"Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc!", những người đứng trên tàu hô vang và hàng trăm người lính cùng nhân dân đứng dưới cầu cảng đáp lại. Con tàu hụ một hồi còi rồi từ từ rời thị trấn Trường Sa trở về đất liền. Tới lúc đó chúng tôi mới lướt qua những hình ảnh trong suốt chuyến đi và nhận ra, câu khẩu hiệu này hiện hữu trên từng hòn đảo, từng ngôi nhà ở Trường Sa.
Tên đất liền ở đảo
Ở giữa biển khơi Trường Sa thân yêu, đi đâu cũng thấy biển gắn tên của các địa phương trong đất liền hoặc cơ quan doanh nghiệp thể hiện tinh thần hướng về Trường Sa thân yêu. Gần đây là các đơn vị đã đồng hành với đoàn của TPHCM như: Công ty Cổ phần Xây dựng Thái An; Công ty tổ chức sự kiện Cửu Long; Hiệp hội hoa Đà Lạt... Những dòng chữ ghi trong sổ lưu niệm cũng được cán bộ, chiến sĩ trân trọng gìn giữ như trang lưu bút cuộc đời. Tại đảo Cô Lin, có một cuốn sổ lưu niệm cũ vẫn lưu dòng lưu bút của ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM ghi vào ngày 13/4/2009 với nội dung: "Đoàn đại biểu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM rất vui mừng được đến thăm các đồng chí cán bộ, đảng viên, đoàn viên, sĩ quan, chiến sĩ quân chủng Hải quân anh hùng đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ở quần đảo Trường Sa, trực tiếp là xây dựng và bảo vệ đảo Cô Lin anh hùng, bảo vệ biển đảo thềm lục địa, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc... Chúng tôi ghi nhớ tấm gương hy sinh dũng cảm của 64 cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 604 bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cầu mong hương hồn các anh an giấc ngàn thu trong lòng biển - quê hương của đất mẹ Việt Nam".
Chị em phụ nữ trong đoàn công tác của tỉnh Đồng Nai thăm các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: Văn Chương
Trong tháng 5 vừa qua, đoàn công tác của TPHCM do Chuẩn Đô đốc Phạm Như Xuân, Phó Tư lệnh Hải quân làm Trưởng đoàn, đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu TPHCM làm Phó đoàn; cùng gần 300 đại biểu thuộc Thành ủy TPHCM, các cá nhân tiêu biểu của TPHCM đã đến thăm Trường Sa, mang theo số quà và tiền tài trợ của đoàn cho quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 là 42 tỷ đồng.
Đoàn của tỉnh Đồng Nai cũng tổ chức ra thăm Trường Sa và mang theo nhiều món quà của đất liền. Chị Lê Thị Thái, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Nai có mặt trong đoàn công tác số 17 chia sẻ, địa phương huy động được hơn 5 tỷ đồng để xây dựng khu vui chơi, văn hóa, thể thao cho quân, dân trên đảo. Đoàn cũng đã tặng nhiều phần quà trị giá hơn 300 triệu đồng cho cán bộ, chiến sĩ trên các đảo và nhà giàn DK1.
Nhìn nhà nhớ tấm lòng
Con tàu 561 - Khánh Hòa 01 của Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân kéo một hồi còi dài chào cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Đông A rồi từ từ thả neo. Từ xa nhìn vào đảo, khung cảnh hiện ra là 2 ngôi nhà nối với nhau bằng một chiếc cầu bê tông, trên những ngôi nhà và dọc cầu đều cắm cờ đỏ rực rỡ đón đoàn công tác ra thăm đảo. Chúng tôi nhớ đến những hình ảnh này thường xuất hiện trong các buổi triển lãm và nhiều người đến xem vẫn chưa được giải thích hết ý nghĩa của bức tranh này, đó là 2 ngôi nhà nối nhau bằng một cây cầu, 1 nhà là doanh trại của quân đội xây dựng và 1 nhà lớn hơn là từ các chương trình đóng góp từ đất liền.
Đảo chìm ở Trường Sa là các hòn đảo có phần nổi trên mặt nước rất nhỏ, nhưng rạn san hô bao quanh có diện tích rất lớn, có đảo rạn san hô hình vòm như một cảng biển tự nhiên che chắn cho tàu đánh cá của bà con ngư dân neo đậu. Ở các đảo chìm, doanh trại bộ đội đều xây dựng theo mẫu thiết kế tương đối giống nhau, đó là một bên là nhà kết hợp công trình phòng thủ, cạnh bên và được nối bằng một chiếc cầu bê tông là Nhà văn hóa đa năng. Thiếu tướng Hoàng Kiền, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Công binh cùng đi trong đoàn công tác số 17 nhận xét, nhiều năm trở lại Trường Sa và rõ ràng nơi sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ ở đảo chìm đã được mở rộng gấp 3 nhờ sự đóng góp từ hậu phương.
Ngôi nhà doanh trại bộ đội kết hợp công trình phòng thủ được quân chủng Hải quân xây dựng, còn ngôi nhà lớn hơn được Đảng bộ và chính quyền các tỉnh và doanh nghiệp trích quỹ phúc lợi xây dựng. Trong số các công trình xây dựng trên đảo, có rất nhiều hạng mục được gắn bảng "Thành phố nghĩa tình" - Đảng bộ, chính quyền Hà Nội, TPHCM.
Tại đảo Cô Lin, hòn đảo khá nổi tiếng trong số các đảo chìm vì mãi mãi gắn với câu chuyện vào lúc 8 giờ sáng ngày 14/3/1988, để giữ đảo Cô Lin trong khói lửa và mùi thuốc súng, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho tàu HQ 505 lùi ra xa rồi tăng hết tốc độ lao vào bãi san hô bao quanh đảo Cô Lin. Chiếc tàu mắc trên bãi cạn với lá cờ đỏ sao vàng trở thành cột mốc. Giờ đây trở lại đảo, mọi người đều xúc động khi ngôi nhà mới trị giá 37 tỷ đồng được gắn biển Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Trung úy Lê Văn Hậu, cán bộ ở đảo chia sẻ: "Đi qua các hòn đảo, cứ nhìn thấy tấm bảng của các nhà tài trợ là cảm thấy tinh thần đoàn kết và luôn luôn có hậu phương vững chắc ở phía sau những người lính".
Tại đảo Đá Tây B, khi tàu tiến tới từ xa đã thấy hiện ra ngôi nhà màu vàng được xây dựng 4 tầng rất đẹp trên đảo ngầm cạnh ngôi nhà nhỏ là doanh trại đã có từ nhiều năm trước. Ngôi nhà này do Ngân hàng Quân đội tài trợ số tiền 20 tỷ đồng để xây dựng. Quanh hòn đảo này, tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên đang thả neo sau một đêm đánh cá.
Mùi rau thơm ở Trường Sa
Tại khu vườn nhỏ sau lưng căn nhà của gia đình vợ chồng anh Lê Văn Sáu ở xã đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa, trong số 12 loại rau xanh anh trồng thì giá trị nhất lại là cây húng quế. Toàn bộ các gia đình còn lại, nhà nào cũng trồng được những giống cây quen thuộc như cà chua, rau cải, rau muống, rau dền... Nhưng rau thơm rất hiếm vì khó trồng ở đảo do hơi nước mặn ở Trường Sa. Mỗi bữa ăn, gia đình anh chỉ ngắt vài nhánh lá để trong bữa cơm có thêm hương vị đậm đà giống như trong đất liền. Câu chuyện về cây rau húng quế của gia đình anh Sáu là một phần của chiến dịch "Góp đá xây Trường Sa".
Rất nhiều nhà văn hóa đa năng ở Trường Sa được xây dựng bằng kinh phí từ sự đóng góp của các tỉnh, thành, trong đó TPHCM có đóng góp rất lớn
Nếu ai ở đất liền và một lần bước chân ra đảo thì mới thấm thía với cảnh chỉ cần vài nắm đất mùn để trồng rau ở đảo cũng quý như vàng. Nhờ những chuyến tàu chở đất ra đảo đã làm cho Trường Sa trở nên xanh biếc như những ốc đảo giữa biển khơi. Những công trình xây dựng trên đảo đều được gắn biển tên, nhưng chương trình "Góp đá xây Trường Sa" thì đọng lại là những hòn đảo xanh ngát bóng cây. Trung tá Nguyễn Hồng Lam, Chính trị viên Đồn Biên phòng Trường Sa tâm sự: "Anh em trồng được một vườn rau dền, ngày nào cũng ra nhìn và không quên ơn bao nhiêu tấm lòng trong đất liền đã gửi ra giúp đỡ bộ đội biên phòng".
Từ cầu cảng của đảo Sinh Tồn vào tới trong lòng đảo, mọi người đi dọc hai hàng cây bão táp. Vào mùa nắng, cây bão táp có màu lá xanh pha sắc vàng, khiến không gian xanh càng thêm rực rỡ. Tại khu vực bệnh xá đảo Sinh Tồn, những người lính chăm chút từng gốc cây đu đủ tươi tốt. Anh Lê Văn Toàn, một cư dân trên đảo là người gốc ở tỉnh Khánh Hòa ra đảo lập nghiệp chia sẻ: "Có sống ngoài đảo xa mới thấm được tình cảm của người Việt Nam mình, tinh thần đoàn kết gắn bó là số 1, trong đất liền gửi ra đảo từ trái bầu trái bí, tới nắm đất mẹ thân thương".
(Còn tiếp...)