(CAO) Ngày 11-4, ông Nguyễn Đức Phi, Chủ tịch UBND xã Ia Glai (huyện Chư Sê, Gia Lai) xác nhận, đến ngày 11-4, bà Ngô Thị Đào - người điều hành Doanh nghiệp tư nhân Sáu Đào vẫn chưa trở về địa phương.
Hiện qua thống kê từ các ngân hàng và các hộ dân có đơn trình báo, số tiền Doanh nghiệp tư nhân Sáu Đào còn nợ lên đến hơn 50 tỷ đồng. Trong ngày 10-4, UBND xã phát thông báo về tận các thôn, làng cho người dân biết nếu còn bị doanh nghiệp trên nợ thì đến Công an huyện Chư Sê trình báo.
Người dân vẫn còn vây Doanh nghiệp tư nhân Sáu Đào
“Theo thông tin tôi nắm được, vào đêm 8-4 doanh nghiệp có thuê xe tới nhà để tẩu tán một số hàng nông sản. Đến ngày 9-4 thì bà Đào bỏ trốn cho đến bây giờ”, ông Phi cho biết thêm.
Là 1 doanh nghiệp làm ăn có uy tín trên địa bàn lâu nay, nên rất nhiều người dân bán chịu và ký gửi nông sản cho bà Đào. Trong đó, có rất nhiều người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.
Nói về lý do vỡ nợ, bà Đào để lại 1 bức thư nói rõ lý do: “Trong 20 năm buôn bán, tiền vốn chủ yếu là đi vay ngân hàng và mượn ngoài. Tiền lãi liên tục tăng, cộng với trồng tiêu thất bại, các khoản nợ không thu được. Tiền vay ngân hàng đến hạn trả, tiền thu được không đủ trả tiền lãi khiến doanh nghiệp không trụ được nữa”.
Tâm thư của người vợ trước khi bỏ trốn cùng khoản nợ
(CAO) Sáng ngày 10-4, nghe tin chủ doanh tư nhân Sáu Đào chuyên thu mua nông sản rời khỏi địa phương, không rõ tung tích, người dân ký gửi và bán nợ nông sản đã kéo nhau vây kín cơ sở.
Qua thư, bà Đào mong gia đình và các bạn hàng hãy tha thứ. Số nợ của doanh nghiệp, bà Đào mong chồng và con trả nợ cho mọi người.
Trước đó, sáng ngày 10-4, Doanh nghiệp tư nhân Sáu Đào (thôn Vườn Ươm, xã Ia Glai, huyện Chư Sê, Gia Lai) vỡ nợ, người điều hành doanh nghiệp rời khỏi địa phương, không rõ tung tích, người dân ký gửi và bán nợ nông sản đã kéo nhau vây kín cơ sở này. Công an huyện Chư Sê kết hợp Công an xã Ia Glai đã huy động lực lượng để giữ gìn trật tự an ninh, điều tra vụ việc.
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Gia Lai xuất hiện liên tiếp nhiều cơ sở nhận ký gửi, mua bán nông sản tuyên bố vỡ nợ một cách khó hiểu. Hệ lụy của những lần bể nợ kiểu này, khiến nông dân đem ký gửi nông sản rơi vào cảnh trắng tay, rất ít người đòi lại được tiền dù chỉ là một ít. Còn các chủ cơ sở nhận ký gửi tuyên bố vỡ nợ các cơ quan chức năng khó xử lý, vì phần lớn là vụ việc mang tính chất dân sự.