(CAO) Sài Gòn những mảnh ghép rời ký ức là tác phẩm cuối của nhà văn – nhà báo Lê Văn Nghĩa để lại cho đời, cho Sài Gòn mà ông luôn yêu mến và đầy những ký ức trong ông.
Sách gồm hai phần: Tạp bút và Biên khảo. Trong tác phẩm (Nhà xuất bản Trẻ phát hành), nhà văn tìm lại những “miếu đền ký ức” để trở về tuổi thơ đã mất cùng ít nhiều hình dáng của một Sài Gòn xưa. Những mảnh tuổi nhỏ, những con phố xưa, tiệm chạp phô, miếng kẹo mạch nha buổi trưa hè, câu hát cải lương…
Những ký ức tuổi thơ của tác giả như bức tranh về đời sống, nếp sống, vỉa tầng văn hóa, chuyện học hành của một Sài Gòn - Chợ Lớn cách đây gần nửa thế kỷ, dù chỉ là những mảnh rời nhưng vẫn chan chứa hồn Sài Gòn và những bóng dáng yêu thương.
Ở phần biên khảo, nhà văn tìm lại mạch ngầm văn hóa, văn nghệ ở Sài Gòn - vốn đâu thể thiếu những bài viết, giọng ca, lời nhạc, những vở cải lương đầy ánh lửa đam mê một thời.
Cuốn sách mới của ông cũng có những đoạn viết trong bối cảnh dịch dã thời gian qua, vẫn với giọng văn hài hước nhưng có tiếng thở buồn lẩn khuất trong câu chữ.
“Những ngày Covid-19, học sinh toàn quốc đều phải ở nhà để tránh lây nhiễm. Đường phố Sài Gòn vắng chưa từng thấy. Đi ngang trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm) không còn thấy cảnh cha mẹ lũ lượt đưa con đi học mỗi buổi sáng, đậu xe trước cổng trường, nhìn cho đến khi con bước qua khỏi cổng hay đút cho con từng muỗng cơm tấm ăn vội. Vắng đến nỗi nhìn vào phía cổng trường thấy như ngôi trường không còn nữa!
Bỗng dưng lẩn thẩn nghĩ về ngôi trường tiểu học này. Bây giờ trường Nguyễn Bỉnh Khiêm hoành tránh đang nằm trên khu đất ngày xưa là một ngôi trường nhỏ - ngôi trường được xây dựng dã chiến để góp phần giải tỏa những lớp học buổi trưa vào năm 1965 - 1966. Sài Gòn ngày xưa đã từng có những lớp học buổi trưa sao?”
(Trích Sài Gòn từng có lớp học buổi trưa)