tu. Ngài có cuộc sống đạm bạc, đi nhiều nơi với chiếc áo nâu sờn cũ và một túi nải.

Cảnh quan chùa Thiên Tứ cùng Cây di sản Việt Nam trong khuôn viên chùa

Chi hội lúc này cũng cần xây dựng trụ sở riêng, đến cuối năm 1939, Hòa thượng Thích Quảng Đức và Ban trị sự Chi hội đã vận động mua đất xây dựng chùa, lấy tên là chùa Chi hội Phật giáo Ninh Hòa. Việc xây dựng chùa làm trụ sở Hội diễn ra từ tháng 5/1940 đến đầu năm Qúy Mùi 1943 thì hoàn tất. Hòa thượng Quảng Đức cử đệ tử là thiền sư Đồng Trí - Thông Huệ - Từ Ân trụ trì chùa.

Nhiều năm qua, Chư tôn đức Hòa thượng qua các đời trụ trì đã nỗ lực trùng tu, tôn tạo ngôi chùa để xứng đáng với sự khai sáng của Bồ tát Thích Quảng Đức và các vị tiền nhân. Năm 1991, Hòa thượng Thích Ngộ Tánh trụ trì chùa Chi hội, với tâm nguyện kiến tạo ngôi chùa khang trang để tăng ni, phật tử trong huyện sinh hoạt và tu học. Năm 1995, Ngài phát nguyện đại trùng tu bảo điện chùa. Năm 2005, đổi tên thành chùa Đức Hòa với ý nghĩa: chữ Đức trong tôn hiệu Bồ tát Thích Quảng Đức, Hòa là tên thị xã Ninh Hòa. Năm 2012, chùa xây bảo tháp Báo Ân tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức và chư thánh tử đạo. Sau khi Hòa thượng Thích Ngộ Tánh viên tịch năm 2020, Thượng tọa Thích Nhuận Đức trụ trì chùa đến nay. Chùa Đức Hòa hiện nay là nơi tổ chức an cư kiết hạ hàng năm cho chư tăng và nhiều lễ lớn của phật giáo thị xã Ninh Hòa và tỉnh Khánh Hòa. Lễ húy kị Bồ tát Thích Quảng Đức tại chùa Đức Hòa được tổ chức vào ngày 20/4 âm lịch hàng năm.

Tổ đình Sắc tứ Linh Sơn nơi Bồ tát trụ trì từ năm 1940 -1944

Chùa Linh Sơn hay còn gọi là Tổ đình Sắc tứ Linh Sơn tọa lạc tại thôn Hiền Lương, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh. Trước chùa là cánh đồng thoáng đãng có hồ sen rộng, có dòng sông Hiền Lương chảy qua, phong cảnh yên bình, thanh tịnh. Ngôi chùa cổ được thành lập năm 1761, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 22, đời vua Hiển Tông nhà Hậu Lê. Tổ khai sơn là Đại Bửu, còn gọi là Kim Cang đại lão tổ sư. Ngài thuộc thiền phái Lâm Tế - Liễu quán đời thứ 37.

Khi mới thành lập, chùa có tên Sa Long Tự. Triều Tự Đức, năm thứ 21 (1867), chùa bị hỏa hoạn, được xây cất lại và đổi tên thành Linh Sơn Tự cho đến ngày nay. Trong vườn chùa có cây Kén đại thụ hơn 300 tuổi. Chùa đã trải qua 8 đời truyền thừa.

Chánh điện chùa Đức Hòa

Chùa Linh Sơn là một trong những chùa cổ lưu giữ hầu hết hiện vật, các bảo tháp, long vị các chư tổ qua các đời trụ trì. Chùa còn lưu giữ bản Sắc tứ của vua Bảo Đại, biển ngạch Sắc tứ Linh Sơn tự ghi: Triều vua Bảo Đại thứ 15, tạo vào ngày lành tháng tốt do Bộ Lễ Công đại thần Tôn Thất Thuyết kính ghi. Quả chuông cổ cao 1m tại chùa có ghi năm chú tạo "Cảnh Hưng nhị thập nhị niên, Tân Tị, bát nguyệt", niên hiệu Duy Tân thứ 2 (1908), ngày 26/9 năm Mậu Thân.

Năm 1940, Bồ tát Thích Quảng Đức trụ trì đời thứ 6 chùa Linh Sơn. Trong thời gian trụ trì, Ngài đã trùng tu chùa năm 1941, đón nhận bằng Sắc tứ năm 1942, trùng tu chánh điện, tổ đường và mở rộng đất chùa năm 1944. Hiện nay, cổng tam quan, hàng trụ biểu chùa Linh Sơn do Bồ tát Thích Quảng Đức kiến tạo có kiến trúc cổ kính độc đáo, được bảo tồn di tích nguyên vẹn. Năm 1942, để đón nhận bằng Sắc tứ chùa Linh Sơn, Bồ tát thích Quảng Đức có thơ được in từ bản khắc gỗ gửi mời chư vị tôn túc và phật tử tham dự. Chánh điện của Tổ đình Sắc tứ Linh Sơn hiện nay được xây dựng trên nền trước đây Bồ tát Thích Quảng Đức đã thiết lập.

Cổng tam quan chùa Linh Sơn do Bồ tát Thích Quảng Đức kiến tạo

Năm 1941, Hòa thượng Thích Quảng Đức nghe tin thiền sư Chơn Phổ Nhẫn Tế Minh Tịnh đi tham học ở Ấn Độ và Tây Tạng về và lập chùa Thiên Chơn tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương nên Ngài vào viếng thăm và đàm đạo với thiền sư. Tại đây, Ngài gặp lại Hòa thượng Thích Tịch Tràng, biết là pháp khí có thể làm rường cột cho phật pháp mai sau, nên Ngài mời Hòa thượng về Tổ đình Linh Sơn tu học để tương lai có thể đảm nhận trọng trách trụ trì chùa.

Cuối năm 1944, Bồ tát Thích Quảng Đức chính thức truyền thừa trụ trì Tổ đình Linh Sơn cho Hòa thượng Thích Tịch Tràng. Thời gian 5 năm trụ trì chùa Linh Sơn, Ngài đóng góp nhiều phật sự, như: xác nhận bằng khoán đất đai, đón nhận Sắc tứ và trùng tu, tái thiết ngôi tổ đình, hiện nay còn lưu giữ nhiều kỷ vật và di tích. Ngài mời thiền sư Tâm Thanh - Tịch Tràng về tu học và trụ trì, là bước chuẩn bị trước cho việc rời Tổ đình sắc tứ Linh Sơn để tiếp tục vân du hành đạo.

Chùa Linh Sơn được tiếp tục trùng tu năm 1954, Hòa thượng Thích Tịch Tràng khởi công xây dựng ngôi chánh điện trên nền móng xây sẵn của Bồ tát Thích Quảng Đức, sau đó xây dựng nhà Đông, nhà Tây. Từ năm 1990 đến nay, Thượng tọa trụ trì Thích Thiện Dương đã trùng tu, xây dựng các công trình chánh điện, phật điện, cổng tam quan mới (như kiến trúc cổng Tam quan trước đây), tôn tượng Phật Bổn sư Thích Ca, tượng Quan Thế Âm.

Năm 2013, nhân lễ tưởng niệm 50 năm ngày Bồ tát thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, chùa Linh Sơn tổ chức lễ khánh tạ Nhà tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức và an vị tôn tượng Ngài. Lễ húy kị Bồ tát Thích Quảng Đức tại chùa Linh Sơn được tổ chức vào ngày 20/4 âm lịch hàng năm.

Bài 2: Tổ đình Sắc tứ Thiên Bửu và chùa Sắc tứ Thiên Ân
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang