Năm nào ngôi nhà xinh xắn, gọn gàng của anh cũng được điểm tô thêm sắc xuân bằng một cành đào thế rất đẹp. Một lần, tôi thắc mắc về nơi đặt mua đào và vì sao anh là người miền Nam mà lại thích chơi hoa đào? Anh cười hiền hậu: "Đó là cành đào nghĩa tình, có tiền cũng khó mua được". Câu trả lời úp mở của người chiến sĩ công an hẳn chứa đựng sự ly kỳ trong đó, khiến "kẻ mọt chữ" như tôi càng thêm tò mò muốn biết cho cặn kẽ. Thế là anh chậm rãi kể lại toàn bộ câu chuyện.
Mái tóc phủ dài chấm eo làm thân hình mảnh khảnh của cô gái càng thêm mong manh. Gương mặt cúi gằm, tay miết vào nhau bứt rứt, toàn thân cô thỉnh thoảng run lên theo tiếng nấc nghẹn ngào. Hỏi thăm đồng nghiệp về lý do vì sao cô gái kia lại có mặt tại trụ sở Công an phường, tôi - với cương vị Phó trưởng công an phường - được biết cô liên quan đến một vụ trộm cắp tài sản và đang chờ điều tra, làm rõ.
... Để giảm bớt chi phí khi từ quê ra thành phố theo học đại học nên Hoan, Liên, Vân, Bảo, Khánh ở ghép cùng nhau trong một nhà trọ. Cùng ở quê ra, nhưng mỗi người có gia cảnh khác nhau. Trong khi các bạn đều đi xe đạp thì Vân đã có xe máy và sợi dây chuyền vàng 3 chỉ. Một hôm, sau giấc ngủ trưa, Vân thức dậy, phát hiện sợi dây chuyền đeo trên cổ của mình đã "biến mất" nên hối hả đi tìm khắp nơi, từ nền nhà đến phòng tắm, nhà bếp..., nhưng đều vô vọng.
Nhóm bạn xôn xao: "Hay bị đứt rồi tuột mất trên đường từ trường về nhà?", "Tìm trong áo khoác xem có vướng trong đó không?", "Nhớ lại xem lần cuối thấy nó khi nào?"... Khánh ngồi bên khẳng định chắc nịch: "Hai đứa tao cùng vào phòng thay đồ một lần. Khi đi ra, tao vẫn thấy trên cổ Vân còn sợi dây chuyền mà! Thế thì chỉ mất tại nhà này thôi. Trong vòng có 3 tiếng mà sợi dây chuyền mất dạng, thật đáng thắc mắc mà...". Câu nói của Khánh làm chạnh lòng tất cả những sinh viên ở chung trong nhà trọ. Họ quyết định trình báo Công an phường để uẩn khúc nghi kỵ được sáng tỏ.
Cảnh sát khu vực sớm có mặt để làm việc. Từng cô gái bị tách ra hỏi chuyện. Trong lúc làm việc với công an, Hoan bối rối, trạng thái tinh thần bất ổn, gương mặt mất thần sắc. Bằng con mắt nhà nghề, đồng chí cảnh sát khu vực phán đoán có khả năng Hoan liên quan đến việc mất sợi dây chuyền của Vân, nên lục soát kỹ số đồ cá nhân. Khi cầm đến cây viết bi đặt trên bàn học của Hoan, cảnh sát khu vực thấy nó nặng bất thường nên mở ra xem thì thấy có sợi dây chuyền trong đó. Vì lẽ trên nên Hoan bị đưa về trụ sở Công an phường để lập hồ sơ, làm rõ.
Tiết trời tháng cuối năm khá nóng, nhưng cô gái ngồi co ro, bó gối như đang trải qua một mùa đông lạnh lẽo. Tôi bước tới ân cần, động viên: "Công an không chỉ có bắt bớ mà còn có thể giúp thanh minh, giải oan". Hoan bật khóc thành tiếng, níu tay tôi, cầu cứu: "Cháu sẽ kể sự thật, chú cứu cháu với! Không thì bố mẹ cháu chết mất"...
Khánh, Vân, Bảo cùng học một lớp nên trở về nhà cùng lúc. Buổi trưa trời nắng nóng nên trước khi nghỉ trưa, Vân đi tắm cho mát mẻ. Khi Hoan và Liên về đến nhà thì ba cô bạn đã ngủ say. Hoan bước vào nhà tắm thì chợt thấy sợi dây chuyền vàng nằm tênh hênh trên nền. Biết là tài sản của Vân, theo phản xạ Hoan cất tiếng gọi: "Vân..." và định bụng sẽ báo sự việc cho bạn, nhưng đang ngủ say nên Vân không trả lời.
Hoan cầm sợi dây chuyền cất đi, thoáng nghĩ sẽ giấu để Vân hốt hoảng đi tìm nhằm trêu ngươi, rồi sau đưa lại cho bạn. Tuy nhiên sau đó, khi các bạn đã ngủ hết, Hoan bỗng nhớ đến khoản học phí phải đóng đang sắp hết hạn mà tâm trạng thêm lo lắng, rối bời. Biết gia đình Vân khá giả, có mất sợi dây chuyền cũng chẳng đáng là bao, hơn nữa mình nhặt được chứ không phải trộm cắp nên Hoan chần chừ suy tính. Bí bách trước khoản học phí nên Hoan quyết định im lặng, xem như mình không nhặt được dây chuyền của Vân. Ai ngờ nhóm bạn ở chung làm căng, công an vào cuộc nên bí mật của Hoan bị lật tẩy.
Nước mắt chứa chan, Hoan kể lại câu chuyện với tôi. Cô sinh ra tại một vùng quê nghèo ở tỉnh Hòa Bình. Nhà Hoan có 4 anh chị em, do điều kiện khó khăn nên không ai được học hành đến nơi đến chốn, ngoại trừ cô em út là Hoan. Để đáp lại công sức hy sinh của cả gia đình, Hoan cố gắng học tập và đậu đại học. Vì thế, Hoan không chỉ là niềm tự hào của gia đình mà còn của cả xóm nghèo quê cô.
Để theo học ở TPHCM, Hoan phải nhờ đến sự giúp đỡ của người chú họ lập nghiệp ở Bình Dương. Kỳ học phí nay đã sắp hết hạn, Hoan chưa kịp hỏi xin cha mẹ thì chị ruột viết thư kể chuyện mùa màng thất bát, cuộc sống khó khăn. Việc dạy thêm của Hoan ở thành phố cũng không khá khẩm gì, khi gia chủ nợ cô đến 3 tháng tiền học thêm của con mà chưa trả. Thương đứa học trò đang bước vào kỳ thi nên Hoan không nỡ bỏ ngang rồi kiếm mối khác để dạy. Bí bách quá, Hoan đành nghĩ đến chuyệm ỉm đi việc mình nhặt được sợi dây chuyền của Vân.
Biết rõ ngọn ngành câu chuyện cùng gia cảnh của Hoan, tôi họp Ban chỉ huy, phân tích tình huống phạm tội, đồng thời xin nhận bảo lãnh cho Hoan và được đồng ý. Tôi đưa Hoan về nhà trọ, trao trả lại tài sản cho Vân, phân tích các tình huống và diễn biến tâm lý để bạn bè cảm thông. Biết rõ sự việc dù đã được giải quyết êm thấm, nhưng ánh nhìn dị nghị, sự mặc cảm tội lỗi dễ khiến Hoan mất tập trung để học hành. Vì thế, ngoài việc giúp cho Hoan có tiền đóng học phí, tôi còn giới thiệu nữ sinh viên này đến một nhà trọ khác để ở.
Từ đó, thi thoảng tôi vẫn ghé nhà trọ thăm Hoan, tặng vài thứ quà lặt vặt, giới thiệu thêm chỗ dạy kèm để động viên tinh thần cô. Mừng thay, từ hết năm 2 đến năm 4, Hoan giành được học bổng, lại tăng cường đi dạy kèm nên cuộc sống cũng bớt khó khăn. Ngày tốt nghiệp ra trường, trước khi về quê, Hoan đến trụ sở Công an phường, chào tôi bằng những giọt nước mắt lăn dài trên má, với lời hứa: "Cháu sẽ mãi mãi không quên ơn chú đâu ạ! Cháu hứa sẽ sống tốt, là công dân có ý nghĩa".
Về quê, Hoan xin được việc trong một công ty nhà nước, ít năm sau thì lấy chồng, xây dựng tổ ấm mới. Theo thời gian, tôi cũng chuyển nơi làm mới, nhưng vẫn công tác trong ngành Công an. Mỗi dịp đi công tác miền Nam, Hoan đều tranh thủ đến đơn vị thăm tôi cùng các đồng đội. Chuyện đó đã diễn ra gần hai chục năm rồi. Vào mỗi độ xuân về, cô sinh viên ấy lại gửi cho tôi một cành đào thay cho lời chúc phúc và báo tin gia đình mình bình an, cuộc sống yên ổn, xum vầy.
Quang Đăng (theo lời kể của Thiếu tá Trần Tùng, Công an TPHCM)