(CATP) Đặt cọc hơn 2,3 tỷ đồng để mua đất nhưng rốt cuộc tiền không lấy lại được mà đất cũng không có, đó là tình cảnh "dở khóc, dở cười" của những người trong cuộc. Đến khi mọi việc vỡ lở, họ mới hay bên bán đã dùng nhiều thửa đất đứng tên người khác để bán cho mình, rồi tỉnh bơ nhận tiền và hứa hẹn...
Trong đơn khiếu nại gởi tòa soạn Báo Công an TPHCM, đại diện nhóm bạn, anh Lương Hồng Vân (SN 1971, ngụ huyện Trảng Bom, Đồng Nai) đã trình bày vụ việc. Do có nhu cầu mua đất để kinh doanh, đầu tháng 7-2020, anh cùng hai người bạn là Tăng Mạnh Huy (SN 1978) và Hoàng Minh Hải (SN 1982) mua phần đất diện tích khoảng 15 ha của vợ chồng Nguyễn Quốc Thịnh (SN 1981) và Huỳnh Thị Huệ (SN 1983, cùng ngụ TP.Phan Thiết, Bình Thuận) với số tiền hơn 4,6 tỷ đồng.
Theo lời ông Thịnh, nguồn gốc đất được vợ chồng ông nhận quyền chuyển nhượng đất từ các hộ dân tại khu vực Kênh nước, thuộc thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận bằng giấy tay và đã được tiến hành thủ tục làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ - gọi tắt là sổ đỏ). Sau khi quyết định đi đến thỏa thuận giao dịch, ông Thịnh giao cho anh Vân hợp đồng chuyển nhượng giấy tay (bản chính) cùng 8 thửa đất. Trong đó, vợ chồng ông Thịnh chỉ đứng tên 2 thửa đất số 24 và 51.
Được biết, đối với hai thửa đất này, ông Thịnh đã 2 lần nhận tiền đền bù khi chính quyền đào kênh dẫn nước qua đất. Còn 6 thửa còn lại, ông Thịnh khẳng định rằng: đang nộp tại Văn phòng Đăng ký đất đai để đổi và gia hạn sổ đỏ. Theo nội dung giấy đặt cọc giữa đôi bên lần đầu tiên ngày 2-7-2020, ông Thịnh cam kết sẽ làm thủ tục gia hạn sổ đối với 2 sổ đã hết thời hạn, đồng thời sẽ giao một số còn lại vào ngày 14-8-2020. Tuy nhiên, ông Thịnh đã viện nhiều lý do để kéo dài thời gian. Đồng thời, ông này cũng yêu cầu nhóm ông Vân phải tiếp tục đặt thêm tiền cọc thì mới có thể lấy được sổ.
Anh Vân bên khu đất đã mua của ông Thịnh
Vì cũng mong muốn được nhận giấy tờ chuyển nhượng chính thức nên nhóm anh Vân không còn cách nào khác là đáp ứng theo yêu cầu của vợ chồng ông Thịnh. Qua nhiều lần thực hiện việc chuyển tiền cọc, tính đến ngày 17-9-2020, nhóm của anh Vân đã chuyển tổng cộng 1/2 số tiền mua đất (tức hơn 2,3 tỷ đồng, cả giao tiền mặt và chuyển khoản) cho ông Thịnh và tiếp tục nhận được lời hứa đến ngày 24-9-2020 sẽ bàn giao hết sổ, ra công chứng sang tên toàn bộ phần đất nói trên.
Tiếp sau đó, để làm tin ông Thịnh đã thế chấp 1 GCNQSDĐ có số tờ bản đồ: 03, số 316, diện tích 165m2 KP.Lương Nam, TT.Lương Sơn cho anh Vân. Đến hẹn vẫn không thấy phía ông Thịnh thực hiện yêu cầu, anh Vân vô cùng sốt ruột. Trong lần gặp mặt ngày 14-10-2020, ông Thịnh ký cam kết 30 ngày sau (tức đến ngày 14-11-2020) sẽ bàn giao tất cả GCNQSDĐ và tên chứng chỉ cho nhóm anh Vân. Một lần nữa, anh Vân cùng những người bạn lại kiên nhẫn chờ đợi nhưng quá thời hạn, vợ chồng ông Thịnh vẫn không có động tĩnh gì.
Điều đáng nói là khi nhóm anh Vân chủ động tìm gặp và gọi điện hỏi thăm sự việc thì vợ chồng ông này né tránh. Đến nước này, anh Vân mới tá hỏa khi biết vợ chồng ông Thịnh đã cấu kết với chủ đất cũ, mua bán giấy tay, làm GCNQSDĐ rồi bán chuyển nhượng cho nhiều người nhằm chiếm đoạt tiền. Anh Vân cho biết: "Rõ ràng, vợ chồng ông Thịnh đã có hành vi gian dối, lợi dụng sự tin tưởng của chúng tôi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện, số tiền hơn 2,3 tỷ đồng vợ chồng ông Thịnh đang giữ nhưng hồ sơ giấy tờ đất có liên quan vẫn còn rất mập mờ nếu không muốn nói là đang lừa chúng tôi.
Hơn bất cứ lúc nào, nhóm anh Vân mong muốn vợ chồng ông Thịnh phải thực hiện ngay nội dung giấy cam kết cuối cùng vào ngày 14-10-2020, đó là trả lại tiền cọc hơn 2,3 tỷ đồng; đồng thời đền bù hợp đồng với số tiền tương đương; tổng cộng là hơn 4,6 tỷ đồng (đúng số tiền thỏa thuận mua đất). Cũng theo trình bày của nhóm anh Vân thì việc lấy đất mà ông Thịnh hứa bán là việc không thể bởi hầu hết các mảnh đất đều thuộc chủ sở hữu của người khác chứ không phải của ông Thịnh như đã khẳng định ban đầu.
Để xác minh vụ việc, chúng tôi đã có buổi làm việc với UBND xã Hòa Thắng. Theo ông Đặng Huy Thông - Chủ tịch UBND xã, toàn bộ vụ việc có liên quan đến việc mua bán đất nói trên, UBND cũng đã nhận đơn trình báo từ phía người mua, tuy nhiên đây là giao dịch dân sự, vượt thẩm quyền giải quyết của xã nên xã chỉ ghi nhận và hướng dẫn đương sự liên hệ với các cấp có thẩm quyền giải quyết.
Phóng viên Báo Công an TPHCM cũng đã liên hệ với Văn phòng đăng ký đất đai huyện Bắc Bình thì được cho hay, Phòng cũng nhận được đơn của công dân và cả đơn yêu cầu xác minh của Công an tỉnh Bình Thuận nhưng do chỉ là yêu cầu xác minh nguồn gốc đất nên chúng tôi đã trả lời theo thẩm quyền. Riêng các thửa đất được vợ chồng ông Thịnh đã giao dịch (như đã đề cập ở trên) phần lớn đều thuộc quyền sở hữu của người khác.
Điều này cho thấy, việc vợ chồng ông Thịnh dùng đất của người khác để bán cho nhóm anh Vân có dấu hiệu hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có cơ sở. Thiết nghĩ, cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận sớm vào cuộc làm rõ vụ việc, đảm bảo quyền lợi cho những người khiếu nại.