Chuyện về Trường Sa như sóng xô bờ:

Bài 2: Chiếc giường trống ở nhà giàn DK1

Thứ Tư, 04/12/2024 11:18

|

(CATP) Chúng tôi vừa định rời khỏi ngôi nhà giàn DK1 cũ để qua ngôi nhà DK1 mới nằm sát cạnh bên thì trong thâm tâm vẫn cảm thấy còn thiếu điều gì đó, và cũng bởi do chúng tôi cảm nhận được mùi hương rất đậm ở ngôi nhà giàn này. Cuối cùng tôi ngỡ ra, mình quên chưa thắp hương trên bàn thờ người liệt sĩ. Hạ sĩ Trần Đại Nghĩa trước khi chia tay nói: "Ông linh thiêng lắm!". Lính trẻ đều gọi Liệt sĩ Dương Văn Bắc là "Ông" để tỏ rõ sự kính trọng.

Sắc vàng trên biển xanh

Bước chân lên nhà giàn DK1/11, mọi người thốt lên rằng, ra thăm nhà giàn vào thời điểm này rất may mắn, vì đi lên bằng cầu thang chính, không phải cẩu người từ chiếc ròng rọc và đu đưa như bao hàng từ ca nô kéo lên giàn sắt. Trên nhà giàn có tiếng gió hiu hiu và âm thanh đó càng to mỗi khi có áp thấp nhiệt đới, sóng biển cao từ 4-5 mét. Với những người lính có thâm niên ở ngôi nhà giàn này, trong tiếng gió hiu hiu lúc xa lúc gần kia còn văng vẳng cả tiếng của người đồng đội Dương Văn Bắc trước khi bị sóng vùi dập vào lòng biển sâu.

Mờ sáng ngày 13/5/2024, tàu 571, Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân chở đoàn công tác số 17 buông neo cách nhà giàn DK1/11 (Tư Chính 3) gần 1 hải lý. Ngôi nhà bằng thép màu vàng đang cùng biển thức khi bình minh bừng sáng ở bãi Tư Chính. Sắc màu rực đỏ ánh lên trên nền biển xanh khiến tôi nhớ đến câu chuyện về ông Vũ Quang Dương, quê tỉnh Thái Bình, từng kể ước mơ của đời mình trước khi về với đất là được ra thăm nhà giàn DK1, nơi người con trai của ông là Đại úy Vũ Quang Chương đã hy sinh trong vụ nhà giàn DK1 Phúc Tần bị đổ sập trong cơn bão Faith vào tháng 12/1998.

Bàn thờ liệt sĩ Dương Văn Bắc luôn tỏa hương khói. Ảnh: Văn Chương

Hình ảnh trước mắt và ký ức về những câu chuyện cũ của Nhà giàn DK1 khiến tâm trạng của mọi người cảm thấy lao xao khi con tàu buông neo và ca nô chở 250 người tiến vào chân nhà giàn. Cả đoàn chưa ai được giới thiệu về việc trên nhà giàn có 1 liệt sĩ. Phút đầu tiên chạm tay vào khối sắt thép giống như mọc lên từ độ sâu khoảng 20 mét, chân nhà giàn có những bộ chông nhọn xòe ra để chống người nhái, khiến mọi người trong đoàn có cảm giác lâng lâng khó tả.

Chúng ta thường bắt gặp hình ảnh các cặp nhà giàn DK1, tức 2 ngôi nhà giàn được nối với nhau bằng chiếc cầu thang sắt bắt ngang. Đó là ngôi nhà giàn mới hiện đại và vững vàng như một giàn khoan dầu khí đứng cạnh ngôi nhà giàn thế hệ cũ đã mấy chục năm tuổi. Có 15 nhà giàn DK1 và ngôi nhà giàn cũ thường gắn với câu chuyện về "Cụ liệt sĩ”.

Có thể dễ dàng nhận ra điểm khác biệt đầu tiên giữa nhà giàn thế hệ cũ và nhà giàn thế hệ mới là chiếc đồng hồ hình tam giác trên từng cánh cửa của nhà giàn cũ. Chiếc đồng hồ này không chạy tích tắc mà luôn đứng yên lặng, kim chỉ chệch đi khi nhà giàn bị nghiêng. Trong cơn bão Faith 26 năm về trước, những người lính ở nhà giàn Phúc Tần đã chứng kiến chiếc kim này cứ mỗi ngày một chếch sang một bên cho đến khi nhà giàn đổ sập.

Đại tá Hoàng Kim Nông, nguyên Lữ đoàn phó về chính trị Lữ đoàn 171 hồi tưởng, những năm tháng đó, anh em hy sinh vì nhà giàn bị đổ sập, số anh em còn trụ lại và làm nhiệm vụ thì cuộc sống rất gian khổ chứ không đầy đủ tiện nghi như hiện nay. Cả nhà giàn chỉ có 1 téc nước dung tích 40 khối, vì vậy anh em thống nhất là một tuần chỉ tắm một lần, toàn bộ nước rửa, nước đánh răng rửa mặt đều được gom vào để tưới rau giá, món rau nấu canh hàng ngày là rau muống khô được gởi từ đất liền ra.

Nhà giàn DK1 hiện ra trong ánh bình minh. Ảnh: Văn Chương

Anh như mây trắng

Trên những tờ báo xuân hoặc trên các tờ lịch thường hay in hình ảnh nhà giàn DK1 và 2 ngôi nhà nối với nhau bằng một chiếc cầu treo. Nhà giàn mới được sơn màu vàng rực rỡ, còn nhà giàn cũ sơn màu xanh, trắng, đỏ và đã ngả màu theo thời gian. Nhà giàn cũ hiện nay dường như vắng bóng người. Bước đi trên sàn gỗ của ngôi nhà giàn cũ, đi từ tầng 2 xuống tầng 1 rồi quay về nhà giàn mới, nhưng vì cái mùi hương trầm phảng phất khiến chúng tôi tò mò và trở lại nhà giàn cũ thêm một lần nữa. Ngôi nhà vắng lặng với những chiếc giường được xếp ngay ngắn, những căn phòng trống không và cuốn sổ tay ghi chép của người lính trên bàn.

"Anh sang đây đã thắp hương cho Liệt sĩ Dương Xuân Bắc hay chưa?", một giọng nói phát ra từ căn phòng nằm ở bên hông nhà giàn cũ khiến chung tôi bất ngờ. Thì ra hàng ngày ở ngôi nhà giàn cũ này vẫn luôn có người lính tức trực và không ngớt khói hương cho người đã ngã xuống. Lính trẻ thì gọi liệt sĩ bằng cụ, lính già thì gọi liệt sĩ bằng ông. Danh xưng đó cho thấy, tình cảm và sự thành kính rất lớn của những người lính dành cho những đồng đội đã ngã xuống. Liệt sĩ Dương Văn Bắc, sinh năm 1974, quê ở xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, hy sinh ngày 14/9/2014. Gia đình Liệt sĩ Bắc còn rất khó khăn, cha mất sớm, anh ra đi để lại người vợ và 2 con nhỏ.

Chuẩn đô đốc Ngô Văn Phát, nguyên Chính ủy vùng 5 Hải quân có giọng nói khá truyền cảm. Ông kể về những năm tháng gian nan ở nhà giàn thì không giấy bút nào kể hết được. Những người lính ra nhà giàn phải quen với khung cảnh khi mưa gió thì như người cô đơn lạc lõng giữa biển sóng, rồi anh em quây quần bên nhau, động viên, chia sẻ, vì vậy tình đồng chí, đồng đội ở nơi này giống như anh em ruột thịt. Sau 35 năm sừng sững như pháo đài thép trên biển, có 10 liệt sĩ nhà giàn DK1 hy sinh.

Thời còn sống, Đô đốc Giáp Văn Cương năm nào cũng theo tàu đi công tác, xuôi ngược hàng tháng trên biển. Với tầm nhìn xa, ông đã đề xuất xây dựng các nhà giàn trên bãi cạn nằm trên thềm lục địa của Tổ quốc, dù biết rằng những người lính bám trụ ở đây không tránh khỏi hy sinh. Đại úy Trần Xuân Tiến ngồi kể chuyện về tình đồng chí ở nhà giàn, anh em luôn hồi tưởng đến những người đã hy sinh và xót thương, dù đã 10 năm trôi qua rồi.

Những đoàn công tác của chính quyền và nhân dân TPHCM, Cần Thơ, Bình Dương, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ngãi... khi ra thăm huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 thường tổ chức lễ tưởng niệm ngay trên nóc nhà giàn. Nhìn bóng dáng người lính đứng sừng sững dưới bầu trời đầy mây trắng, chúng tôi liên tưởng đến hình ảnh người lính đã ngã xuống, như làn mây bay trên bầu trời và vẫn quanh quẩn cùng đồng đội.

Đường ray thép để đóng, chốt chặt cửa nhà giàn khi có bão

Để giường cho liệt sĩ

Chiếc giường của liệt sĩ Dương Văn Bắc từng nằm là giường đóng kiểu hình hộp, dưới gầm giường là nơi để giày dép và một số đồ dùng cá nhân, trên bàn làm việc của anh vẫn còn thiết bị của trắc thủ ra đa. Đại úy Lê Quang Tiệp, người gọi chúng tôi vào căn phòng có đặt bàn thờ ở vị trí rất cao, thỉnh thoảng nhìn lên bàn thờ và chúng tôi nhận ra ánh mắt ấy rất kỳ lạ, như chất chứa một nỗi niềm gì đó, thể hiện một nỗi đau cuồn cuộn từ tâm can. Các thành viên trong đoàn công tác đến từ tỉnh Đắc Nông, Hải Dương xếp thành hàng để leo lên chiếc ghế cao thắp hương cho Liệt sĩ Dương Văn Bắc.

Đại úy Tiệp chỉ xuống tầng dưới và kể về những khoảnh khắc có thể đe dọa ngôi nhà giàn cũ. Đó là dù nhà giàn nằm cách mặt nước rất cao, nhưng có cơn bão lớn và sóng biển dâng cao tới mức quét sạch chuồng gà, lợn ở tầng dưới, đó là dịp duy nhất những người lính không có gà để cúng anh Bắc theo lệ 1 tháng 2 lần vào mùng 1 và 15 âm lịch. Thượng úy Trần Bé Thu, Chính trị viên của nhà giàn chia sẻ, anh em bây giờ đã được ở nhà giàn mới hiện đại, vững chắc hơn thế hệ nhà giàn cũ, có đầy đủ hệ thống điện năng lượng 24/24.

Ở Trường Sa và nhà giàn DK1, có rất nhiều câu chuyện mà cánh nhà báo chúng tôi không thể tiếp cận vì thời gian quá ngắn, vì nguyên tắc giữ bí mật hoặc hạn chế cung cấp thông tin. Ở ngôi nhà giàn cũ, chúng tôi nhìn thấy rổ bát được treo lủng lẳng trên chiếc giá từ nóc nhà để tránh bị rơi vỡ, nhìn thấy chiếc đồng hồ đo độ nghiêng đặt trên từng nóc của mỗi cánh cửa ra vào, được nghe câu chuyện về sóng "cuốn" bay hết chuồng lợn, gà ở tầng sàn, dù nằm cách mặt biển tới khoảng 15 mét. Đó là những câu chuyện thường ngày của các anh trên nhà giàn nhưng với chúng tôi thì rất lạ lẫm và thú vị.

Ngày thường, những người lính luôn nhìn lên bầu trời và thấy những áng mây nhiều hình thù quanh quẩn gần nhà giàn. Ngày giông bão, mây tan biến, chỉ còn lại bầu trời xám xịt, gió bão vần vũ đang thét gào trước khi hạ xuống mặt biển. Những ngày đó, các chiến sĩ bên nhà giàn lại sang thắp hương cho liệt sĩ Dương Văn Bắc và khấn nguyện linh hồn anh hãy che chở cho đồng đội ngày đêm bám trụ, vượt qua thiên tai, bão tố.

(Còn tiếp...)

Bài 1: Cả nước vì Trường Sa
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang