Bẫy lừa “bưu phẩm của công an”

Thứ Ba, 21/05/2019 10:22

|

(CATP) Bất ngờ nhận được bưu phẩm đáng lẽ người nhận phải vui, nào ngờ hầu hết đều hoang mang lo sợ. Nội dung các vụ việc thêm một lần nữa nhắc nhở người dân phải hết sức cảnh giác, nếu không muốn hao tốn tiền bạc...

BỖNG DƯNG THÀNH... TỘI PHẠM

Đang nghỉ trưa ngày 16-5-2019, anh Nguyễn Nhứt (SN 1984, ngụ Q12) bất ngờ bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại dồn dập. Mở máy, anh được người gọi tự xưng là nhân viên bưu điện Hà Nội thông báo anh có bưu phẩm từ Công an Hà Nội gửi vào. Thông báo trên khiến anh Nhứt có phần hoang mang vì bưu phẩm do công an gửi tới chắc không phải điều lành. Sau đó, chủ máy phân vân suy nghĩ rồi tự trấn an mình rằng chắc họ nhầm điện thoại?

Gần một giờ sau, có một số máy lạ gọi đến cho anh Nhứt. Lần này người gọi là nam giới, tự xưng là Công an Hà Nội đang điều tra vụ đánh bạc qua mạng và thông báo anh Nhứt có liên quan đến vụ án nghiêm trọng này. Trong lúc anh Nhứt đang hoang mang thì người này bồi thêm: “Tôi sẽ cho anh gặp một vị cán bộ để được rõ hơn”.

Người nói chuyện tiếp theo với anh Nhứt là một phụ nữ, tự xưng là thư ký Tòa án TP.Hà Nội cho biết đang thụ lý vụ án đánh bạc qua mạng, trong đó nhiều đối tượng khai báo anh Nhứt có liên quan, không tránh khỏi liên lụy pháp luật. Bỗng nhiên thành tội phạm, anh Nhứt không khỏi lo âu, vội vàng biện minh. Chờ Nhứt bày tỏ đôi điều xong, “thư ký tòa” mới yêu cầu anh cung cấp cụ thể họ tên, số chứng minh và mã tài khoản ngân hàng.

Đang rối trí, không đủ minh mẫn nhận diện sự việc nên anh Nhứt cứ thế cung cấp đầy đủ họ tên, số chứng minh và mã thẻ ngân hàng. Có được các thông tin cơ bản, “thư ký tòa” hứa hẹn đôi điều rồi cúp máy. Cuộc hội thoại đã kết thúc nhưng anh Nhứt vẫn chưa hết âu lo...

Ít phút sau, điện thoại của anh Nhứt phát tiếng thông báo “tít, tít” quen thuộc. Mở tin nhắn kiểm tra, anh hốt hoảng khi thấy tổng đài Ngân hàng Sacombank thông báo tài khoản của anh đã bị trừ hết 85 triệu đồng hiện có. Biết mình sập bẫy lừa, anh vội đến cơ quan công an trình báo.

Dính cú lừa đau hơn anh Nhứt là anh Xuân Trần (SN 1971, ngụ Q.Tân Phú). Buổi sáng một ngày tháng 3-2019, anh Trần cũng được nhân viên bưu điện thông báo có bưu phẩm. Là người làm ăn nên việc chuyển hoặc nhận bưu phẩm đối với anh Trần quá thường nhật, vì thế anh chẳng mấy quan tâm.

Tuy nhiên, ngay sau đó “nhân viên bưu điện” lại hé lộ thông tin “bên trong bưu phẩm là công văn và lệnh bắt giam” khiến anh không thể thờ ơ. Dò hỏi kỹ, anh Trần được người báo tin cho biết anh liên quan đến đường dây mua bán ma túy và “rửa tiền”. Sự thật khiến anh Trần bàng hoàng, vội nói lời biện minh thì “nhân viên bưu điện” cho biết sẽ nối máy để anh gặp người của Công an TP.Hà Nội.

Cần nhiều hơn nữa những thông tin tuyên truyền có nội dung như thế này

Sau đó, người gọi đến xưng danh là cơ quan điều tra, lại một lần nữa xác nhận anh Trần là mắt xích nằm trong đường dây mua bán ma túy và “rửa tiền”, rồi đề nghị anh chuyển ngay số tiền 4,5 tỷ đồng có trong tài khoản để họ xác minh. Sau khi xác minh, nếu anh Trần trong sạch, số tiền kia hoàn toàn minh bạch thì sẽ được chuyển trả lại cho chủ nhân. Do quá hoang mang và hoàn toàn tin tưởng vào người của cơ quan điều tra, anh Trần vội đến ngân hàng chuyển vào hai tài khoản do “cơ quan điều tra” cung cấp với tổng số tiền là 4,5 tỷ đồng.

Tiền đã chuyển đi rồi, khi bình tĩnh nghĩ lại anh Trần thấy có gì đó sai sai, nên vội vàng kiểm tra thì được biết người nhận đã rút sạch số tiền trên. Trước việc đã rồi, anh chỉ còn cách trình báo công an để mong cơ quan chức năng sớm điều tra, phanh phui ra kẻ xấu.

CẢNH BÁO TỪ CƠ QUAN CÔNG AN

Vừa bước chân vào cơ quan vào sáng 4-5-2019, chị Trần Hoa (SN 1973, làm việc tại Q1) nghe tiếng chuông điện thoại bàn đổ dồn dập nên nhấc máy. Đầu dây bên kia là một nam giới thông báo: “Nhà mình có bưu phẩm gửi qua bưu điện. Xin chị cho biết thông tin cá nhân để chúng tôi xác nhận lại trước khi làm thủ tục giao nhận”.

Đây là cơ quan nhà nước, với hàng trăm con người, từ nhiều năm qua bưu phẩm, thư từ gửi tới đều qua đường văn thư và ai cũng nhận được mà không cần xác nhận. Nghĩ vậy, bản thân lại biết nhiều vụ lừa đảo qua điện thoại nên chị Hoa giả bộ bắt nhịp: “Chị tên Hoa, em cứ gửi là chị nhận được liền hà”. Người nam đầu bên kia tiếp lời moi thông tin: “Tên chị đẹp quá nhưng họ và tên lót là gì chị nhỉ?”. Khi đã được cung cấp đầy đủ họ tên, hắn mè nheo thêm: “Để nhận được bưu phẩm phải cần thêm số chứng minh nhân dân (CMND) nữa chị ạ”.

Biết hắn đang thả mồi, nói chuyện thêm có thể vô tình hé lộ thông tin cá nhân nên chị Hoa nghiêm giọng: “Bưu phẩm chưa được nhận, sao phải báo số CMND hả em?”. “Thủ tục bên em thôi mà, chị đọc giúp đi”. Đến nước này, chị Hoa chất vấn: “Cụ thể là em muốn gì? Số CMND rồi số tài khoản ngân hàng nữa đúng không? Kịch của em chị thuộc rồi, hãy dừng...”. Chị Hoa chưa nói dứt câu thì đầu dây bên kia đã cúp máy vì biết đã chọn nhầm “con mồi”.

Thời gian qua có rất nhiều nạn nhân sập bẫy lừa qua điện thoại mất số tiền ít cũng vài chục triệu đồng, nhiều có thể vài tỷ bạc. Trước đó, chủ yếu diễn kịch lừa đảo qua số điện thoại bàn cố định, nhưng gần đây nhiều người sử dụng số điện thoại di động cũng dính bẫy. Để nâng cao ý thức bảo vệ tài sản cho người dân, cơ quan công an đã chỉ ra phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa qua điện thoại và biện pháp phòng ngừa.

Về phương thức: Các nhóm tội phạm thường gọi đến máy cố định hoặc di động, xưng là nhân viên bưu điện thông báo nợ cước hoặc có bưu phẩm. Khi người dân có thắc mắc, chúng hứa sẽ ghi nhận và xác minh với điều kiện phải cung cấp thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ, số CMND để đối chiếu. Sau đó một tên khác sẽ gọi lại, xưng danh là người của cơ quan điều tra, tòa án, viện kiểm sát thông báo chủ máy bị nghi có liên quan đến đường dây tội phạm “rửa tiền”, buôn ma túy, đánh bạc.

Đồng thời yêu cầu nạn nhân khai rõ hiện có các tài khoản ở ngân hàng nào, số tiền cụ thể là bao nhiều và yêu cầu rút về nộp vào tài khoản của “cơ quan điều tra” để xác minh. Không ít trường hợp, chúng chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân chuẩn xác, cùng số mã tài khoản rồi tự động thực hiện các thao tác chuyển tiền qua internet Banking.

Nhận diện để phòng ngừa: Trong quá trình thực hiện hành vi lừa đảo, các nhóm tội phạm sử dụng phần mềm giả lập số điện thoại giống số máy của cơ quan công an, tòa án... Vì thế, nhiều người cả tin đã làm theo hướng dẫn của chúng mà chuyển tiền hoặc cung cấp hết thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng nên mất ít vài chục triệu đồng, nhiều có thể vài tỷ bạc.

Điều đầu tiên người dân cần lưu ý là số điện thoại giả lập theo số máy của cơ quan chức năng khi gọi tới đều có thêm dấu + trước dãy số tự nhiên, vì chúng được thực hiện qua internet. Khi có người lạ gọi đến xưng danh là người của công an, tòa án... với mục đích hù dọa, moi thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng..., nhất định người dân không được cung cấp hoặc chuyển tiền dưới bất kỳ hình thức nào. Khi nhận được các cuộc gọi điện thoại có nội dung như trên, người dân nên báo ngay cho cảnh sát khu vực hoặc công an phường để nhận được hướng dẫn cụ thể, tránh tự làm thất thoát tiền bạc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang