Thua lỗ ngoài sức tưởng tượng
Sau 10 ngày công chiếu, bộ phim kể về câu chuyện Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân Huyền sử vua Đinh của đạo diễn Anthony Võ gây thất vọng vì có nội dung đơn giản, chất lượng sản xuất kém, không nhận được sự ủng hộ từ khán giả. Phim phải rời khỏi rạp khi chỉ đạt doanh thu 42 triệu đồng (theo số liệu từ Box Office Vietnam - đơn vị kiểm toán doanh thu phòng vé độc lập), trở thành một trong những bộ phim có doanh thu thấp nhất trong lịch sử điện ảnh Việt.
Huyền sử vua Đinh kể lại câu chuyện Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, có yếu tố huyền sử - là những truyền thuyết dân gian truyền miệng, có liên quan đến nhân vật, sự kiện lịch sử mang tính chất thần kỳ. Phim dài 78 phút, quy tụ dàn diễn viên: Anh Tài, Sala Uyên Trinh, Ngô Tiến Thành, Ngô Phước Thiện, Đỗ Thành...
Là phim khai thác yếu tố lịch sử, kể về một trận chiến quan trọng, nhưng Huyền sử vua Đinh không được đầu tư mạnh về mảng hành động. Bộ phim có đề tài về lịch sử song có nhiều "sạn" khó chấp nhận. Gây thất vọng lớn nhất là về phần trang phục, hóa trang khi các diễn viên gắn râu giả gượng gạo, diễn viên quần chúng còn để lộ tóc nhuộm, cắt tỉa theo phong cách hiện đại nhưng lại vào vai binh sĩ thời xưa. Phần phục trang đơn giản, thiếu sự nghiên cứu và đầu tư.
"Nhìn bộ râu dán méo xẹo sang một bên còn thua hóa trang đoàn cải lương tỉnh"; "xem phim kiểu cố làm cho kịch tính, gay cấn mà xem như chuyện cổ tích"; "phim lịch sử mà từ bối cảnh đến trang phục hời hợt quá”... là những bình luận của khán giả sau khi theo dõi bộ phim. Nhiều ý kiến đánh giá chất lượng tác phẩm ở mức dưới trung bình, chỉ thích hợp để làm web-drama (phim chiếu mạng) hơn là phim điện ảnh chiếu rạp.
Huyền sử vua Đinh - bộ phim có doanh thu thấp nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Trước đó, đầu tháng 11-2022, bộ phim kinh dị xác sống Virus cuồng loạn khởi chiếu cũng nhận được cái kết tương tự. Sau một tuần công chiếu, Virus cuồng loạn thu về hơn 90 triệu đồng, doanh thu bằng 1/100 so với kinh phí sản xuất lên đến gần 8 tỉ. Vì sao lại như vậy? Virus cuồng loạn là phim chiếu rạp đầu tay của đạo diễn Nguyễn Ngọc Nhất Duy (con trai nghệ sĩ Công Hậu). Phim kể về một đoàn phim đang quay bộ phim về zombie tại một khu nghỉ dưỡng trên núi.
Tại đây, cả đoàn đã gặp nạn zombie thật, xuất phát từ thực phẩm độc hại, không rõ nguồn gốc. Đoàn phim zombie phải đấu tranh để sống sót, tìm đường đến sân bay nhằm kiếm sự trợ giúp từ chính phủ và quân đội. Ý tưởng phim hoành tráng là vậy nhưng những gì Virus cuồng loạn thể hiện lại gây thất vọng khi chất lượng kịch hời hợt, chắp vá; tạo hình, hóa trang cẩu thả và lạm dụng hài nhảm lộ liễu, tạo cảm giác rẻ tiền khiến khán giả quay lưng.
Cần xem lại trách nhiệm của nhà làm phim
Đây không phải là những phim Việt duy nhất ra mắt trong năm nay có chất lượng thảm họa và phải nhanh chóng rút khỏi rạp vì doanh thu quá thấp so với kinh phí sản xuất. Trước đó, bộ phim Vô diện sát nhân (phát hành cuối tháng 8) với đề tài giết người hàng loạt chỉ thu về 4,7 tỷ đồng. Duyên ma - bộ phim có sự góp mặt của những tên tuổi ăn khách như Kiều Minh Tuấn, Ngọc Trinh... cũng không cứu vãn được tình thế khi doanh thu quá thấp.
Đầu tư 33 tỷ đồng, Kẻ thứ ba - phim do Lý Nhã Kỳ sản xuất và đóng chính ra mắt vào tháng 5-2022 lại "chết yểu" khi chỉ thu gần 1 tỷ đồng sau 15 ngày công chiếu và phải rút khỏi các cụm rạp. Còn phim Kẻ đào mộ với sự góp mặt của Trương Thị Mây cũng ngậm ngùi biến mất khỏi phòng vé chỉ với hơn 500 triệu đồng doanh thu. Tiếp đó, điện ảnh Việt có những đại diện như Cù lao xác sống, Trò chơi tử thần... chỉ thu vài tỷ đồng rồi rời rạp sớm.
Cảnh trong phim Virus cuồng loạn - hứng chịu sự chê cười của khán giả khi kịch bản ngô nghê, rẻ tiền
Gần 30 phim Việt ra rạp năm 2022 thua lỗ chưa từng có, một số phim chưa đạt nổi 1 tỷ doanh thu, nhiều phim phải rút sớm khỏi rạp vì không bán được vé cho thấy lý do đầu tiên khiến những phim này thất thu là do chất lượng yếu, tư duy làm phim cũ mòn, thiếu tính đột phá. Nhiều nhà sản xuất chuyên môn không cao, không đủ khả năng để thẩm định kịch bản, họ thường coi trọng những yếu tố bề nổi, chạy theo xu hướng thay vì chăm chút, đầu tư cho nội dung phim.
Kiểu làm phim chụp giật, dễ dãi không chỉ gây hại cho bộ phim, cho uy tín của nhà làm phim mà còn để lại hệ lụy cho cả thị trường điện ảnh trong nước, kéo lùi vị thế phim Việt ngay trên sân nhà. Trong bối cảnh khán giả ngày càng tiếp cận sâu rộng với điện ảnh thế giới qua nhiều kênh, trong đó có rạp chiếu và các nền tảng xem phim trực tuyến, nếu làm phim cẩu thả, dưới tầm thưởng thức của khán giả sẽ không thể kéo được khán giả đến rạp.
Tiến sĩ Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển Điện ảnh Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi về nhận thức. Nếu như trước đây, điện ảnh được xem là nghệ thuật thiên về tinh thần, thưởng thức, không quy thành hàng hóa thì bây giờ đã khác, phim ảnh phải là sản phẩm hàng hóa đặc biệt. Các nhà làm phim đặt ra giá trị thẩm mỹ cho tác phẩm, đồng thời phải cho thấy đó là mặt hàng mà khán giả muốn xem, chúng ta phải bán những thứ khán giả cần chứ không thể chỉ bán thứ mình có.
Việc phim thua lỗ cho thấy các nhà làm phim nội đang đi sau thị hiếu khán giả. Bởi một bộ phim thu hút đông người xem, chắc chắn là có sự đồng điệu về tư duy mới tạo ra sự yêu thích, đồng cảm nơi khán giả.