(CATP) Là họa sĩ nghiệp dư, chị T.A.Đ chỉ vẽ tranh treo chơi và tặng bạn bè chứ không mấy khi bán. Tuy nhiên, xem tranh A.Đ vẽ trên trang Facebook, thỉnh thoảng cũng có người đặt mua nên khi có tin nhắn hỏi giá một bức vẽ, chị Đ. không hề ngạc nhiên. Sau một hồi nhắn tin qua lại, khách mua tranh cho biết đang sống ở Đức, muốn mua tranh phong cảnh để tặng tân gia một người bạn ở Hà Nội.
Để dễ vận chuyển, anh ta cho biết không cần lấy khung tranh, chỉ cần chị đóng gói, gửi xe ra Hà Nội. Thấy khách nói năng nhẹ nhàng, lại không lấy khung tranh nên chị A.Đ bớt giá 300.000 đồng, chỉ tính 4,7 triệu đồng. Nhắn tin cho chị A.Đ địa chỉ và số điện thoại của người bạn được tặng tranh xong, vị khách yêu cầu chị gửi anh ta số tài khoản để chuyển tiền trước.
Tỏ ra thận trọng với việc mua bán online, vị khách còn hỏi kỹ chuyển khoản xong thì khi nào chị Đ. gửi tranh và khi nào bạn của anh ta ở Hà Nội nhận được. Khi được chị Đ. trả lời đầy đủ các thông tin cần thiết, vị khách đồng ý chuyển khoản. Nhắc chị Đ. gửi đầy đủ số tài khoản, họ tên chủ tài khoản, chi nhánh ngân hàng mở tài khoản, vị khách nhắn:
"Chờ lát anh gửi tiền, nhận được nhắn anh liền nha!". Ngay sau đó, chị Đ. nhận được tin nhắn từ một số máy lạ, nội dung: Western Union Online STK... DONGABANK nhận |+4.700.000VND, Ref +183.10USD. Quý khách nhận tiền VND vào TK tại website:https://giaodichwesternunionus".
Cùng lúc, vị khách nhắn cho chị Đ. ảnh chụp màn hình gửi tiền và mã giao dịch nhận tiền. Khi chị Đ. cho biết chưa nhận được tiền vào tài khoản, vị khách trấn an là do giao dịch tiền USD nên chị Đ. phải truy cập đường link website trong tin nhắn thông báo và làm theo hướng dẫn để nhận tiền từ USD sang tiền Việt. Vị khách còn dặn kỹ "không hiểu gì cứ nhắn tin hỏi, anh ta sẽ hướng dẫn".
Khi truy cập đường link, chị Đ. nhận được yêu cầu cung cấp mã OTP tài khoản ngân hàng chị đang sử dụng. Do thường xuyên theo dõi các thông tin đại chúng, nghi ngờ đang bị đối tượng lừa đảo dẫn dắt để lấy rút tiền trong tài khoản của cá nhân, chị Đ. ngưng làm theo hướng dẫn và nhắn tin hỏi thẳng vị khách mua tranh. Biết bị lật tẩy, đối tượng im lặng sao đó chặn luôn liên lạc của chị Đ.
Western Union là dịch vụ chuyển tiền quốc tế. Hiện Western Union đã có chi nhánh ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Với hệ thống đại lý, địa điểm giao dịch rộng lớn, trao đổi ngoại tệ dễ dàng, tích hợp internet banking với nhiều ngân hàng lớn ở Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nhiều ngân hàng lớn như BIDV, Techcombank...liên tục khuyến cáo khách hàng về việc tội phạm lừa đảo giả danh dịch vụ chuyển tiền này để rút tiền của khách hàng.
Cụ thể, đối tượng giả mạo sẽ gửi tin nhắn báo nạn nhân nhận được một khoản tiền chuyển khoản qua Western Union. Tin nhắn yêu cầu nạn nhân đăng nhập vào một đường link, đăng nhập các thông tin tài khoản trên website này. Sau đó, chúng sẽ lấy cắp mật khẩu tài khoản, mã OTP để đăng nhập tài khoản, thực hiện rút tiền của nạn nhân. Loại tội phạm này sử dụng rất nhiều kênh để tiếp cận nạn nhân như: điện thoại, email, Facebook, Zalo, Viber... và đối tượng bị chúng nhắm đến nhiều nhất là những người kinh doanh online.
Các ngân hàng khuyến cáo: khách hàng không nhập username, password, mã PIN, OTP vào bất kỳ website, ứng dụng nào khác ngoài các cổng dịch chính thức của ngân hàng; không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập internet banking, mobile banking, mã OTP cho người khác, kể cả nhân viên ngân hàng; không nạp tiền/chuyển tiền theo yêu cầu của người lạ hoặc khi có dấu hiệu nghi vấn; không chọn mã PIN gắn liền với các thông tin cá nhân như số di động, ngày sinh... cũng như tiết lộ mã PIN cho người khác; không cung cấp thông tin thẻ (số thẻ, ngày hiệu lực, mã số PIN, địa chỉ, họ tên chủ thẻ...) khi nhận được email/điện thoại yêu cầu cung cấp/xác nhận thông tin hoặc các cuộc gọi nghi ngờ khác.