(CAO) Sau khi hay tin TPHCM nới lỏng giãn cách xã hội, gần trăm người dân ùn ùn đi xe máy về quê tránh dịch, đến địa bàn TP.Thủ Đức thì bị CSGT chặn lại, kiểm tra.
Người dân bị kẹt lại ở TP.Thủ Đức nhiều giờ.
Sáng 30/9, khoảng 100 người dân đi xe máy mang theo hành lý tập trung tại Bến xe Miền Đông mới để về quê tự phát, sau thông tin TPHCM nới lỏng giãn cách, nhưng bị lực lượng chức năng chặn lại.
Do chưa được chính quyền thành phố cho phép nên lực lượng công an, quân đội đã có mặt ngăn người dân không tự ý về.
Ông Nguyễn Văn Tiền đứng bên cạnh chiếc xe máy có treo chiếc bàn thờ và di ảnh của vợ buồn bã chia sẻ, ông cùng con trai mang theo hài cốt vợ về quê Đồng Nai.
Ông Tiền với giấy báo tử của vợ.
Theo ông Tiền, nếu bây giờ không về thì cũng không thể quay trở lại nữa vì đã trả phòng trọ, hơn nữa nợ tiền trọ vẫn chưa trả hết nên không còn cách nào khác.
“Vợ tôi mất hơn 1 tháng nay vì COVID-19. Nghe thành phố nới lỏng giãn cách, tôi cùng con trai mang tro cốt bà ấy về quê nhà nhưng bị chặn lại chỗ này, mấy tháng nay bị mắc kẹt, cuộc sống khó khăn quá.
Vợ tôi mắc COVID-19 và mất khiến hai cha con rất đau buồn, mong ngày thành phố cho về quê càng sớm càng tốt. Giờ nguyện vọng của tôi là đưa tro cốt của vợ về quê để vợ tôi được ở bên gia đình, con cháu”, ông Tiền khóc kể lại.
Ông Tiền mang tro cốt của vợ về quê.
Mang theo giường xếp để ngủ trên đường về quê, anh Lê Thái Quân cho biết về Nghệ An với chặng đường quá xa nên mang theo giường để ngủ. Anh chia sẻ mấy tháng nay 'trụ hết nổi rồi' nên phải về quê.
Trong sáng nay, nhiều người cũng mang theo con nhỏ di chuyển bằng xe máy về quê nhưng bị chặn lại. Nhiều người tỏ ra mệt mỏi, nằm dài trên xe máy.
Lực lượng chức năng đã lấy thông tin từng người dân để nắm bắt nguyện vọng, và chờ ý kiến chỉ đạo của TP.
Một số hình ảnh PV Báo Công an TPHCM ghi nhận được:
Người dân tự phát về quê bị kẹt lại ở TP.Thủ Đức
Trẻ em mệt mỏi.
Công an ghi thông tin của người dân.
Người dân không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố; xe cá nhân chỉ được phép lưu thông trong phạm vi thành phố
Sáng 30/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tại TPHCM kể từ ngày 1/10.
Tại cuộc họp, thông tin thêm về việc kiểm soát phương tiện đi lại từ ngày 1/10, Đại tá Nguyễn Sĩ Quang, Phó giám đốc Công an TPHCM cho biết, thời gian tới tất cả các chốt nội đô được giải tỏa, tuy nhiên Công an TP duy trì 12 chốt chính ở các cửa ngõ TP và 39 chốt phụ giáp ranh các tỉnh lân cận. Công an TP sẽ phối hợp với công an các địa phương tiếp tục kiểm tra phương tiện, người tham gia lưu thông bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực.
Đại tá Nguyễn Sĩ Quang, Phó giám đốc Công an TPHCM thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Linh Nhi
UBND TPHCM lưu ý, người dân không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác. Trường hợp cấp thiết cần đi lại liên tỉnh phải thực hiện theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải. Công an TP sẽ kiểm soát và xử lý nghiêm trường hợp người dân tự ý vượt chốt.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình cho rằng, việc kiểm soát chặt là vì an toàn của người dân TPHCM và các tỉnh lân cận. “Mỗi tỉnh thành có độ phủ vắc xin khác nhau, việc hạn chế người dân đi lại giữa các tỉnh để đảm bảo sức khỏe của người dân. Do đó, nếu không có việc cần thiết thì người dân cần hạn chế tối đa việc di chuyển tới các chốt, việc này cũng là tạo điều kiện để ưu tiên cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm, nhằm đảm bảo việc cung ứng hàng hóa và sản xuất kinh doanh”, ông Lê Hòa Bình nhấn mạnh.
Đối với người dân đi lại trong nội thành, việc kiểm soát thông qua tuần tra kiểm soát đột xuất trên đường, ngẫu nhiên 24/24h. Công an TP có thể thành lập một số chốt lưu động để kiểm tra và tổ chức cả test nhanh y tế.
“Trẻ em dưới 18 tuổi hiện đang học online, chưa có việc cần thiết không để các em ra đường, không tham gia lưu thông bằng xe máy. Trẻ em khi chưa tiêm vắc xin thì không để các em tự ý ra đường làm ảnh hưởng tới sức khỏe”, ông Lê Hòa Bình nói thêm.
Người nước ngoài khi nhập cảnh vào TPHCM tiến hành khai báo y tế tại cửa khẩu và sau đó sử dụng mã QR hoặc giấy tờ thay thế cho các hoạt động tại TP.
Hoạt động vận tải hành khách đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn Thành phố phù hợp với cấp độ dịch bệnh của từng khu vực, địa phương, theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải. Phương tiện giao thông cá nhân chỉ được phép lưu thông trong phạm vi TP.
Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh (đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, đường hàng không) theo lộ trình phù hợp với kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải và quy định của Bộ Y tế.
Hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe mô tô có sử dụng công nghệ kết nối với hành khách (shipper) thực hiện theo hướng dẫn của Sở Công Thương.