(CATP) Ngày 23/02/2024, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phát đi cảnh giác trong thời gian 2 tuần qua (từ ngày 05 đến 18/02/2024), đã có 5 vụ lừa đảo trực tuyến, mọi người cần đề cao cảnh giác. Trước đây, Chuyên đề Công an TPHCM cũng phản ánh chiêu trò "rửa tiền", kêu gọi đầu tư tiền ảo, coi chừng "tiền mất tật mang...".
Mừng tuổi qua mạng
Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện chiêu trò mừng tuổi để giả mạo người quen gửi link nhận lì xì ảo. Nếu người dùng nhấp vào các liên kết, họ có thể vô tình cung cấp thông tin cá nhân và trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo. Ngoài ra, các đối tượng dùng thủ đoạn nhắn tin thông báo nhận tiền lì xì đầu năm của ngân hàng, nhưng thực chất là các tin nhắn giả mạo, lừa đảo. Người dân truy cập vào những đường link này, hệ thống sẽ tự động hiển thị trang web giả mạo, có giao diện, logo tương tự của ngân hàng và yêu cầu điền các thông tin như số điện thoại, mật khẩu. Khi nhập các thông tin, các đối tượng sẽ kiểm soát được tài khoản ngân hàng của người dân.
Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giả mạo hình ảnh, giọng nói để chiếm đoạt tài sản. Gần đây, nhiều người đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo tài chính sử dụng Deepfake và có sự tham gia của AI. Ngay khi bạn thực hiện một cuộc gọi video và thấy mặt người thân hay bạn bè, nghe đúng giọng nói của họ thì cũng không hẳn bạn đang nói chuyện với chính người đó. Sau khi chiếm đoạt Facebook, kẻ lừa đảo theo dõi để tạo sẵn một đoạn video giả mạo gương mặt và giọng nói của chủ tài khoản Facebook (Deepfake). Khi được yêu cầu gọi điện video call để chứng thực, đối tượng đồng ý nhận cuộc gọi nhưng sau đó nhanh chóng ngắt kết nối để tránh bị phát hiện. Cho đến hình thức lừa đảo là bùng phát hoạt động mê tin dị đoan trên mạng xã hội, mỗi hội nhóm có hàng trăm ngàn thành viên tham gia rồi chiếm đoạt tiền. Hay hình thức lừa đảo kiểu chiếm đoạt trùng tên tài khoản ngân hàng.
Mọi người cần cảnh giác các chiêu trò lừa đảo hiện nay
Ngăn ngừa "rửa tiền" trong kỷ nguyên số
Theo Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu nên tiền ảo là một kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng để rửa tiền khi chúng có thể dễ dàng chuyển đổi các khoản tiền thu được thông qua những hoạt động mua bán, trao đổi đồng tiền ảo ở các quốc gia khác nhau. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng trên trường quốc tế cùng với sự bùng nổ công nghệ thông tin, bên cạnh những thành tựu đạt được chúng ta phải đối diện với nhiều hình thức, phương thức, thủ đoạn của tội phạm để thực hiện hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp, nhất là đối với lĩnh vực tiền kỹ thuật số, tiền ảo (tiền mã hóa), nơi mà hành lang pháp lý cần nhanh chóng bổ sung đầy đủ.
Một cuộc thảo luận về các biện pháp ngăn ngừa "rửa tiền"
Bên cạnh đó, như chuỗi hoạt động được giới thiệu là phổ cập kiến thức, hướng nghiệp, tư vấn cơ hội việc làm của quỹ đầu tư mạo hiểm tự xưng tại một số trường đại học (từ cuối tháng 11/2023 vừa qua và kéo dài tới đầu tháng 01/2024). Tuy nhiên, theo tài liệu gửi cho các đơn vị tài trợ, có thể thấy mục tiêu chính của việc tổ chức các hoạt động này là bán dữ liệu người dùng, tiếp cận hồ sơ nhân sự và tạo điều kiện cho các sàn giao dịch đặt bàn tuyển dụng trực tiếp. Trong đó, các nhà tài trợ kim cương sẽ được truy cập toàn bộ thông tin người tham gia đã cung cấp khi đăng ký chương trình hoặc tham gia các hoạt động tại đây.
Các nhà tài trợ ở mức độ thấp hơn sẽ được truy cập thông tin người tham gia ở mức độ ít hơn. Ngoài ra, theo công bố từ phía ban tổ chức thì chương trình này được tài trợ bởi các nền tảng giao dịch tiền mã hóa chưa được cấp phép. Các đơn vị tài trợ này, cùng một số dự án blockchain không có pháp nhân chính thức tại Việt Nam đã triển khai các quầy quảng cáo, giới thiệu dịch vụ, kêu gọi sinh viên mở tài khoản giao dịch một cách công khai. Không chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu, các bạn sinh viên tham dự còn được mời mọc tham gia một cuộc thi giao dịch, trong đó những người tham gia sẽ được thi đấu "quản lý danh mục đầu tư” bằng cách giao dịch...
Băng nhóm lừa đảo sa lưới
Đáng lưu ý, thực tế cho thấy nhiều đơn vị kinh doanh, sàn giao dịch không phép khác cũng liên tục "nhắm" vào đối tượng các nhà đầu tư mới, ít kinh nghiệm thông qua hàng loạt sự kiện công khai núp bóng đào tạo, hướng nghiệp, chia sẻ kiến thức nhưng thực chất là kêu gọi mở tài khoản và nạp tiền vào để giao dịch. Đặc điểm chung của các sàn giao dịch tiền mã hóa, hay còn được gọi chung là đối tượng "nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo" này là thiếu minh bạch và thường xuyên có nguy cơ bị hacker tấn công dẫn đến phá sản.