(CATP) Vào một ngày cuối tháng 7-202, đang dọn dẹp sau nhà, bà Tô Thị P. (SN 1965, quê Bình Phước) nghe có tiếng chuông cửa nên vội vàng bước ra. Trước cổng là nhân viên với cái thùng to đùng của một thương hiệu giao hàng tận nơi quen thuộc. Thấy bà P., anh này đưa bưu phẩm lên đọc tên họ, địa chỉ người nhận rồi hỏi lại: "Có phải nhà chị Hà không bác?". Thấy nhân viên giao hàng gọi đúng họ tên cô chủ và số nhà nên bà P. xác nhận: "Đúng rồi chú mà cô chủ đi vắng". Thấy thế, nhân viên giao hàng liền nói: "Bưu phẩm này gửi đến chị Hà. Nếu chị ấy đi vắng thì bác nhận thay và thanh toán giúp 560.000 đồng ạ”.
Thi thoảng vẫn thấy cô chủ đặt hàng giao tận nhà nên bà P. tin thật, vả lại số tiền cũng không nhiều nên bà P. đủ khả năng thanh toán giúp. Sau khi giao bưu phẩm và nhận tiền, nhân viên chuyển hàng vội chào tạm biệt rồi nhanh chóng rời đi. Đến trưa, chị Hà đi chơi về, bà P. mang bưu phẩm ra giao cho cô chủ. Ngạc nhiên, chị Hà hỏi kỹ lại và được người giúp việc thuật lại toàn bộ câu chuyện. Nghi có sự nhầm lẫn hay khuất tất gì đó, chị Hà mở gói bưu phẩm ra kiểm tra thì thấy bên trong chẳng có gì ngoài vài tờ báo cũ cùng lọ sơn móng tay hết hạn!
Cũng bị vướng bẫy lừa tương tự, bà Trịnh Thu Hoa (ngụ Q.Tân Bình) đang trồng rau trên sân thượng thì nghe có tiếng chuông cửa nên bước xuống kiểm tra. Nhân viên giao hàng vừa thấy bà Hoa đã đọc lớn: "Ng.T.T. Linh, nhà số X, phường 15, Q.Tân Bình nhận bưu phẩm nha". Thấy người giao hàng đọc đúng tên con gái mình, bà Hoa bảo: "Cháu đi học rồi", anh này lên tiếng ngay: "Người nhà có thể nhận thay, bưu phẩm trị giá 230.000 đồng".
Vốn tính cẩn thận, bà Hoa móc điện thoại ra liên lạc với con gái xem có đặt mua hàng gì không, nhưng Linh đã tắt máy. Nhìn màn hình điện thoại báo 10 giờ sáng, biết con gái đang học ở giảng đường nên bà Hoa không liên lạc nữa. Cầm gói bưu phẩm thấy đúng tên con, địa chỉ nhà, sản phẩm đặt mua là bút chì nên bà Hoa liền móc tiền ra trả.
Đến tối, khi Linh về, bà Hoa mang gói bưu phẩm ra giao, kèm lời dặn dò: "Mai mốt mua cái gì thì báo cho mẹ biết trước. Sáng nay, mẹ tính không nhận rồi nhưng thương nhân viên giao hàng đi lại nhiều lần vất vả nên thanh toán luôn". Linh ngạc nhiên quả quyết: "Con không đặt mua gì cả, nếu có con đã nhờ mẹ rồi". Mở bưu phẩm kiểm tra, Linh và bà Hoa thấy bên trong chỉ có 2 cây bút chì giá vài ngàn đồng được bán nhản nhản tại các nhà sách, tiệm tạp hóa. Biết sập mánh giao hàng rỗng để lấy tiền thật, hai mẹ con chỉ biết tự nhắc mình phải cảnh giác.
Giao bưu phẩm với đồng hồ giả, các đối tượng nhờ người nhà thanh toán hơn 400.000 đồng
Bà Khánh Hồng (SN 1963, ngụ TPHCM) có thói quen mua hàng trên mạng xã hội. Mỗi lần người bán livetream, ưng món nào bà thường nhập luôn họ tên, địa chỉ lên mạng để họ giao cho tiện lợi. Chưa kể sau khi nhận bưu phẩm, bà bóc lấy sản phẩm, còn vỏ hộp có nguyên tên, địa chỉ nhà riêng vất luôn vào thùng rác đặt trước cổng.
Thấy mẹ quá sơ hở trong bảo quản thông tin cá nhân, dễ bị các nhóm đối tượng xấu lợi dụng trục lợi, con gái bà Hồng cảnh báo: "Nếu muốn đặt mua hàng trên Facebook, mẹ chỉ cần để lại một dấu chấm sẽ có người của bên bán liên lạc lại ngay. Còn không, mẹ có thể nhắn tin đặt hàng qua messenger để bảo mật thông tin cá nhân. Với bưu phẩm, sau khi nhận hàng, mẹ phải xé hủy ngay dòng thông tin cá nhân, trước khi quăng vào sọt rác để kẻ gian không thể lợi dụng để trục lợi".
Trước vấn nạn trộm cắp thông tin cá nhân rồi gửi bưu phẩm đến nhà người dân, nhờ người thân của họ nhận giúp và thanh toán tiền thay, mới đây cảnh sát khu vực một phường ở Q.Gò Vấp đã phải đăng cảnh báo trên Zalo để người dân nâng cao cảnh giác đề phòng chung.
Hiện nay các đối tượng, nhóm đối tượng chủ động trộm cắp thông tin công dân (họ tên, địa chỉ) qua nhiều kênh khác nhau rồi dàn cảnh giao bưu phẩm đến tận nhà. Tất cả thường theo dõi trước, tổ chức giao hàng khi biết gia đình chỉ còn người già, giúp việc ở nhà và nhờ thanh toán thay với số tiền mỗi bưu phẩm không nhiều, thường từ vài trăm ngàn đồng đến 2 - 3 triệu đồng. Đây là phương thức phạm tội mới, người dân cần hết sức cảnh giác!