Lừa hàng loạt người dân bằng chiêu thế chấp rồi chiếm đoạt

Thứ Tư, 05/12/2018 20:17

|

(CAO) Liên quan đến loạt bài phản ánh của Báo Công an TP.HCM vào tháng 2-2017, “Vạch mặt chiêu thức lừa cho vay tiền để chiếm đất dân nghèo”, Cơ quan CSĐT đã truy tố bị can Nguyễn Thị Thu (SN 1968, xã H’Bông, huyện Chư Sê) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lừa người dân ký hợp đồng để lấy sổ đỏ

Lợi dụng sự kém hiểu biết của người đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng Nguyễn Thị Thu đã lừa họ ký vào hợp đồng chuyển nhượng đất. Khi phóng viên Báo Công an TP.HCM vào cuộc điều tra thì kết quả rất bất ngờ, nhiều sổ đỏ của người dân đã được chuyển nhượng đứng tên Nguyễn Thị Thu (SN 1968, thôn Ia Sa, xã Hbông) và người quen.

Nghiêm trọng hơn, các sổ đỏ đó đã được thế chấp để vay với số tiền lớn trong các chi nhánh ngân hàng ở Gia Lai. Trong khi đó các hộ dân khẳng định với phóng viên: “Mình chỉ vay tiền, chứ không sang nhượng đất cho bà Thu”.

Anh Rmah Thân (làng Kte 1) vẫn khẳng định chỉ thế chấp cho bà Thu chứ không sang nhượng đất

Theo điều tra của chúng tôi, ông Kpă La vay của bà Nguyễn Thị Thu 65 triệu đồng, với lãi suất 0,9%/tháng, thời hạn 5 năm. Ông La thế chấp sổ đỏ với hơn 1,5 héc-ta đất cho bà Thu. Bà Thu sau đó cho xe chở vợ chồng ông La lên phòng công chứng lăn tay vào tờ giấy. Ông La cứ tưởng lăn tay là để làm giấy vay nợ, chứ không biết hợp đồng chuyển nhượng đất.

Nhà anh Rmah Ưih (làng Kte2) cũng chung tình cảnh tương tự, anh Ưih giao sổ đỏ toàn bộ các thửa đất, với diện tích hơn 3,2 héc-ta để vay của bà Thu 40 triệu đồng, lãi suất 0,9/tháng.

“Mình muốn vay ít tiền về làm lại cái sân để có nơi phơi lúa. Có người bảo đến vay bà Thu, thế là mình đến. Để vay được tiền mình phải đưa sổ đỏ, rồi họ bắt cả 2 vợ chồng lên phòng công chứng trên thị trấn lăn tay. Mình cứ nghĩ đây là thủ tục giống như vay ngân hàng”, anh Ưih cho biết thêm.

Còn trường hợp anh Nông Văn Đông cũng tại làng Kte2 cho biết, 2 vợ chồng có ý định mượn của bà Thu 20 triệu đồng, về đầu tư cho vụ mì. Tuy nhiên, thấy bà Thu là người cho vay nhưng nhiệt tình quá nên sinh nghi.

“Vừa ngỏ ý mượn, bà đã cho tiền xăng để 2 vợ chồng lên phòng công chứng huyện ký giấy. Lên đến nơi, bà Thu còn nhiệt tình mời vào quán uống nước. Mình thấy lạ, vì trước đây vay ngân hàng, mình phải chạy hết nơi này qua nơi khác mới được vay. Mình cảm thấy có việc chẳng ổn nên chở vợ về, không vay nữa”, anh Đông chia sẻ.

Đa số người vay tiền bà Thu là dân nghèo

Ngay sau đó, UBND tỉnh Gia Lai đã ra văn bản chỉ đạo công an kiểm tra, xác minh. Sở Tư pháp cũng thành lập đoàn nhằm thanh tra các văn phòng công chứng trên địa bàn huyện Chư Sê.

Đối tượng lừa đảo bị đề nghị truy tố

Vụ việc sau đó đã được chuyển cho Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Gia Lai xử lý theo thẩm quyền. Đến nay, Cơ quan CSĐT đã có kết luận điều tra và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến VKSND tỉnh Gia Lai đề nghị truy tố bị can Nguyễn Thị Thu.

Theo kết quả điều tra, Thu nợ số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Để có tiền trả nợ, Nguyễn Thị Thu đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bằng thủ đoạn lợi dụng nhu cầu vay vốn để làm ăn của vợ chồng ông Ksor Huen (SN 1970, xã H’Bông, huyện Chư Sê), Thu cho vợ chồng ông Huen vay số tiền 60 triệu đồng.

Thu yêu cầu ông Huen phải thế chấp sổ đỏ. Sau đó, Thu dẫn vợ chồng ông Huen đến văn phòng công chứng để ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho vợ chồng Thu. Thu nói dối với vợ chồng Huen, đây là hợp đồng vay vốn nên phải ký vào mới được vay tiền.

Do tin tưởng lời Thu, nhận thức pháp luật hạn chế, vợ chồng ông Huen đã ký vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Sau đó, Thu hoàn tất thủ tục sang tên trên sổ đỏ rồi đem bán cho người khác lấy tiền sử dụng cá nhân.

Theo kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản huyện Chư Sê xác định, lô đất của vợ chồng ông Huen có giá trị hơn 562 triệu đồng.

Người dân biết mình bị lừa nên trình báo với cơ quan công an

Ngoài ra, Thu còn có thủ đoạn tương tự đối với một số hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số khác tại xã Hbông. Tuy nhiên, sau đó Thu đã kịp thời khắc phục hậu quả trả lại sổ đỏ nên thiệt hại không xảy ra.

Theo kết luận điều tra, hành vi của Nguyễn Thị Thu là nguy hiểm cho xã hội. Ngoài quyền sở hữu về tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ, hành vi của Thu còn gây ảnh hưởng xấu về an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gây bất bình trong quần chúng nhân dân.

Do đó Cơ quan điều tra đã đề nghị xử lý nghiêm khắc đối với Nguyễn Thị Thu nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Theo một cán bộ Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Gia Lai cho biết, có 9 đơn khởi kiện Nguyễn Thị Thu và 5 đơn kiện khác đối với Nguyễn Thị Hồng (ngụ thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê), Bùi Thị Thúy (xã Hbông).

Hiện Nguyễn Thị Thu đã bị truy tố về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản còn bà Bùi Thị Thúy và Nguyễn Thị Hồng đang bị điều tra trong 1 vụ án khác. Trong số 9 đơn kiện của người dân xã Hbông đối với bà Thu, thì có 8 đơn là hình thức dân sự.

Bình luận (0)

Lên đầu trang