Chuyện về Trường Sa như sóng xô bờ:

Bài 3: Những người bạn trung thành với lính đảo Trường Sa

Thứ Năm, 05/12/2024 08:27

|

(CATP) Chuyện chó cưng ở Trường Sa là đề tài không bao giờ cũ. Xúc động nhất là lính đảo khi chia tay trở về đất liền thì có chú chó rên rỉ, nhào xuống nước bơi theo ca nô một đoạn để tạm biệt. Còn ngày thường, đêm nào các chú chó cũng quanh quẩn bên chân lính gác. Điểm khác biệt lớn nhất giữa chó nuôi ở Trường Sa và đất liền là những chú chó ở Trường Sa rất nhõng nhẽo vì sống trong tình thương của các chiến sĩ. Chó ở Trường Sa không chỉ là người bạn quấn quýt, trung thành bên cạnh quân và dân huyện đảo mà còn làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ trận địa, các vị trí chiến đấu xung yếu.

Xoáy nhõng nhẽo

Thiếu tá Bùi Quang Mạnh lôi con Xoáy ra sân, nhưng khi vừa chạm vào người là nó nằm ườn ra. Càng kéo, càng gọi thì nó càng mềm oặt cả người, mắt lim dim, giống như một cậu bé hờn dỗi. Chúng tôi đề nghị chụp ảnh con Xoáy ngay trước biển tên Đồn Biên phòng Trường Sa, nhưng không ngờ, một việc rất đơn giản mà khó lòng thực hiện được. Vì con Xoáy như một sợi bún, khi bê nó ra trước cổng đơn vị thì nó vẫn giống như người bị tiêm thuốc tê, mềm oặt. Thiếu tá Mạnh cười và nói: "Vì thương nó quá nên mới có cơ sự này, nó rất nhõng nhẽo như trẻ con vậy".

Do thời tiết ở quần đảo Trường Sa khắc nghiệt, vì vậy toàn bộ chó nuôi là loại chó thuần chủng, có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh tật. Con Xoáy có dáng người nhỏ, gọn, hơi lai giống chó săn, vì vậy bộ lông màu vàng pha đen và khắp người có những xoáy lông. Tại đảo Trường Sa Lớn, mỗi khi đêm xuống Bộ đội biên phòng lại bắt đầu vào phiên trực gác với lính Hải quân trên đảo. Âm thanh lạo xạo của đôi giày dẫm trên đá san hô vụn bao giờ cũng có thêm bước chân nhẹ nhàng của đàn chó hàng chục con.

Mỗi khi có ca nô từ tàu cập vào đảo, các chó chú đều chạy ra hóng và vẫy đuôi vui mừng. Ảnh: Văn Chương

Lính ở Đồn Biên phòng Trường Sa thỉnh thoảng mới có chuyến công tác vô đất liền. Khi có người vào bờ, con Xoáy như cảm nhận được sự thiếu vắng. Thỉnh thoảng nó ra bến tàu nhìn về phía khơi xa. Nhưng tàu từ đất liền ra đảo lâu lâu mới có một chuyến, tàu vào âu tàu nhiều nhất lại là tàu đánh cá của bà con ngư dân Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ngãi và Bình Định. Vậy nên hết hóng người ở cầu cảng cập tàu, con Xoáy lại chạy về âu tàu, nơi có một chiếc bàn nhỏ và người lính ngồi trực gác, làm thủ tục kiểm tra, xuất nhập cho tàu đánh cá của bà con ngư dân.

Mỗi khi đêm xuống, con Xoáy và bạn của nó lại bắt đầu đi ca như lính biên phòng. Mỗi người lính gác luân phiên khoảng 1 giờ đồng hồ, còn con Xoáy thì cứ gác trọn phiên. Mỗi khi tiếng báng súng AK gõ lách cách ở hiên Đồn Biên phòng Trường Sa, cả bầy chó dỏng tai nghe ngóng, sau đó vội chạy theo người lính tuần tra, canh gác. Đêm sương lạnh giữa quần đảo Trường Sa, bóng những cây phong ba, cây bàng vuông, cây mù u chao nhẹ trong gió, tạo ra nhiều hình thù khác nhau. Những người lính phải căng mắt quan sát, nhưng đối với con Xoáy và bầy chó tinh khôn, khi thấy chủ hướng mắt nhìn về phía nào thì các chú chó lập tức dỏng tai, ve vẩy đôi tai rất thính, mũi hít hít để tìm kiếm, đánh hơi trong gió biển.

Ở đảo Sinh Tồn cũng từng có một chú chó cùng tên, có bộ lông vàng. Còn Xoáy ở đây được những người lính trẻ chăm sóc và dạy cho cách tạo dáng trông rất ngộ nghĩnh, như cho Xoáy đeo chiếc kính đen, thực hiện động tác vẫy tay chào tạm biệt. Những người lính trẻ trước khi hết thời gian phục vụ trong quân ngũ và phải chia tay đảo, con Xoáy lại nằm li bì và mắt hiện ra vẻ buồn rầu khi những người lính tới vuốt ve đầu Xoáy và nói lời tạm biệt.

Con chó Xoáy lim dim mắt vì ban đêm đã thức trắng

Con Xù hờn

Đảo Đá Tây C là một đảo chìm và 2 ngôi nhà kiên cố được xây dựng trên mom đất nhỏ, tứ bề là sóng nước. Mỗi khi thủy triều rút, quanh hòn đảo này lộ ra dải san hô hình vòm giống như bức tường ngầm triệt tiêu sức mạnh của sóng, nên vào thời điểm sóng lớn, khi từng đụn sóng cao vài mét tiến về gần đảo thì bị phá tan ra, tung bọt trắng xóa. Con chó được đặt tên là Xù lớn lên trên hòn đảo này. Vài anh em cán bộ ở tỉnh Đắk Nông đi trong đoàn vuốt ve đầu con Xù khi lên đảo. Chúng tôi không thể quên được ánh mắt của còn Xù, ánh mắt đó dường như đo đếm được nhịp đập của cảm xúc trong lồng ngực. Những người lính trên đảo cho biết, nơi này chỉ có trời xanh, mây trắng và sóng nước quanh năm, đi qua đi lại 2 ngôi nhà thì người bạn của lính là những chú chó.

Trung úy Hà Công Anh cất tiếng gọi, nhưng cả bầy chó vẫn lùi sâu trong căn phòng bê tông cốt thép và nhìn ra ngoài với ánh mắt khá lạnh lùng. Vì có đoàn công tác ra thăm đảo nên đơn vị phải nhốt hết các chú chó vào khu nhà được xây dựng giống lô cốt. Có thể do bất ngờ bị hạn chế đi lại nên những chú chó tỏ ra giận dỗi. Những chú chó có lẽ do nghe giọng của "người quen" gọi khiến những đôi mắt kia cụp xuống, đuôi vẫy nhẹ, đầu ưỡn về phía trước, tín hiệu của những chú chó giống như lời đáp "đã hiểu rồi".

Theo đề nghị của chúng tôi, Trung úy Anh ôm ra chú chó có ánh mắt dường như rất khác với chó trong đất liền. "Nó là con Xù, trông vậy nhưng mà hiền lắm, chả cắn ai đâu" - Trung úy Anh nói, trong khi tay xoa lên đầu con Xù.

Chúng tôi chợt nhớ ra ánh mắt của con Xù rất giống ánh mắt của những chú chó đã gặp ở đảo Cô Lin. Nếu nhìn ngang thì các chú chó có vẻ hiền từ, nhưng ánh mắt thì rõ ràng là luôn cảnh giác cao độ.

Hàng ngày, Trung sĩ Gió và những người lính vuốt ve con Mực, Lucky, con Vàng, nhưng có lẽ tất cả những chú chó này cũng nhìn thấy ánh mắt của người chủ - ánh mắt xuyên thấu, nói chậm rãi, mặt luôn ngoảnh về phía Gạc Ma. Khi đêm xuống, ánh mắt của những người lính lại càng chụm về hòn đảo nằm gần đó và nhất cử nhất động, những hiện tượng lạ dù chỉ thoáng qua cũng khiến tất cả mọi người lính triển khai phương án sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo.

Chó ở Trường Sa không hề sợ sóng biển. Cứ mỗi chiều, con Xù lại bơi trong vùng nước san hô lặng sóng, sau đó ve vẩy bộ lông. Con Vàng từ trong chuồng đi vòng qua lô cốt tiến tới một người lính đang gác bên ụ súng và ra vẻ cần được vuốt ve. Trung sĩ Nguyễn Công Khang, quê ở tỉnh Bình Định say sưa kể chuyện về những chú chó, trong đó có việc các chú chó thường tham gia gác đêm với các chiến sĩ, vì vậy chó và người như đôi bạn tâm giao.

Trung sĩ Vũ Công Khang với chú chó cưng ở đảo Đá Tây C. Ảnh: Văn Chương

Năm 2017, cơn bão Tembin có sức gió giật cấp 12-13 gây ra sóng cao 10 mét. Cơn bão này quét qua đảo Thuyền Chài và sau trận bão đó, có vài chú chó đã thiệt mạng khiến lính đảo cảm thấy ngậm ngùi thương xót. Có một chú chó giống như con Xù còn sót lại. Chú giống như người bị sang chấn tâm lý sau khi mất sạch bạn. Chú chó này được lính đảo sơn dòng chữ CR7 lên người và đặt cho cái tên vui là anh Bảy Chột, vì chú chó bị chột mắt. Dù tính cách hơi lầm lỳ, nhưng mỗi khi có đợt lính hết nghĩa vụ quân sự và rời đảo thì con Bảy Chột lại trở nên linh động giống như cố gắng gần gũi những người lính trước khi chia tay. Nó ra tận mép nước, lội nước tới trên đầu gối và mắt hướng về những chiếc ca nô đang rời đảo.

"Bà bầu" hiền lành

Mỗi khi chó sinh nở thì thường rất hung dữ để bảo vệ con. Nhưng ở quần đảo Trường Sa, sự thân thiết giữa người và chó đã khiến những con chó mẹ luôn xem những chiến sĩ trẻ như người bạn. Một người lính chui vào ổ của con Bạch Tuyết và bế ra 2 chú chó với bộ lông ươn ướt. Con chó mẹ mở mắt lim dim nhìn và không có một phản ứng gì. Nhìn cảnh những chiến sĩ trẻ rôm rả với bầy chó con, tôi chợt nhớ đến ánh mắt có lúc thoáng buồn của những chú chó trên các đảo nổi như Cô Lin, Đá Đông A, Đá Tây C. Thỉnh thoảng anh em bộ đội phải vuốt ve, tâm sự to nhỏ với chúng khi thấy có một con chó bỏ ăn.

Ngày thường, chú chó mẹ thường chạy theo chân bộ đội đi ra ghành đá để săn bắt bạch tuộc. Chú giơ chân trước dứ dứ rồi thụt lại vì con bạch tuộc khi bắt lên bờ rồi nhưng chiếc vòi vẫn phát huy được sức mạnh. Chỉ cần bám dính vào vật gì thì cả chùm tua còn lại sẽ quăng về phía đó để bao lấy con mồi. Chó mẹ nhìn thấy vòi bạch tuộc thì tinh nghịch nhảy lùi và đánh hơi khịt khịt. Nhưng dạo này chú phải nằm ổ ở cữ và ánh mắt lim dim suốt ngày.

Ở trong đất liền, hình ảnh những chú chó chạy quanh ngôi nhà, có lúc theo chủ ra công viên với đủ thể loại màu lông. Nhưng ở Trường Sa thì chỉ có giống chó ta thuần chủng. Hình ảnh khó quên nhất là con Đen, Nâu chạy trong rặng cây bão táp. Dưới chân nó luôn phát ra âm thanh sột soạt vì dẫm trên cát có pha vô số mảnh san hô nhỏ. Lá cây bão táp xanh pha với sắc vàng nhẹ với những chú chó chạy dưới bóng cây, cùng bước chân của những người lính trẻ canh giữ biển trời của Tổ quốc, trở thành hình ảnh đọng sâu trong ký ức của những người đến thăm đảo.

(Còn tiếp...)

Bài 2: Chiếc giường trống ở nhà giàn DK1
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang