Báo động người tâm thần sống trong cộng đồng gây thảm án

Thứ Tư, 11/07/2018 09:36  | Đào Văn

|

(CAO) Thời gian qua liên tục xảy ra các vụ án mạng hết sức đau lòng như: Con giết cha mẹ, cháu giết ông bà… Khi các cơ quan chức năng vào cuộc thì phát hiện hung thủ là đối tượng bị tâm thần.

NGƯỜI ĐIÊN GÂY ÁN

Trực tiếp làm việc với đối tượng Đặng Văn Trường (50 tuổi, ngụ ấp Bà Liêm, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, Trà Vinh) bị khởi tố, bắt giam về hành vi giết người, trung tá Sơn Việt Hùng, Phó phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Trà Vinh không giấu lo lắng.

“Ngày 10-7, chúng tôi đưa bị can Trường đi giám định tâm thần. Bị can có tiền sử bệnh tâm thần từ nhỏ. Gia đình không quan tâm điều trị. Vụ án như lời cảnh báo cho toàn xã hội về hậu quả khôn lường khi sống cạnh với người tâm thần”, trung tá Hùng nói.

Nghe bị can kể lại quá trình giết người hết sức lạnh lùng. Trường cho rằng, đàn gà ở nhà thường xuyên bị mất trộm. Chiều 2-7, bà Giang Thị Phận (68 tuổi, ngụ cùng địa phương) đi ngang nhà Trường. Thấy vậy, Trường cho rằng bà Phận đến tự nguyện hiến xác cho y.

“Khi bóp cổ dì Hai (tức bà Phận-PV) đến chết, tôi đập nát đầu của dì. Nếu không thì xác sẽ đi mất… Tôi còn tự nguyện ngồi giữ xác cho công an. Để không ai lấy trộm, tôi giấu xác trong lu đựng cám. Mấy anh công an phải trả tiền giữ xác cho tôi”, Trường hồn nhiên khai nhận.

Trường hợp bị can Trường ra tay giết hàng xóm bởi y sống một mình trong căn chòi rách. Khi thấy bà Phận đi ngang nhà liền ra tay sát hại. Hầu hết, những vụ án hung thủ có tiền sử bệnh tâm thần nạn nhân là người thân của hung thủ như ông bà, cha mẹ…

Sau thời gian điều trị bệnh tâm thần, Trần Hoàng Hiếu (39 tuổi, ngụ ấp Trương Thoại, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, Cà Mau) trốn viện về địa phương. Ban đầu, người thân và hàng xóm của Hiếu tỏ ra lo sợ. Dần dà, họ cũng thông cảm bởi Hiếu không phá phách, chửi rủi ai.

Khoảng 15 giờ 40 phút ngày 23-4, Hiếu phát “bệnh” khi đến nhà bà nội là bà Quang Thị Năm (93 tuổi). Bà Năm sống cùng con trai Trần Văn Thống, là chú của Hiếu. Vừa bước vào cửa, Hiếu đuổi đánh vợ chồng anh Trần Văn Phương (con ông Thống) làm anh Phương phải bỏ chạy ra vuông tôm.

Không đánh được vợ chồng anh Phương, Hiếu trở vô nhà đập phá cửa buồng ngủ, dùng đá đánh vào đầu bà nội khiến bà gục ngã tại chỗ. Theo lời kể của một số nhân chứng, sau khi đánh gục bà Năm, Hiếu bồng bà để ngoài trước nhà, rồi đi đến nhà ông Trần Văn Hòa và nói là đã đánh chết bà nội. Hàng xóm tri hô và đưa bà Năm đi cấp cứu. Tuy nhiên, do tuổi cao và vết thương quá nặng, bà Năm đã chết trước khi đưa đến trạm y tế.

Sau khi gây án, Trần Hoài Hiếu trốn vào nhà chị Quang Thị Đông, cùng ấp, dùng dây cột cửa sau, đóng cửa trước, hai tay cầm 2 búa cố thủ. Công an xã Biển Bạch cùng Công an huyện Thới Bình đã đột nhập vào nhà bắt được đối tượng sau 30 phút gây án.

Sau khi giết bà nội, Hiếu cầm búa cố thủ trước nhà.

Công an tỉnh Đồng Tháp cũng tiến hành trưng cầu giám định đối với Nguyễn Thanh Tâm (48 tuổi, ngụ phường 3, TP.Sa Đéc, Đồng Tháp), nghi phạm gây ra vụ giết người phân xác ở phường 3 và chém đứt lìa 2 ngón tay của Trung tá Phạm Văn Minh, Trưởng Công an phường 3, TP.Đồng Tháp.

Khoảng 5 năm trở lại đây, Tâm có dấu hiện tâm thần không ổn định nhưng gia đình không quan tâm điều trị. Chiều 7-4, ông Hồ Thanh Nhàn (59 tuổi, hàng xóm của Tâm) đi vào đất nhà Tâm nhưng không xin phép nên Tâm tức giận, dùng dao chém chết ông Nhàn.

Gây án xong, nghi phạm mang phần đầu của nạn nhân qua vườn của nhà ông Nguyễn Ngọc Minh (tổ trưởng khóm 3, phường 3) để phi tang. Lực lượng công an đến, Tâm dùng dao chém trọng thương Trưởng Công an phường.

Nguyễn Văn Tâm
Đặng Văn Trường
Bảnh Em

Theo thống kê của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hậu Giang, từ năm 2017 đến nay trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xảy ra 5 vụ giết người do người mắc các bệnh tâm thần gây ra.

Công an tỉnh Hậu Giang đã ra quyết định trưng cầu giám định tâm thần đối tượng Lâm Văn Bảnh Em (25 tuổi, trú xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A) về hành vi giết người.

Khoảng 23 giờ 45 ngày 5-6, một số người dân phát hiện nhà Lâm Văn Bảnh Em đang bốc cháy nên truy hô và cùng nhau xách nước chữa cháy. Sau gần 30 phút mới dập tắt được lửa. Khi mọi người vào nhà kiểm tra thì thấy xác bà Võ Thị Thủy (67 tuổi), mẹ của Bảnh Em, bên dưới lớp tro trong buồng ngủ.

Qua khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, bước đầu cơ quan chức năng xác định, bà Thủy chết trước khi bị cháy, trên đầu và mặt có 3 vết thương làm chấn thương sọ não dẫn tới tử vong. Ngày hôm sau, Em đã đến Công an xã Thạnh Xuân đầu thú và khai nhận chính mình đã chém tử vong mẹ ruột trong buồng ngủ rồi chất đồ phóng hỏa.

Trả lời lưu loát với điều tra viên bởi đã uống thuốc, Em thừa nhận: “Em bị bệnh tâm thần. Mỗi ngày, em phải uống thuốc điều trị. Mười ngày không uống thuốc em cứ nghe văng vẳng bên tay hai chữ giết người. Thực ra, em không nghĩ người em sát hại là mẹ của mình”.

CHỮA BỆNH BẮT BUỘC SAU KHI GÂY ÁN (?)

Luật sư Nguyễn Văn Đức, Phó trưởng Văn phòng luật sư Vạn Lý, TP.Cần Thơ cho biết, người mắc bệnh tâm thần được chia làm hai dạng, đó là: Người bị hạn chế Năng lực hành vi Dân sự hay người bị mất Năng lực hành vi Dân sự. Việc xác nhận họ bị hạn chế hay bị mất năng lực hành vi dân sự dựa trên quyết định của Tòa án trên cở sở yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan.

Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì theo quy định pháp luật Hình sự họ không phải chịu trách nhiệm hình sự ( Điều 21 BLHS năm 2015).

Trong trường hợp người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự (Khoản 2 Điều 49 BLHS năm 2015).

"Hiện nay người mắc bệnh tâm thần được quản lý, theo dõi, điều trị tại gia đình chiếm tỷ lệ lớn. Bởi do văn hóa, lối sống, đạo đức và thuần phong của người Việt ta có từ lâu. Tuy nhiên, việc giao cho gia đình quản lý đối tượng này đang hết sức khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với cộng đồng, cho xã hội, đây là lỗ hỏng trong việc quản lý cũng như quy định pháp luật", luật sư Đức nói.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2011/NĐ-CP về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần. Việc bắt buộc chữa bệnh này chỉ áp dụng trong phạm vi tố tụng hình sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi có hậu quả hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Như vậy, trách nhiệm đưa người bị bệnh tâm thần khi khám điều trị phải do sự tự nguyện của gia đình, nó phụ thuộc vào đều kiện hoàn cảnh kinh tế, sự e ngại không muốn cho mọi người biết có người nhà bị bệnh,.. Đây cũng là lý do, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng khi hung thủ là người bệnh tâm thần xảy ra gần đây.

Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần phải có quy định việc đưa người bị tâm thần đi chữa bệnh bắt buộc mới giảm thiểu vụ án mạng hết sức đau lòng. Đại tá Trương Ngọc Danh, Phó giám đốc Công an tỉnh Cà Mau: “Trước việc người bị bệnh tâm thần gây án xảy ra khá nhiều, chúng tôi có văn bản đề nghị công an địa phương thống kê người bị bệnh tâm thần. Sau đó, các cơ quan chức năng phân loại mức độ bệnh sẽ xem xét đưa đi chữa bệnh bắt buộc tránh vụ án đáng tiếc xảy ra”.

Các cơ quan chuyên môn khuyến cáo, những gia đình có người bệnh tâm thần thì bên cạnh việc quan tâm chăm sóc cần quản lý chặt các dụng cụ có tính gây sát thương, không để trong tầm mắt và tầm tay người bệnh, đồng thời đưa những trường hợp có các biểu hiện như thay đổi bất thường về hành vi, tính nết, ngủ ít, đi lang thang đến cơ sở y tế khám để phát hiện và điều trị sớm bệnh tâm thần, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Điều 606 Bộ luật dân sự quy định: “Khi người bị mắc bệnh tâm thần hay một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì phải được Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Khi đó thì cha, mẹ, vợ, chồng hoặc con của người đó sẽ trở thành người giám hộ đương nhiên.
Trường hợp không có người giám hộ đương nhiên thì UBND xã, phường, thị trấn nơi người bệnh cư trú có trách nhiệm cử hoặc đề nghị người giám hộ. Như vậy, kể cả trong trường hợp nếu người bị bệnh tâm thần được miễn trách nhiệm hình sự thì người giám hộ nếu không chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người mắc bệnh gây ra theo”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang