(CATP) Tưởng rằng mua được bất động sản (BĐS) tốt từ chủ đầu tư uy tín, nhưng sau gần 4 năm ký thỏa thuận, hợp đồng mua bán vẫn không được ký kết vì pháp lý dự án có nhiều vấn đề không rõ ràng. Đến nay, hàng trăm "thượng đế” đã bị biến thành "con nợ xấu" của ngân hàng, có người đã bước lên "nợ nhóm 5", thậm chí có người đã nghĩ đến tình huống tiêu cực do bị áp lực trả nợ. Đó là tình cảnh của nhiều hộ dân khi đầu tư vào dự án Khu đô thị dịch vụ thương mại Cù lao Phước Hưng, thuộc P.Tam Phước, TP.Biên Hòa tỉnh Đồng Nai.
Mua nhà nhưng… được nợ xấu
Sau khi nhận được đơn phản ánh tập thể của gần 300 hộ dân hiện đang mua BĐS tại Khu đô thị dịch vụ thương mại (KĐT) Cù lao Phước Hưng, phóng viên Báo Công an TPHCM đã tìm hiểu và có được những thông tin về nỗi khổ của những người dân lỡ "dính" vào dự án "tai tiếng" này.
Đầu tiên là ông Phạm Ngọc Hiệp (SN 1957, ngụ tại Q7, TPHCM) cho biết: Năm 2021, ông Hiệp nhận được cuộc gọi tư vấn từ nhân viên của một công ty kinh doanh BĐS có thương hiệu lớn, chào bán sản phẩm tại dự án KĐT Cù lao Phước Hưng. Theo đó, sau khi được bên bán giới thiệu pháp lý, giao nhà đất đúng thời hạn và nhất là bên Ngân hàng lại đứng ra đảm bảo cho khoản vay lên tới 70%, ông Hiệp đã ký thỏa thuận mua một căn biệt thự song lập tại đây với diện tích khuôn viên 360m2, diện tích sàn sử dụng 350m2 tại khu 5, lô SV5-09, tiêu chuẩn sản phẩm là "hoàn thiện cơ bản mặt ngoài - thô bên trong". Căn biệt thự trên tổng giá trị quyền sử dụng đất và giá trị xây dựng hơn 38 tỷ đồng. Thời gian nhận nhà là 2 năm kể từ ngày ký thỏa thuận. Theo đó, ông Hiệp đã trả hơn 9,5 tỷ đồng tiền mặt, ký nhận nợ hơn 15,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến tháng 02/2024, dự án này vẫn là một khu đất trống, chưa có một hạng mục nào được thực hiện. Cũng thời điểm này, chủ đầu tư thông báo đã hết thời gian hỗ trợ lãi suất nên ông Hiệp phải thanh toán lãi suất cho ngân hàng hơn 150 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Phú Thịnh và Đặng Hữu Khoa trình bày tại Báo Công an TPHCM
Cũng với hình thức trên, năm 2021, bà Lê Thị Thu Nga (SN 1966, ngụ tại Q.Phú Nhuận, TPHCM) ký thỏa thuận mua căn biệt thự song lập tại dự án này với diện tích 225m2, giá hơn 13,8 tỷ đồng. Thực hiện thỏa thuận, bà Nga đã trả hơn 3,4 tỷ tiền mặt và gần 5,6 tỷ tiền vay từ ngân hàng liên kết với chủ đầu tư. Đến nay, nhà đất thì không thấy đâu, trong khi tiền lãi lên đến gần 100 triệu đồng/tháng. Do không có khả năng trả lãi ngân hàng nên "thượng đế” đã bị biến thành "con nợ xấu" thuộc nhóm 5.
Khốn cùng vì nợ
Một hoàn cảnh tương tự là ông Nguyễn Phú Thịnh (SN 1970, ngụ tại Q12, TPHCM). Ông Thịnh thỏa thuận mua căn biệt thự song lập diện tích 192m2 với tổng giá nhà và đất hơn 13,5 tỷ đồng tại dự án này. Sau khi ký thỏa thuận, ông Thịnh đã trả hơn 3,4 tỷ đồng tiền mặt; ký nhận nợ ngân hàng hơn 5,4 tỷ đồng. Hiện, ông Thịnh đã bị đưa vào danh sách "nợ xấu thuộc nhóm 5".
Bà Nguyễn Thị Hường (SN 1983, ngụ tại Hà Nội) cũng mua một căn nhà phố liền kề tại dự án KĐT Cù lao Phước Hưng với tổng giá hơn 9,1 tỷ đồng. Hiện tại, bà Hường đã thanh toán gần 5,5 tỷ đồng, trong đó có 1,8 tỷ tiền mặt, 3,65 tỷ tiền vay nợ ngân hàng và hiện tại không đủ khả năng trả nợ nên ngân hàng đã đưa vào danh sách "nợ xấu nhóm 5". Tương tự, bà Trần Thị Tú Anh (SN 1989, ngụ tại Q.Bình Thạnh) đã thỏa thuận mua căn nhà phố liền kề diện tích 120m2 với tổng số tiền hơn 9,1 tỷ đồng từ năm 2021. Theo đó, bà Tú Anh đã trả hơn 1,5 tỷ tiền mặt vay ngân hàng và giải ngân cho bên bán 3,66 tỷ. Đến thời điểm hiện tại thì nhà cũng không được nhận và nợ ngân hàng mỗi tháng phải trả hơn 50 triệu đồng. Bà Tú Anh cũng bị phía ngân hàng xếp vào danh sách "nợ xấu nhóm 5". Thậm chí có nạn nhân tên Nguyễn Thị Đường do bị áp lực căng thẳng đã đổ bệnh và mất vào ngày 09/4/2024, bao nhiêu tiền gom góp cả đời đã đổ hết vào hy vọng mua được căn nhà để ở tại Cù lao Phước Hưng, nhưng nhà thì không thấy đâu, nay phải gánh thêm gói nợ ngân hàng nhiều tỷ đồng và không chịu nổi áp lực bị đòi nợ hàng ngày.
Trên đây là những hộ dân điển hình trong số hàng ngàn nạn nhân đã lâm vào cảnh khốn cùng của nợ xấu ngân hàng khi mua nhà tại dự án KĐT Cù lao Phước Hưng. Đặc biệt, mới đây các nạn nhân đã gửi đơn phản ánh lên đến cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai thì được trả lời bằng văn bản: "Khu đất trên chưa đủ điều kiện để mở dự án... vì dính với quy hoạch phân khu C4 của tỉnh Đồng Nai".
Như vậy, đối với họ bây giờ, nhà đất thì không nhận được và không biết phải chờ đến bao giờ, trong khi mỗi tháng đều phải trả hàng trăm triệu đồng tiền lãi suất. Hiện, người dân đang làm đơn kêu cứu gửi nhiều nơi, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi khi có thông báo xử lý từ cơ quan chức năng.