Cuối năm ngư dân lại ra khơi bám biển Hoàng Sa, Trường Sa

Thứ Sáu, 15/01/2016 07:31  | Hải Đường

|

(CAO) Dù liên tục bị tàu lạ xua đuổi, đâm chìm, phá ngư cụ gây thiệt hại cho ngư dân miền Trung nhưng nhiều tàu thuyền công suất lớn ở Quảng Nam vẫn tiếp tục vươn khơi, bám biển nhằm tạo nên những “cột mốc” sống ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa trong những ngày cuối năm.

Những “cột mốc” sống trên biển

Với quyết tâm vươn khơi bám biển bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, những đội tàu cá hùng mạnh của ngư dân Quảng Nam đã cùng nhau tạo nên những “cột mốc” sống trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Ngư dân Huỳnh Văn Tạo bên tàu cá của mình chuẩn bị ra khơi

Ngư dân Huỳnh Văn Tạo (51 tuổi, trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) cho biết: “Tôi có 30 năm đánh bắt thủy hải sản ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa nhưng chúng tôi rất lo lắng khi đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa vì thường xuyên bị lực lượng hải giám và tàu cá võ sắt của ngư dân Trung Quốc liên tục uy hiếp và họ tìm mọi thủ đoạn để phá công cụ sản xuất, rượt đuổi tàu cá ngư dân mình. Nhất là vào ban đêm, khi tàu cá neo đậu nghỉ ngơi lúc nào anh em cũng thay phiên nhau trực cảnh giác tàu cá Trung Quốc, vì lo sợ họ bơi thúng đến cắt dây neo và nhảy lên tàu cắt lưới, cướp ngư cụ của mình”.

Ông Tạo nói thêm, nhiều lúc chúng tôi phát hiện ra luồng cá và tiến hành thả lưới đánh bắt nhưng liên tục bị tàu của Trung Quốc xua đuổi nên phải bỏ chạy, mỗi lần như vậy có khi thất thu cả trăm triệu đồng nhưng chúng tôi vẫn không sợ, vẫn bám biển vì đó là vùng biển của chúng ta. Nếu mình không hiện diện tại vùng biển đó thì Trung Quốc được đà lấn tới, từ đó mất luôn ngư trường.

Thẳng tiến ra ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa

Ngư dân Phạm Văn Tám, Chủ tàu cá QNa 90779 TS cho biết: “Tàu tôi đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm và hơn 1.000 cây đá. Dù thời tiết năm nay, gió thổi theo hướng tây bắc nên việc đi biển cũng khó khăn, nhưng bù lại có nhiều loại hải sản như: tôm, cá, mực…, theo dòng chạy hải lưu ở trăm hải lý trở lên nên những tàu có công suất lớn mới đánh bắt được. Vì thế, mà nhiều tàu cá của ngư dân đồng loạt ra khơi đánh bắt hải sản. Dự kiến, đến ngày 25 tết tàu tôi trở về đất liền với hy vọng tàu chở đầy ắp cá để phục vụ cho bà con nhân dân trong bờ và còn cho anh em bạn có đồng vốn để đón tết sum họp bên gia đình”.

Ngư dân Tám đang chuẩn bị lái tàu cá và hơn 10 thuyền viên ra ngư trường Trường Sa đánh bắt hải sản

Còn ngư dân Huỳnh Văn Chinh, chủ tàu cá QNa 90609 TS, trú thôn Phước Lộc, xã Tam Tiến cho biết: “Tàu cá tôi cũng tất bật chuẩn bị ngư cụ, lương thực để ra khơi đánh bắt hải sản với hy vọng trúng được mẻ cá lớn cho các anh em thuyền viên có nguồn thu nhập mua sắp đồ đạc chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc”.

“Xã Tam Quang có tổng số 370 chiếc tàu cá lớn, nhỏ, trong đó có 110 chiếc tàu có công suất lớn đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa. Trong năm 2015, tàu cá trên địa bàn xã đánh bắt được hơn 17 nghìn tấn hải sản. Ngay từ đầu năm 2016, hàng chục tàu cá của ngư dân ở xã đã khơi đánh bắt hải sản, còn một số tàu cá đang chuẩn bị sửa soạn lại dụng cụ cũng chuẩn bị vươn khơi. Ngoài ra, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các ngư dân vươn khơi bám biển bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Nguyễn Tin, Bí thứ Đảng ủy xã Tam Quang, huyện Núi Thành thông tin.

Ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Quảng Nam cho biết, trước thông tin về các tàu cá của ngư dân miền Trung thời gian này liên tục bị tàu phía Trung Quốc đâm chìm, phá ngư cụ. Cần lên tiếng trước hành động trên và yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường những thiệt hại đã gây ra cho tàu cá của ngư dân Việt.

Các ngư dân đang vận chuyển lương thực, thực phẩm và đá lạnh lên tàu cá

Hội nghề cá tỉnh này đang tổ chức động viên, trấn an tinh thần ngư dân ven biển của tỉnh và tiếp túc tuyên truyền nhằm giúp ngư dân biết được những tình huấn và cách đối phó trên biển khi gặp sự cố.

Ngoài ra, các ngư dân không nên hoạt động riêng lẻ mà phải hoạt động thành tổ hoặc đội trên biển nhằm bảo vệ lẫn nhau, phải thường xuyên liên lạc qua lại và với các cơ quan thực thi trên biển, bờ nhằm được bảo vệ tốt hơn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang