Bỏ cấp phép ca khúc trước 1975: Hợp lý, văn minh, thông thoáng

Thứ Tư, 13/02/2019 09:26  | Hoài Giang

|

(CAO) Nhạc sĩ Vinh Sử, ca sĩ Lệ Quyên, ca sĩ Ánh Tuyết, bà Thu Dung - giám đốc Trung tâm băng nhạc Rạng Đông… đều bày tỏ ủng hộ “bỏ quy định cấp phép ca khúc sáng tác trước năm 1975” và “chấp thuận cấp phép trực tiếp cho nghệ sỹ hải ngoại về nước biểu diễn”.

“Bỏ quy định cấp phép ca khúc sáng tác trước năm 1975” và “chấp thuận cấp phép trực tiếp cho nghệ sỹ hải ngoại về nước biểu diễn” là hai nội dung vừa được Chính phủ thông qua đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ giới sáng tác, văn nghệ sĩ.

Báo Công an TP.HCM đã ghi nhận những phản hồi từ giới nghệ thuật xung quanh những quyết định này.

Nhạc sĩ Vinh Sử:

Tác giả của hàng loạt ca khúc nổi tiếng như Gái nhà nghèo, Hai bàn tay trắng, Người phu kéo mo cau, Nhẫn cỏ cho em… cho rằng nếu nội dung này được thông qua, sẽ tạo nên nguồn cảm xúc tốt cho ca sĩ khi trình diễn.

“Ai cũng mong như vậy. Cả người sáng tác và ca sĩ trình diễn đều chỉ muốn thể hiện những gì có lợi cho quê hương đất nước. Khi quy định bỏ cấp phép ca khúc sáng tác trước năm 1975 được thông qua, sẽ càng làm người nhạc sĩ và ca sĩ thoải mái tinh thần hơn để có thêm tác phẩm chất lượng”.

Bà Thu Dung, Giám đốc Trung tâm băng nhạc Rạng Đông:

Là người trực tiếp xin cấp phép cho rất nhiều ca sĩ hải ngoại về nước biểu diễn và xin cấp phép cho ca khúc trong các băng đĩa CD của trung tâm, tôi thấy quy định này rất hợp lý. Tôi nhiệt liệt hoan nghênh sự đổi mới này. Bản thân những người làm nghề sẽ tự biết điều chỉnh khi trình diễn. Cả việc cấp phép trực tiếp cho nghệ sỹ hải ngoại về nước biểu diễn cũng rất hay.

Trước đây nếu tôi đi xin phép biểu diễn cho một ca sĩ hải ngoại thì giấy phép đó không phải ở tỉnh, thành nào và ở sân khấu nào cũng sử dụng được, có khi phải đi xin lại rất nhiêu khê. Bây giờ ca sĩ hải ngoại tự đi xin phép biểu diễn cho mình, vừa thuận lợi lại vừa giúp ca sĩ tự chịu trách nhiệm với nội dung biểu diễn của mình. Như vậy rất khoa học và “khỏe” cho bầu show, đơn vị tổ chức như chúng tôi.

Bà Thu Dung và ca sĩ Mạnh Quỳnh

Ca sĩ Lệ Quyên:

Quyên không mong gì hơn là nội dung này được thông qua. Việc phải xin cấp phép từng ca khúc sẽ ngốn nhiều thời gian của ca sĩ, nhà sản xuất. Như trường hợp của chính Lệ Quyên vừa qua, với album Khúc tình xưa 5. Quyên rất thích ca khúc “Ngày sau sẽ ra sao” của nhạc sĩ Vân Tùng. Khi đến Mỹ tháng 12, Quyên đã tìm đến nhạc sĩ, xin phép và được ông trực tiếp viết giấy đồng ý.

Nhưng sau 3 tuần chờ đợi, việc xin phép để đưa ca khúc này vào Khúc tình xưa 5 vẫn không thực hiện được. Cuối cùng Quyên đành “tạm gác” bài hát mình yêu thích. Nếu bỏ quy định cấp phép ca khúc sáng tác trước năm 1975 mà chỉ ngăn chặn những bài hát có nội dung xuyên tạc lịch sử, chống phá nhà nước, bôi nhọ cá nhân, tổ chức, đi ngược lại lợi ích của quần chúng, thì Quyên tin rằng mỗi ca sĩ khi lựa chọn và trình diễn ca khúc sẽ tự tìm hiểu và đánh giá tác phẩm để có bài hát hay nhất gửi đến người xem.

Ca sĩ Ánh Tuyết:

Tôi “ủng hộ 2 tay 2 chân” việc bỏ cấp phép ca khúc sáng tác trước năm 1975. Như vậy là chính xác. Kho tàng âm nhạc của Việt Nam hãy để thời gian và khán giả tự sàng lọc. Quy định cấp phép trước đây khiến nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn, như người cày thiếu ruộng vậy.

Khi phòng trà ATB đang hoạt động, ở vai trò người tổ chức biểu diễn, tôi gặp không ít “trục trặc” từ việc phải đi xin phép từng bài, nhất là ca khúc hát ở phòng trà vốn thường là những bài có tuổi đời lâu năm.

Biên tập âm nhạc Nguyễn Hậu:

Ở cả ba góc độ: người làm biên tập nhạc, người yêu nhạc - sưu tầm nhạc và người làm báo, tôi đều ủng hộ các nội dung mới này. Khi làm các chương trình, tôi cũng đã phải làm danh sách không ít ca khúc đề xuất để xin cấp phép.

Tôi nhớ trong danh sách xin phép có nhiều bài rất dễ thương, như Gửi về em của nhạc sĩ Đỗ Thu. Tôi cho rằng việc này sẽ tạo nên sự văn minh, thông thoáng. Bản thân những người làm nghề, làm chương trình cũng luôn tự phải chọn lựa những tác phẩm phù hợp chương trình, có ích cho khán giả. Khán giả cũng tự biết chọn những gì hay, đẹp.

Vì thế việc cởi mở hơn khi bỏ cấp phép ca khúc sáng tác trước 1975 chính là trao cho nhau sự tin tưởng, chính là câu chuyện sinh động rõ ràng về bước tiến trong mở cửa và hội nhập.

Bình luận (0)

Lên đầu trang