Vì sao cây xanh bị "bức tử"?

Kỳ 1: Bức xúc vì cây xanh bị "cạo trọc", xâm hại

Thứ Hai, 20/05/2024 15:49  | Hải Văn

|

(CATP) Trong khi hiện nay mảng xanh đô thị của TPHCM vừa ít vừa chậm bổ sung, phát triển thì tình trạng nhiều cá nhân xâm hại cây xanh và việc chặt cây xanh để phục vụ thi công các dự án giao thông khiến mảng xanh của thành phố càng teo tóp. Trong những tháng nắng nóng kinh hồn vừa qua, người dân càng thấy giá trị của những mảng xanh đô thị thiết thực như thế nào.

Cây xanh có vai trò rất quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường, tạo bóng mát… Thế nhưng vào thời điểm nắng gay gắt năm nay thì hàng trăm cây xanh tại TPHCM lại bị cắt gọt trơ thân, hàng trăm cây xanh khác bị những người thiếu ý thức hoặc quán xá đóng đinh, giăng mắc dây điện, treo biển quảng cáo, trám bít gốc cây…, khiến người dân lo lắng, bức xúc.

Cắt tỉa cành nhánh quá đà?

Mỗi lần đi qua khu vực gần chân cầu vượt Bà Hom trên QL1A thuộc P.Tân Tạo (Q.Bình Tân), nhiều người không khỏi xót xa vì gần chục cây xanh lớn bị cắt tỉa trụi lủi. Ông Nguyễn Văn Út (chạy xe ôm) ngao ngán, nói: "Mấy tuần trước, người ta cho người đến cắt tỉa hàng cây này. Lúc đầu, tui cứ tưởng họ chỉ tỉa cành, mé nhánh sơ sơ, ai dè họ cắt gọt hết trơn, cây sum suê giờ chỉ còn lại mỗi cái thân cụt ngủn. Giữa trưa nắng như thiêu như đốt thế này, cây xanh được coi như vị cứu tinh che mát cho người đi đường và anh em xe ôm chúng tôi. Giờ bị cắt không còn một cọng lá, chúng tôi rất khổ sở để tìm chỗ tránh nắng".

Cách cầu vượt Bà Hom khoảng 5km có gần chục cây xanh trước địa chỉ số 113 QL1A, P.Bình Hòa (Q.Bình Tân) cũng bị cắt trụi cành không thương tiếc. Khu vực hàng cây này có nhà dân sinh sống và một điểm dừng, đỗ xe buýt, cây bị cắt trụi lủi khiến người dân phải chật vật tìm bóng râm giữa trời nắng gắt.

Được biết, những hàng cây bị cắt trụi cành ở trên do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO-IDI quản lý. Theo công ty này, việc cắt tỉa những cây xanh trên được thực hiện theo yêu cầu của Công ty Điện lực Bình Phú, nhằm bảo đảm an toàn cho đường dây trung thế 22KV chạy bên trên. Anh Nguyễn Trung Tín (ngụ Q.Bình Tân) nói: "Đơn vị điện lực yêu cầu cắt tỉa cây xanh nhằm bảo đảm an toàn cho lưới điện là hợp lý. Tuy nhiên, giữa thời tiết nắng nóng thế này, khi cắt tỉa cũng cần tính đến việc chừa lại một số cành nhánh để tạo bóng mát cho người dân. Chứ cắt tỉa kiểu "gọt" trụi lủi như vậy thì không chấp nhận được".

Giữa cái nắng chói chang, hàng cây lại bị cắt trụi cành trên Quốc lộ 1A, Q.Bình Tân

Hàng chục cây xanh trên đường Quang Trung (Q.Gò Vấp) cũng bị cắt tỉa cành gần hết. Nhiều nhất là từ ngã ba Quang Trung - Lê Văn Thọ đến ngã tư Quang Trung - Phạm Văn Chiêu, hàng chục cây xanh được tỉa cành, mé nhánh gọn gàng, nhưng cũng có nhiều cây bị cắt gọt quá đà. Tương tự, nhiều cây xanh trên một số tuyến đường như: Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh), Hoàng Sa (Q3)... cũng bị cắt tỉa trụi lủi, trông mất mỹ quan và không còn những tán lá xanh che mát. Không khỏi bức xúc, chị Lê Thị Hoa (ngụ Q.Gò Vấp) nói: "Trồng cây xanh là để điều hòa khí hậu, tạo bóng mát. Chứ trồng cây xanh rồi để "cạo trọc" thì trồng làm gì cho mất công, tốn kinh phí?".

Nạn xâm hại cây xanh

Để quản lý cây xanh đô thị, ngày 20/12/2005, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 20/2005/TT-BXD quy định: cấm tự ý chặt hạ, di dời, ngắt hoa, bẻ cành, chặt rễ, cắt ngọn, khoanh vỏ, đốt lửa đặt bếp, đổ rác, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây. Không được tự ý xây bục, bệ bao quanh gốc cây, giăng dây, giăng đèn trang trí, đóng đinh, treo biển quảng cáo trái phép... trên thân cây. Thông tư số 20 quy định là vậy, nhưng hiện có rất nhiều cá nhân, đơn vị ngang nhiên xâm hại, thậm chí "bức tử" cây xanh.

Để thu hút khách, nhiều hàng quán trên các tuyến đường Nguyễn Văn Lượng, Phan Văn Trị, Quang Trung, Nguyễn Oanh, Nguyễn Thái Sơn, Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp)... tận dụng những hàng cây hai bên đường để treo biển quảng cáo, giăng mắc đèn LED vô tội vạ. Điển hình, nhiều cây xanh trước quán bida Hawaii (đường Nguyễn Văn Lượng), quán cà phê Du Miên (đường Phan Văn Trị)... bị giăng mắc đủ loại đèn nháy, thân cây bị quấn hàng chục vòng đèn LED xung quanh. Được xem là "thủ phủ” của quán cà phê, quán ăn nhậu của Q.Phú Nhuận, hai bên các tuyến đường Phan Xích Long, Trường Sa... nhiều cây xanh bị "hành" vì đóng đinh, treo mắc tờ rơi, biển quảng cáo, gốc cây bị đổ xà bần, rác rưởi; một số khác thì bị "trói" bởi cả "rừng" dây điện, bóng đèn, ổ cắm điện.

Nhiều cây xanh trên đường Quang Trung, Q.Gò Vấp cũng bị cắt tỉa cành trụi lủi

Nhiều cây xanh trên các tuyến đường Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh)... bị quán xá, tiệm sửa xe treo mắc các loại đèn LED, biển quảng cáo, lốp xe, vòi hơi; nhiều cây còn bị đổ dầu máy, nhớt xe, nước bẩn vào gốc. Bồn cây bị chiếm dụng làm nơi vứt rác, chứa thùng xốp, treo bạt, dựng xe đẩy, buôn bán hàng rong... trông xấu xí, nhếch nhác. Nhiều cây xanh trên đường Trường Sa (Q.Phú Nhuận), Hoàng Sa (Q3), Vĩnh Khánh (Q4)... còn bị dây thép gai, vải, tấm kẽm "trói" quanh thân, tạo cảm giác "muốn ngộp thở".

Mảng xanh dẫn vào Khu du lịch Tân Cảng (Q.Bình Thạnh) bị nhiều người chiếm dụng làm nơi buôn bán, đổ xà bần, rác rưởi. Cây xanh, thảm cỏ trước Công viên Lê Thị Riêng (Q10) thì bị nhiều người lấn chiếm làm nơi buôn bán, vứt rác. Tại các quận 5, 10, 11... cũng có hàng trăm cây xanh, thảm cỏ bị giẫm đạp, xâm hại; thân bị đẽo gọt, đóng đinh treo biển quảng cáo, gốc thì bị đổ xà bần, rác rưởi, nước bẩn. Một số gốc cây xanh bị xi măng trám kín mít, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bình thường của cây.

Teo tóp mảng xanh

TPHCM hiện có khoảng 400 công viên cây xanh với hơn 235.000 cây xanh. Tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn thành phố có khoảng 11.369 héc-ta đất công viên và cây xanh. Với dân cư thường trực khoảng 10 triệu người, tỉ lệ đất công viên cây xanh tại TPHCM chỉ đạt bình quân ở mức 0,55m2/người, thấp hơn rất nhiều so với Quy chuẩn xây dựng Việt Nam (7m2/người). Trong khi đó, tỉ lệ đất công viên cây xanh của Hà Nội là 2,06m2/người, Đà Nẵng 2,4m2/người, Hải Phòng 3,41m2/người..., cao hơn nhiều lần so với TPHCM. Một trong những nguyên nhân khiến TPHCM thiếu cây xanh là do cây xanh trồng mới chưa đủ bù cây xanh bị đốn hạ, nhất là việc đốn hạ để thực hiện các dự án giao thông.

Nhiều cây xanh bị treo, mắc đủ thứ trên thân

Để mở rộng gần 800m đường vào sân bay Tân Sơn Nhất, mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (trực thuộc UBND TPHCM) đã cho đốn hạ, di dời gần 100 cây xanh trên đường Hoàng Hoa Thám, đoạn từ đường Cộng Hòa đến sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi hoàn thành, tuyến đường này được đồng bộ với dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa và nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất.

Khi thi công công trình hạ tầng, trạm xe buýt kết nối với tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), đơn vị thi công đã di dời, đốn hạ gần 200 cây xanh dọc đường Võ Nguyên Giáp (TP.Thủ Đức). Số cây xanh trên bị di dời khiến đoạn đường này vốn đã thiếu cây xanh nay càng thêm nóng nực, nhất là khi nắng gắt. Cũng tại TP.Thủ Đức, có tới 1.519 cây xanh trên đường Mai Chí Thọ bị chặt khi xây dựng nút giao An Phú. Mới đây, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) gửi thông báo đến các đơn vị về việc thực hiện chặt hạ, di dời 453 cây xanh trên các tuyến đường: Cách Mạng Tháng Tám, Lê Lai, Phạm Hồng Thái, Sương Nguyệt Anh... để thực hiện Dự án tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Còn nhớ trước khi được chỉnh trang, Công viên Bến Bạch Đằng (Q1) có hàng trăm cây xanh được trồng. Sau khi chỉnh trang, số cây xanh trên hầu hết bị di dời, đốn hạ. Vào năm 2017, TPHCM cho di dời, đốn hạ 258 cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng (Q1) để có mặt bằng thi công cầu Ba Son (phía Q1). Tương tự, để nâng cấp, mở rộng đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh), hàng trăm cây xanh cũng bị di dời, đốn hạ.

Nhiều cây xanh sau khi di dời được bứng về dưỡng tại Trường Đại học Nông lâm TPHCM, Vườn ươm Đông Thạnh (H.Hóc Môn), Công viên Gia Định (Q.Gò Vấp), Công viên Văn Lang (Q5), sau đó sẽ trồng trở lại. Tuy nhiên, sau khi đưa về vườn ươm, nhiều cây đã chết hẳn, chỉ còn thân nhánh khô.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang