Quốc phục ở đảo
Sáng sớm ở xã đảo Sinh Tồn, tiếng kẻng vang lên từ phía doanh trại của bộ đội đã kéo theo đàn gà trong nhà các hộ dân ở trên đảo cất tiếng gáy. Chỉ có tiếng gà và âm thanh rì rào của sóng biển vào lúc sáng sớm. Vợ chồng chị Trần Thị Thu Huyền chia sẻ, ở ngoài vùng biển đảo xa xôi này, tiếng gà gáy, rồi cây rau muống, rau cải, đu đủ... tất cả mọi thứ này nhìn và nghe là cảm thấy đất liền như gần gũi và Sinh Tồn giống như một làng quê nơi mình sinh ra và lớn lên.
Đảo Sinh Tồn là có trạm y tế trên đảo và năm nào cũng cấp cứu cho vài ngư dân Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận... Anh Lê Văn Toàn không hỏi vợ sáng nay sẽ làm gì. Bởi vì anh và những người hàng xóm ở xã đảo này đã quá quen với việc làm của chị, đó là mang áo dài ra ngắm nghía trước mặt, sau đó ướm thử và chải tóc trước gương. Cứ mỗi khi thấy vợ mang áo dài là anh biết sẽ có đoàn công tác ra thăm và anh sẽ trở thành khán giả ngồi dưới sân khấu để xem vợ và các chị hàng xóm biểu diễn. Niềm vui nhộn ở hòn đảo này được anh Toàn kể, đó là được xem chính vợ lên sân khấu ca hát, cha con ngồi dưới cùng vỗ tay bắt nhịp với hàng trăm người lính trẻ.
Những chuyến tàu chở đoàn công tác ra thăm đảo. Ảnh: Văn Chương
Sân khấu ngoài trời ở xã đảo Sinh Tồn nằm ngay trước dãy nhà chiến sĩ. Những năm tháng sống ở hòn đảo này, anh Toàn và vợ vẫn luôn mê sân khấu nằm giữa khung cảnh biển trời mênh mông với hai dãy cây bàng lá lớn được trồng đều trên lối đi, hai cây mù u đã lên lão mọc trước hội trường, những cây bàng vuông mọc dưới tán cây phi lao vì vậy không phát triển chiều cao, thân cây cứ đùn lại như những cánh tay của người mẹ già nua đang ôm con.
Mỗi khi vợ diễn văn nghệ, anh Toàn và con lại ngồi trên chiếc ghế gỗ giữa những người lính vỗ tay bắt nhịp, người ngả nghiêng theo điệu nhạc. Ở các dãy hành lang của các ngôi nhà gần đó cũng kín cán bộ, chiến sĩ. Nếu ở trong đất liền không bao giờ có thể tìm ra được khung cảnh hết sức độc đáo này. Những đứa con của anh chị nhìn các chú bộ đội vỗ tay ào ào nên khuôn mặt sáng lên niềm tự hào vì mẹ được quá nhiều người cổ vũ.
Chị Lê Thị Kim Thi là người rất thích bông sen, trong ngôi nhà của chị trang trí rất nhiều hình ảnh hoa sen, trên bàn thờ Bác Hồ có những cành sen hồng đang trổ bông, chiếc áo dài màu trắng chị mặc để tham gia biểu diễn văn nghệ có in hình sen hồng và mặt trống đồng Đông Sơn. Ở chị Kim Thi luôn toát ra hình ảnh của một người phụ nữ đoan trang. Chị kể, thời còn ở trong đất liền thì bon chen với cuộc sống, nhưng ra đảo thì luôn luôn nghĩ "Tổ quốc là trên hết". Câu nói của chị cũng chính là khẩu hiệu ngắn gọn được viết trên bàn thờ Bác Hồ ở tất cả các đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa.
Cả nhà hát
Nhân lực quần chúng tham gia các tiết mục văn nghệ ở xã đảo Sinh Tồn không chỉ là chị em phụ nữ, mà còn có cả các cháu thiếu nhi. Bé Võ Ngọc Khánh An, con gái của chị Thi mới vào học lớp 1, nhưng ý thức về vai "diễn viên quần chúng" đã ngấm vào cháu. Trên tường nhà, Khánh An vẽ những bức tranh đẹp về bố, mẹ, về cảnh hát múa ở trên đảo. Do lớn lên trong không khí cứ thấy mẹ và các cô trong xóm nhỏ liên tục lên sân khấu, lúc nào cũng nở nụ cười, được các chú bộ đội nhiệt liệt hoan hô, vì vậy Khánh An cũng bắt đầu tham gia văn nghệ.
Chị em phụ nữ ở xã đảo Sinh Tồn biểu diễn văn nghệ dưới khẩu hiệu "Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng". Ảnh: Văn Chương
Anh Lê Văn Sáu, chồng chị Huỳnh Thị Kim Anh cắm nồi cơm, tranh thủ xào nấu rau để kịp vào doanh trại bộ đội xem vợ và con, cháu tham gia biểu diễn văn nghệ. Anh Sáu cười vui vẻ cho biết, cư dân trên đảo có mặt mạnh nhất là hát, múa, vợ cũng lên sâu khấu, con cũng tham gia hát bài "Cháu yêu chú bộ đội". Anh kể, những đứa trẻ ở đảo Sinh Tồn, khi lên tới lớp 2 là đã có thể lên sân khấu biểu diễn rất tự nhiên trước đám đông và không hề mắc cỡ, ngại ngùng gì, bởi vì mỗi lần các cháu vào doanh trại bộ đội thì hết chú này tới chú khác dắt tay, xoa đầu, ôm bổng lên nựng nịu.
Buổi sáng tại đảo Sinh Tồn, khi 5 cháu nhỏ lên sân khấu biểu diễn bài hát, múa, hơn 250 thành viên đoàn công tác số 17 đều ồ lên và vỗ vay ào ào. Những cháu nhỏ hát, múa nhưng đều nhập vai là bộ đội nhí, tay ôm súng, chân bước đều, thỉnh thoảng giơ cao tay thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa. Trang phục của các cháu mặc đều được mô phỏng quần áo của lính hải quân có những kẻ sọc trên tay và cổ áo. Giọng các cháu trong veo, nhưng ánh mắt của những chiến sĩ nhí trông già dặn và cứng cỏi hơn những đứa trẻ cùng trang lứa trong đất liền.
Tại Trường tiểu học Sinh Tồn, thầy Phạm Quang Tuấn đang trong giờ dạy học. Lướt qua những cô cậu học sinh trong lớp và nghe thầy Tuấn kể về việc vừa dạy chữ, vừa dạy cho các cháu hát các ca khúc về Trường Sa, về các chú bộ đội, vì vậy các cháu nhanh chóng trở thành những ca sĩ nhí và hát rất tự nhiên. Trong lúc thầy Tuấn kể chuyện thì các em học sinh trong trang phục được may cách điệu từ áo lính hải quân hí hoáy với bức tranh vẽ cảnh ca hát.
Chương trình văn nghệ trên đảo. Ảnh: Văn Chương
Năm 2015, bài thơ "Nghe trẻ hát ở Trường Sa" của nhà thơ Ngô Minh đã được tặng giải thưởng cuộc thi sáng tác thơ và ca khúc "Đây biển Việt Nam" do Hội Nhà văn và Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với một số đơn vị tổ chức. Bài thơ bắt đầu bằng câu đầu tiên giống bài thơ đi học ở vùng cao Tây Bắc: "Hôm qua em tới trường...". Lời thơ viết rất giản dị nhưng có sức khái quát lan tỏa lớn lao bởi sự chân thực cảm động sâu sắc: Trường Sa bây giờ không chỉ ra-đa và súng/ Trường Sa đang sinh sôi tiếng trẻ học bài/ gì sâu hơn mắt trẻ thơ ngơ ngác/ xoe tròn trước đại dương xanh...
Người dân hát Quốc ca
Năm 2014, trên đoàn tàu của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi chuẩn bị xuất phát ra Hoàng Sa để tham gia đấu tranh chống Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, vài ngư dân đã mở bài hát Quốc ca. Lúc đó 200 ngư dân đi trên 10 chiếc tàu và nhiều người đã đứng nghiêm nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay phần phật trước giờ xuất bến. Trong số các ngư dân có những người từng tham gia nghĩa vụ quân sự trở về nên thuộc bài Quốc ca. Các ngư dân đã cất cao giọng hát. Đó là hình ảnh thiêng liêng mà tôi từng được chứng kiến về người dân hát Quốc ca. Mười năm sau, vào năm 2024, tôi lại được chứng kiến người dân hát Quốc ca trên đảo Trường Sa.
Ở ngoài xã đảo Sinh Tồn, tình yêu Tổ quốc thấm rất sâu trong từng hơi thở của mỗi công dân trên đảo. Chị Mai Thị Úc Loan, quê ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa kể, hồi trước ở đất liền chỉ lo mưu sinh làm ăn, thời đi học cũng được thầy cô tập hát các bài về Bác Hồ, thiếu nhi, nên khi đến sinh sống ở xã đảo Sinh Tồn thì mỗi công dân mang theo một phần tư chất của người chiến sĩ. Ví dụ mỗi buổi sáng thứ 2 đầu tuần, bà con nhân dân đều tham gia chào cờ toàn đảo. Bộ đội hát Quốc ca, người dân cũng hát, chỉ một vài lần là thuộc, không chỉ hát đều, mà còn hát mạnh mẽ, hùng hồn.
Những buổi chào cờ diễn ra trong khoảng sân của Sở chỉ huy đảo Sinh Tồn, hai bên sân là 2 gốc mù u được xếp hạng "Cây di sản". Nhiều người thường nghĩ tới hình ảnh cây tre là biểu tượng của làng quê Việt Nam. Nhưng có một loại cây một thời không thể thiếu, đó là mù u. Anh Phạm Thành Long và những cư dân ở đảo Sinh Tồn đều ở tuổi trên 30, nhiều người từng nghe ông bà nội, ngoại kể về cuộc đời của ông bà cố luôn gắn bó với cây mù u, xóm làng bất cứ nơi đâu cũng có cây mù u. Vì trước đây dầu thắp vẫn còn hiếm hoi, mọi người thường đi nhặt trái mù u về ép lấy dầu, hoặc xỏ xâu ruột trái mù u và đốt lên thay cho đèn dầu. Quanh năm suốt tháng sống với mùi thơm tỏa ra từ dầu mù u, đến khi rời xa cuộc đời thì cũng được chôn cất trong cỗ quan tài đóng bằng gỗ mù u.
Những đứa trẻ lớn lên ở đảo đều thuộc bài hát Quốc ca, nhưng lúc còn nhỏ, trong tâm trí các em in đậm hình ảnh cha mẹ đứng bên các chú bộ đội để hát Quốc ca. Tôi mở clip lưu trong điện thoại có đoạn nhạc Quốc ca phát trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tiếng nhạc vang lên trên khu nhà của cư dân đảo Sinh Tồn. Vài chị em vừa nghe đoạn nhạc Quốc ca đã bắt nhịp theo "Vì nhân dân chiến đấu không ngừng... Nước non Việt Nam ta, vững bền".
(Còn tiếp...)
(CATP) Chuyện chó cưng ở Trường Sa là đề tài không bao giờ cũ. Xúc động nhất là lính đảo khi chia tay trở về đất liền thì có chú chó rên rỉ, nhào xuống nước bơi theo ca nô một đoạn để tạm biệt. Còn ngày thường, đêm nào các chú chó cũng quanh quẩn bên chân lính gác. Điểm khác biệt lớn nhất giữa chó nuôi ở Trường Sa và đất liền là những chú chó ở Trường Sa rất nhõng nhẽo vì sống trong tình thương của các chiến sĩ. Chó ở Trường Sa không chỉ là người bạn quấn quýt, trung thành bên cạnh quân và dân huyện đảo mà còn làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ trận địa, các vị trí chiến đấu xung yếu.