Chủ tịch công ty lừa bán tàu 'khủng' chiếm đoạt 10 tỷ đồng

Thứ Ba, 09/11/2021 21:20

|

(CAO) Ngày 9-11, Cục An ninh điều tra, Bộ Công an cho biết đã hoàn thành bản kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố Phạm Đức Thịnh (SN 1973, trú phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu), nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thiết bị và Vật tư Miền Nam về các hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức” và “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.

Đối tượng Phạm Đức Thịnh

Trước khi trở thành bị can trong vụ án trên, Phạm Đức Thịnh từng là bị hại trong vụ án “giết người” gây xôn xao dư luận vào năm 2016. Trong vụ án này, vị chủ tịch hội đồng quản trị đã may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần…

Vụ án xuất phát từ mối quan hệ tình, tiền giữa Thịnh và Hoàng Thị Ngọc Lan (46 tuổi, quê Hải Phòng, trú tại quận 7, TPHCM) vào khoảng cuối năm 2015 đầu 2016. Sau đó, Lan và Trần Hữu Thịnh (còn gọi Thịnh “cú lợn”, 33 tuổi, trú Hải Phòng) đã bàn bạc việc gây án.

Lan là người cung cấp thông tin về địa điểm Phạm Đức Thịnh thường lui tới ở huyện Tân Thành, BR-VT cho Trần Hữu Thịnh để thuận tiện cho các đối tượng gây án.

Liên quan đến vụ án trên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị truy tố bốn bị can tội “giết người”, “tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” gồm Hoàng Thị Ngọc Lan, Trần Hữu Thịnh, Nguyễn Văn Toàn (32 tuổi, trú Hải Phòng) và Nguyễn Ngọc Hải (42 tuổi, trú TP Nha Trang). Trong đó Lan, Trần Hữu Thịnh, Toàn cùng bị đề nghị truy tố tội “giết người”. Ngoài ra, Thịnh, Toàn cùng Hải bị đề nghị truy tố thêm tội “tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.

Năm 2012, Phạm Đức Thịnh thành lập Công ty Cổ phần Thiết bị và Vật tư Miền Nam, đứng tư cách pháp nhân là Chủ tịch Hội đồng quản trị, có trụ sở đăng ký tại quận 7, TPHCM. Mang danh là công ty cổ phần song trên thực tế, toàn bộ cổ phần, tài sản, số tiền trong tài khoản của công ty đều do Phạm Đức Thịnh sở hữu. Giám đốc công ty và các thành viên khác của công ty đều được Phạm Đức Thịnh thuê và thực hiện theo sự điều hành của anh ta.

Ngày 17-6-2015, Công ty CP Vật tư và thiết bị Miền Nam ký hợp đồng số 0053/15/T-D2/VSP2- SEAMCO mua tàu FSO Ba Vì của liên doanh Việt Nga Vietsovpetro với giá 6.875.000 USD. Để có tiền thanh toán cho Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro, Công ty này    đã ký Hợp đồng thế chấp tài sản với Ngân hàng TP Bank (tài sản bảo đảm là tàu FSO Ba Vì hình thành từ vốn vay và các tài sản bảo đảm khác theo quy định), trị giá vốn vay là 120 tỷ đồng; phương thức thanh toán là sau khi mua tàu sẽ lai dắt về cảng Cái Mép, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu để phá vỡ và bán sản phẩm phá dỡ.

Cuối tháng 9-2015, Công ty CP Vật tư thiết bị Miền Nam có văn bản gửi TP Bank đề nghị thay đổi phương án từ phá dỡ trong nước, sang bán cho phía đối tác nước ngoài. Công ty đề xuất bán trọn gói, được hiểu là bán toàn bộ tàu nên khi xem xét, thấy khả năng công ty bán được tàu thì TP Bank có thể thu hồi vốn vay nhanh chóng.

Do đó, sau khi Công ty Vật tư thiết bị Miền Nam thông báo đối tác mua tàu với trị giá 5.800.000 USD (trong đó đặt cọc trước 10% giá trị hợp đồng, tương đương 580.000 USD sẽ được chuyển vào tài khoản công ty mở tại TP Bank), TP Bank đã đồng ý cho công ty thực hiện theo phương án bán tàu để thu hồi tiền cho TP Bank.

Tiếp đến, ngày 5-10-2015, Công ty Vật tư thiết bị Miền Nam ký hợp đồng bán tàu FSO Ba Vì cho Công ty Messrs Best Oasis Ltd Nominee (có trụ sở tại Hồng Kông) với giá 5.800.000 USD. Ngày 9-10-2015, tài khoản của công ty này mở tại Ngân hàng TP Bank Linh Đàm nhận được số tiền 5.219.998 USD, hình thức chuyển khoản vào tài khoản của Công ty Vật tư thiết bị Miền Nam mở tại Ngân hàng TP Bank Linh Đàm.

Mặc dù đã ký hợp đồng bán tàu FSO Ba Vì và đã nhận được tiền đặt cọc của Công ty Messrs Best Oasis LTd Nominee (thực tế vào thời điểm đó, tàu FSO Ba Vì không còn thuộc sở hữu của Công ty Vật tư thiết bị Miền Nam). Tuy nhiên, do cần tiền để lo các chi phí neo đậu, chi phí cho thuỷ thủ đoàn, xăng dầu và các chi phí vay mượn khác phục vụ việc xuất bán tàu FSO Ba Vì, nên sau khi được người đàn ông có tên Trương Việt Hùng (ở tại TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) giới thiệu ông Phạm Văn Việt có nhu cầu tìm hiểu, để cùng khai thác, tháo dỡ tàu FSO Ba Vì, Phạm Đức Thịnh đã tiếp xúc và tìm cách chiếm đoạt tiền của ông Phạm Văn Việt.

Để tạo niềm tin cho ông Phạm Văn Việt, Phạm Đức Thịnh đưa ra các thông tin, tài liệu thể hiện Công ty Vật tư thiết bị Miền Nam do Thịnh làm Chủ tịch HĐQT đang sở hữu tàu FSO Ba Vì.

Để chứng minh, Phạm Đức Thịnh đưa cho ông Phạm Văn Việt xem các giấy tờ pháp lý, thể hiện việc mình sở hữu 86% cổ phần của công ty. Cũng chính vì thế, anh ta có quyền quyết định và định đoạt “số phận” của con tàu FSO Ba Vì. Đối tượng đồng thời đưa cho nạn nhân xem hồ sơ mua bán tàu của Công ty Vật tư thiết bị Miền Nam với Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro và các thông tin không đúng sự thật về việc Phạm Đức Thịnh sẽ lai dắt tàu về cảng Cái Mép để phá dỡ làm tàu phế liệu hoặc hoán cải thành sà lan.

Ngày 16-10-2015, ông Phạm Văn Việt đã ký hợp đồng góp vốn với Phạm Đức Thịnh, có sự chứng kiến của người làm chứng.

Theo hợp đồng, ông Việt góp 10 tỷ đồng, ông Trương Việt Hùng góp 3 tỷ đồng; mục đích hợp đồng này là để lấy chi phí lai dắt tài FSO Ba Vì về cảng Cái Mép để tháo dỡ. Theo thoả thuận thì ngoài việc được hưởng lợi nhuận góp vốn, ông Việt còn được quyền mua 2 nồi hơi chính của tàu với giá 6 tỷ đồng/chiếc.

Toàn bộ số tiền mà ông Việt chuyển cho Phạm Đức Thịnh, Thịnh đã chiếm hưởng, sử dụng vào mục đích khác mà không thực hiện theo các điều khoản được nêu trong hợp đồng góp vốn số 01/2015-HĐGV; ông Trương Việt Hùng không góp khoản tiền nào theo hợp đồng đã ký.

Sau khi ký hợp đồng góp vốn và chuyển tiền, không thấy Công ty Vật tư thiết bị Miền Nam đưa tàu FSO Ba Vì về cảng Cái Mép tháo dỡ như thoả thuận, ông Việt đã kiểm tra thì mới biết công ty này đã xuất bán tàu cho phía nước ngoài.

Sau nhiều lần đòi tiền bất thành, nạn nhân Việt đã làm đơn trình báo sự việc đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Vụ án sau đó, chuyển đến cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.

Quá trình điều tra, mở rộng vụ án, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đồng thời đã làm rõ hành vi sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép của Phạm Đức Thịnh.

Theo lời khai của Thịnh thì vào năm 2013, do có nhu cầu làm chứng minh nhân dân, hộ chiếu mang họ Phạm, đối tượng thông qua một người đàn ông, không nhớ tên, tuổi địa chỉ đặt mua 2 loại giấy tờ trên. Sau đó, đối tượng nhận được các giấy tờ đều mang tên Phạm Văn Hiểu (SN 1969), cùng trú tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, có dán ảnh Phạm Đức Thịnh. Đối tượng sau đó đã sử dụng để đi nước ngoài và đăng ký làm đại diện pháp luật cho một công ty.

Quá trình thực hiện lệnh khám xét đối với bị can Phạm Đức Thịnh tại thị xã Phú Mỹ, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đồng thời đã thu giữ 2 khẩu súng cùng 6 viên đạn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang