Chuyện về Trường Sa như sóng xô bờ:

Bài cuối: Chuyện khó quên ở Trường Sa

Chủ Nhật, 08/12/2024 11:51

|

(CATP) Một đám mây hình đóa hoa từ từ bay ngang bầu trời, vắt từ đảo Cô Lin sang đảo Gạc Ma. Khi mọi người thả hoa đăng xong và rời ca nô lên tàu, một đám mây nhỏ hình phễu như linh hồn những người lính đang thức giấc. Ra biển khơi, mọi người đều nắm tay nhau để hát bài "Khúc quân ca Trường Sa".

Hồn thiêng giữa biển khơi

"Để tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở Trường Sa, phút mặc niệm bắt đầu" - người chỉ huy hô to dõng dạc. Đó là phút mặc niệm tổ chức trên tàu 571, Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân khi đưa đoàn công tác ra thăm Trường Sa. Sau khi tổ chức thắp hương trên tàu, bàn thờ nổi có đĩa bánh, bỏng ngô, hương hoa được thả xuống biển. Trời nổi cơn gió Tây Nam. Con tàu đậu chếch về hướng Tây Bắc, cách đảo Cô Lin và Gạc Ma vài hải lý. Vậy là chiếc bàn thờ cứ dập dềnh trôi trên mặt biển và hướng về phía Gạc Ma như có sự đưa đẩy của những bàn tay vô hình nào đó. Mọi người trong đoàn cứ nhìn theo cho đến khi mặt trời khuất bóng và màn đêm phủ xuống trên mặt biển. Đó là ký ức khó quên khi chúng tôi có mặt trong đoàn công tác số 17 ra thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Gạc Ma là nơi vẫn còn hài cốt của 64 liệt sĩ đã nằm lại dưới biển sâu. Các anh yên nghỉ giữa biển xanh và luôn được tưởng nhớ, nhắc tên bằng sự tiếc thương dâng trào. Nhìn bàn thờ nổi cứ dập dềnh trên sóng nước giống như bước chân đầu tiên của người lính binh nhì vào quân trường, sau đó hòa vào lòng biển xanh, trong ký ức chúng tôi lại hiện ra hình ảnh những người mẹ Gạc Ma. Đó là bà Lê Thị Lan, mẹ Liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc thường kể về người con trai của mình và mong ước có ngày nào đó con sẽ trở về nằm tại quê hương Đà Nẵng.

Từ khi đoàn công tác tổ chức lễ dâng hương, tưởng niệm và thả bàn thờ nổi trên biển, bầu trời có những áng mây mang hình thù kỳ lạ. Đó có thể là một hiện tượng của thiên nhiên, nhưng cũng có thể là linh hồn của các anh hiển linh trên bầu trời xanh. Trước khi rời bến tại Quân cảng Lữ đoàn 125, đoàn công tác đã thắp hương tại Tượng đài liệt sĩ Tàu không số. Người lính chủ trì đã đọc lời điếu văn và nói: "Mong các anh phù hộ cho chuyến đi của đoàn công tác gặp nhiều thuận lợi".

Thượng tá, cựu chiến binh Vũ Quốc Hải kể về nỗi nhớ đồng đội. Ảnh: Văn Chương

Rồi đoàn công tác đặt chân lên thăm các chiến sĩ ở đảo Cô Lin trong cái nắng hầm hập và gió biển rào rạt thổi. Trong cuốn sổ lưu niệm có dòng cảm tưởng của các đoàn đến từ nhiều tỉnh, thành như: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang... Có nhiều dòng cảm tưởng nhắc đến sự kiện Gạc Ma năm 1988 và mong linh hồn những người lính nằm lại giữa lòng biển sâu được siêu thoát. Ngư dân ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận khi ra tới khu vực gần đảo Gạc Ma đánh cá, cũng thường thắp hương tưởng nhớ những người anh hùng đã ngã xuống. Ngư dân Nguyễn Văn An ở Bình Định kể, khi gặp thời tiết xấu thì ngư dân cũng thắp hương khấn nguyện, mong linh hồn các anh che chở cho tàu đánh cá bám trụ ở Trường Sa, đó cũng chính là sức mạnh tinh thần để ngư dân vững vàng vượt qua bão tố, phong ba, để mưu sinh và cùng gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc

Hồn quê ở đảo

Cây phong ba trồng trước Nhà văn hóa Thủ Đô ở thị trấn Trường Sa có dáng rất đẹp. Khi vừa bước chân vào cầu cảng thị trấn Trường Sa, nhiều người dừng lại ngắm thế cây thác đổ và chụp hình kỷ niệm. Chúng tôi nhớ đến lời kể của các cựu chiến binh có những năm tháng gian khổ tham gia xây dựng đảo Trường Sa rằng, năm tháng đầu tiên, mọi người chở đất ra đảo, nâng niu từng gốc cây nên mới có Trường Sa xanh hôm nay.

Tại vườn rau xanh của mỗi đơn vị, mọi người ngạc nhiên nhất là vườn rau nằm trên nhà giàn DK1, ngoài rau muống, rau cải, cà chua, ớt thì có một giàn lá mơ lông. Những người lính cho biết, ở giữa biển khơi, mùi của mỗi loại rau đều rất đặc biệt, mang lại cảm giác ăn ngon hơn. Còn tại vườn rau xanh của Đồn Biên phòng Trường Sa, một vạt rau dền xanh tốt. Ở đảo nhưng lính biên phòng được ăn món canh rau dền nấu với các loại cua, nghe hương vị quê hương gần trong nỗi nhớ.

Ở đảo có 2 cây cổ thụ lạ nhất nằm trước nhà chỉ huy ở xã đảo Sinh Tồn. Cây mù u là hình ảnh quá khứ của làng quê Việt Nam. Thời Pháp thuộc trước năm 1954, nhiều gia đình vẫn hái mù u về làm đèn hoặc ép dầu để thắp đèn. Cựu chiến binh Phạm Cao Sơn kể, thời tham gia chiến dịch CQ 88, ở đảo luôn nhớ về đất liền. Thời đó tàu ra vào rất ít, mỗi khi nhớ mẹ già, nhớ anh em, thì ngước nhìn cây mù u, cảm giác ấm áp giống như thấy quê nhà, mẹ già ở đó. Những ký ức lúc nhỏ bắn bi mù u, ông nội cưa cây mù u để làm nhà, đóng bàn ghế lại ùa về. Lúc đó, nhà nào cũng đóng vài vật dụng bằng gỗ mù u, cho nên cây mù u cũng gắn liền với đất và người Việt Nam.

Tưởng nhớ đồng đội

Thượng tá, cựu chiến binh Vũ Quốc Hải khi trả lời phỏng vấn trên đảo Cô Lin có nét mặt khá trầm ngâm. Người cựu chiến binh này kể, "đúng ra hòn đảo này cũng có thể là nơi tôi gởi lại xương thịt, vì năm 1988, tôi đã giữ cương vị thuyền phó 1 tàu HQ 505, nhưng vì chuyển ngành công tác nên không có mặt tại Trường Sa vào thời điểm khói lửa".

Dù trở về đời thường, nhưng Thượng tá Hải vẫn thường dõi theo tình hình, đi tìm lại quê hương của những đồng đội cũ để thăm hỏi thân nhân gia đình, kể với họ về cảnh đi tàu 2000 tấn chở hàng ra đảo và thấy anh em đánh Moóc-xơ để gởi tin tức vào bờ, bởi lúc đó không có phương tiện hiện đại như bây giờ. Nhìn về phía đảo Gạc Ma, ông nói: "Đồng đội tôi có thuyền trưởng Vũ Phi Trừ (Anh hùng Liệt sĩ Vũ Phi Trừ - người chỉ huy bộ đội trên tàu HQ-604 kiên cường bảo vệ Gạc Ma và hy sinh cùng 63 cán bộ chiến sĩ hải quân - PV) khác lớp nhưng học cùng khóa, quê ở Thanh Hóa. Đi cùng tàu là anh Nguyễn Văn Thiều, quê Nam Định, bố mẹ là giáo viên nghỉ hưu và rất nhiều năm không tìm ra nhà. Cách đây 2 năm tôi rất mừng khi tìm được nhà bạn...".

Trên hành trình ra đảo, cả đoàn được chia thành 8 đội để tổ chức các chương trình văn nghệ, chụp ảnh, giao lưu. Tôi không thể quên ánh mắt của Thượng tá Vũ Quốc Hải khi đứng hát cùng các cựu chiến binh, ánh mắt của người lính già rơi lệ khi cùng đồng đội hát vang giai điệu từ trái tim mình: Ngày qua ngày, đêm qua đêm/Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương/ Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa. Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ/Ta vẫn vượt qua...".

Bài 4: Tiếng hát nơi đảo xa
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang