(CAO) Sáng 15-9, TAND TP.HCM đã xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án “giết người” đối với bị cáo Dương Chí Tâm (SN 1991, ngụ Q.8). Đây là vụ án đặc biệt khi chính cha của nạn nhân cũng viết đơn kháng cáo kêu oan cho bị cáo.
Theo cáo trạng, từ tháng 4-2009, Trần Văn Phát và Mai Thị Cẩm Lệ chung sống với nhau tại nhà mẹ của Lệ (xã Bình Hưng, H.Bình Chánh). Trước khi chung sống với nhau, cả Lệ và Phát điều đã lập gia đình riêng và điều có con riêng. Trong thời gian chung sống, Lệ và Phát thường xảy ra mâu thuẫn. Ngày 18-4-2010, Phát dùng tay (có đeo nhẫn) tát vào mặt Lệ làm rách da mặt nên mẹ của Lệ không đồng ý cho vợ chồng này sống cùng nhà.
Bị cáo Dương Chí Tâm một mực kêu oan tại tòa
Khoảng 17 giờ ngày 19-4-2010, có 2 người phụ nữ đến nhà mẹ Lệ đòi lại tiền đã góp cho Lệ để đưa lại cho Phát. Phạm Nguyễn Yên Vũ (em rể Lệ) biết chuyện nên sau khi 2 người phụ nữ này đi, Vũ mang theo cây móc sắt đến nhà tìm Phát để đánh. Thấy vậy Dương Chí Tâm cũng lấy một con dao giấu trong túi quần rồi ra đầu hẻm 1107 Phạm Thế Hiển (Q.8) để tìm Vũ và Phát.
Đến 18 giờ cùng ngày, tại trước nhà số 1107/232 hẻm 1107 Phạm Thế Hiển (Q.8), trong lúc Phạm Nguyễn Yên Vũ và Trần Văn Phát đánh nhau, Dương Chí Tâm vào can ngăn và bị Phát đánh vào vai nên dùng dao đem theo sẳn đâm Phát 2 nhát trúng vào đùi và bụng khiến Phát tử vong.
Ngày 24-4-2014, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử và tuyên phạt Dương Chí Tâm chung thân về tội “giết người”; Phạm Nguyễn Yên Vũ 2 năm tù về tội “gây rối trật tự công cộng” và Mai Hoàng Phong 1 năm tù về tội “hủy hoại tài sản”.
Sau bản án sơ thẩm, Dương Chí Tâm viết đơn kháng cáo kêu oan, Phong kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Điều khiến mọi người bất ngờ nhất là ông Trần Văn Xuân, cha của anh Phát đã viết đơn kháng cáo kêu oan cho Dương Chí Tâm. Ngày 21-102014, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm tuyên hủy để điều tra xét xử lại theo tình tự sơ thẩm đối với Dương Chí Tâm.
Tại phiên tòa hôm nay, Tâm cho rằng mình không dùng dao đâm tử vong Phát. Bố của Phát là ông Trần Văn Xuân cũng tin rằng bị cáo Tâm không phải là người sát hại con trai ông. Ông này cung cấp thông tin: Trong lúc con trai ông bị đâm và bỏ chạy cách hiện trường khoảng 200m, ra tới đầu hẻm thì có la lên khoảng 10 lần là “Tao làm gì mà mày giết tao hả Cao”. Lời khai này ông Xuân nghe từ bà Thảo, chủ quán cà phê ngay đầu hẻm thuật lại.
Lúc này, chủ tọa hỏi bị cáo “Cao là tên ai?” bị cáo Tâm nói “Cao là tên thường gọi của Mai Hoàng Tâm”. Chủ tọa quay xuống phòng xử án hỏi “Tại phòng xử này có ai tên Mai Hoàng Tâm không?”. Từ dưới hàng ghế dành cho người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan tại phiên tòa, một cánh tay đưa lên. Chủ tọa ngay lập tức cho mời người thanh niên tên Mai Hoàng Tâm (tên thường gọi là Cao) này lên xét hỏi.
Mai Hoàng Tâm (Cao) khai rằng, tại thời điểm xảy ra vụ án, Mai Hoàng Tâm (Cao) có cầm mã tấu ra định chém Phát, tuy nhiên khi vừa cầm mã tấu ra khỏi nhà thì được can ngăn nên Mai Hoàng Tâm (Cao) đem mã tấu vào nhà…
Khi Mai Hoàng Tâm (Cao) khai nhận đến đây, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa quyết định tạm ngưng phiên tòa để HĐXX nghị án (lần 2). Sau hơn 10 phút nghị án, HĐXX quay trở lại phòng xử án và công bố hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung vì xuất hiện tình tiết mới, cũng như làm rõ thêm 1 số nội dung liên quan khác của vụ án.
Như vậy sau 2 lần xử sơ thẩm, 1 lần xử phúc thẩm, nay vụ án oan nghiệt xuất phát từ mối tình “rổ rá gáp lại” này tiếp tục quay trở lại từ đầu.