Tất cả đều xây dựng không phép trên đất lâm nghiệp, trên diện tích khoảng 45 ha. Hiện lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và huyện Đức Trọng đang rốt ráo chỉ đạo xử lý. Ai mới thực sự là chủ nhân của những công trình này?
"Làng biệt thự" ở vị trí đắc địa!
KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm nối với đường cao tốc Liên Khương - Prenn (thuộc địa bàn thôn Định An, xã Hiệp An, H.Đức Trọng, Lâm Đồng). TK 268 bao quanh khu vực này, có một thung lũng trù phú, phong cảnh hữu tình; cây rừng xen lẫn những vườn cà phê của một số hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số định canh.
Khoảng từ giữa năm 2019 đến nay, tại đây đã và đang hình thành một “làng biệt thự” với trên 50 nóc nhà đẹp (dạng biệt thự); đường đi lối lại vào đây cũng đã trang hoàng. Tất cả đều xây dựng trái luật ngay trên đất rừng (!?).
Cận cảnh ngôi "làng biệt thự" đang thách thức pháp luật, dư luận
Từ KDL hồ Tuyền Lâm đi vào sâu khoảng trên 10km, "làng biệt thự" nằm ngay bên con đường nhựa trải dài, như bất chấp pháp luật. Phần lớn các công trình xây dựng không phép trên được dựng bằng gỗ, có kết cấu kiểu dáng nhà sàn, móng trụ đổ bê tông cốt thép; cột, kèo, trụ đỡ bằng những hộp sắt vững chắc; diện tích trung bình từ 70 - 150 m2/căn.
Nhiều căn trong số này vừa hoàn thành đưa vào sử dụng, còn mới nguyên, số còn lại vẫn đang được các công nhân gấp rút hoàn thiện. Để phục vụ cho việc xây dựng hàng loạt căn nhà tại đây, các lối mòn trước đây tại khu vực cũng đã được các đối tượng cải tạo mở rộng trung bình 4m.
Chủ rừng nói gì?
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Phúc (80 tuổi), Giám đốc Công ty cổ phần du lịch sinh thái Phương Nam (gọi tắt Công ty Phương Nam), cho biết: Năm 1990, công ty ông được UBND tỉnh Lâm Đồng giao 355 ha rừng, đất rừng (trong đó có 156 ha thuộc xã Hiệp An, H.Đức Trọng, phần còn lại thuộc TP.Đà Lạt) để quản lý bảo vệ và thực hiện dự án du lịch dã ngoại, định canh cho hơn 30 hộ đồng bào dân tộc làng Đarahoa ổn định cuộc sống.
Ông Phúc viết giấy cho các hộ mượn đất, có ký nhận các bên. Cùng đó, công ty Phương Nam cung cấp cây giống, phân bón và hướng dẫn các hộ canh tác cà phê ổn định cuộc sống; ngược lại, họ giúp công ty giữ rừng.
Khoảng 2 năm trước, khi có đường nối từ cao tốc Liên Khương - Prenn vào KDL hồ Tuyền Lâm thì bắt đầu xảy ra tình trạng người kinh đến mua đất của đồng bào dân tộc đang canh tác cà phê (do Công ty Phương Nam cho mượn). Nhiều hộ đồng bào cho biết, người kinh dụ dỗ, trả tiền cho họ, nói họ phải rời đi.
Phát hiện sự việc, tháng 4-2019, Công ty Phương Nam có đơn gửi các cơ quan chức năng H.Đức Trọng, xã Định An báo cáo tình trạng này. Trong đơn đề ngày 3-5-2019, ông Phúc nêu rõ: “Đề nghị UBND H.Đức Trọng có giải pháp cấp bách hỗ trợ công ty ngăn chặn kịp thời sự việc đang xảy ra trên đất công ty thuộc địa bàn xã Hiệp An, vì công ty không đủ sức ngăn chặn”.
San gạt đất, mở đường để mở rộng xây dựng khu dân cư tự phát tại Tiểu khu 268
Tháng 4-2019, nhân viên Công ty Phương Nam phát hiện ông Nguyễn Thanh Hùng (còn gọi là Của, ngụ xã Hiệp An) có hành vi mua đất của một hộ dân nên đến ngăn cản thì bị ông Hùng hăm dọa. Ngày 4-5-2019, phát hiện ông Nhân (ngụ P.4, TP.Đà Lạt) đến mua đất của hộ Ha Thưng, nhân viên Công ty Phương Nam đến ngăn cản cũng bị ông Nhân đe dọa. Người này viết đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng của huyện và xã nhưng... sự việc rơi vào im lặng.
Khi thấy có thêm nhiều người từ Đà Lạt, Hiệp An đến dụ dỗ đồng bào dân tộc bán đất, những căn nhà được cấp tập "mọc" lên, Công ty Phương Nam liên tục có đơn báo cáo và khẩn thiết đề nghị chính quyền H.Đức Trọng hỗ trợ giải quyết nhưng không nhận được phản hồi.
"Cho đến mấy ngày vừa qua, khi báo chí thông tin, tôi đã nhận được điện thoại của một số lãnh đạo địa phương cho biết, sẽ chỉ đạo xử lý vụ việc, như cưỡng chế, giải toả. Còn cụ thể hơn thế nào, ai sai, khi nào xong, tôi cũng không được rõ. Tôi mong mỏi việc này được xử lý rốt ráo tới cùng để trả lại đất rừng, tôi cũng được thanh thản vì đã làm hết cách", ông Phúc chia sẻ.
Cũng theo ông Phúc cho biết, khi xuất hiện 2 ngôi nhà xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp đầu tiên tại đây, ông được xã Hiệp An hỗ trợ giải tỏa. Nhưng sau đó xuất hiện thêm nhiều ngôi nhà khác, công ty nắm được tên, tuổi, và cả số điện thoại người mua đất trái phép của đồng bào dân tộc, dựng nhà trái phép và công ty báo cáo cho huyện Đức Trọng và tỉnh Lâm Đồng, đồng thời kêu cứu cơ quan chức năng hỗ trợ giải quyết. Thế nhưng, sự việc sau đó được giao cho xã nên việc xử lý chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa".
Một căn nhà trong khu vực
Liên quan đến sự việc, lãnh đạo UBND xã Hiệp An cho biết, trước đó, lực lượng chức năng của xã cùng các cơ quan chức năng của H.Đức Trọng đã đến hiện trường kiểm tra, nhưng các ngôi nhà đang xây dựng trái luật đều vắng chủ. Xã đã dán thông báo tìm chủ đầu tư công trình vi phạm xây dựng trên đất lâm nghiệp đối với hàng chục ngôi nhà xây dựng trái phép tại TK 268.
Trong năm 2019, xã đã tổ chức cưỡng chế, giải tỏa 4 ngôi nhà xây dựng trái phép tại khu vực này, tuy nhiên, gần đây tình trạng mua bán đất lâm nghiệp, xây dựng nhà trái phép vẫn tiếp tục diễn ra.
Mới đây, UBND xã Hiệp An đã lập hồ sơ đề nghị UBND H.Đức Trọng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3 công trình, đồng thời đã đề nghị UBND huyện ban hành quyết định cưỡng chế, buộc khắc phục hậu quả đối với 2 trường hợp khác.
Trước đó, cơ quan chức năng địa phương đã lập biên bản vi phạm hành chính về việc tác động, san gạt mặt bằng và xây dựng 15 công trình trái phép trên đất lâm nghiệp tại đây. Cùng đó, xã đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của huyện đến kiểm tra thu giữ một số máy phát điện. Thế nhưng, trong tháng 10-2020, Điện lực Đà Lạt lại cấp điện cho khu vực này khiến việc xây dựng nhà trái phép ban đêm diễn ra rầm rộ hơn.
Về vấn đề này, lãnh đạo Điện lực Đà Lạt xác nhận, có thỏa thuận đấu nối điện cho ông T.H.H (ngụ phường 6, TP.Đà Lạt) để phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu và sản xuất nông nghiệp. Còn việc cấp điện cho các hộ dân tại TK 268, Điện lực không quản lý. Ngày 28-10 vừa qua, Giám đốc Sở điện lực Lâm Đồng đã chỉ đạo cắt điện tại đây.
Ngày 26-10 vừa qua, UBND xã Hiệp An đã ban hành và dán 9 thông báo tại các công trình vi phạm để tìm chủ thể công trình vi phạm xây dựng tại đây. Trong thời hạn 15 ngày, nếu các tổ chức, cá nhân là chủ đầu tư công trình không đến liên hệ với UBND xã Hiệp An để giải quyết, xã sẽ tổ chức cưỡng chế, giải tỏa trả lại hiện trạng ban đầu.
Sẽ giải toả trắng, trả lại đất rừng
Đây là quan điểm chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng khi có thông tin về sự việc. Ngày 30-10, một lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho biết, Thường vụ Tỉnh uỷ đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương kiểm tra làm rõ và xử lý dứt điểm vụ việc; báo cáo thường trực trước ngày 2-11-2020.
Cận cảnh một số căn biệt thự các đối tượng đang xây dựng dở dang
Được biết, vào ngày 19-10-2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản 8467/UBND-LN gửi Công ty CP Phương Nam về việc lập và thực hiện phương án giải tỏa đối với diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm thuộc dự án của công ty này.
Nội dung văn bản đề nghị Công ty Cổ phần Du lịch sinh thái Phương Nam chủ động liên hệ với UBND xã Hiệp An và các phòng, ban, đơn vị liên quan thuộc huyện Đức Trọng để được hướng dẫn việc lập và thực hiện phương án giải tỏa đối với diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, san ủi trái pháp luật tại dự án của công ty thuộc huyện Đức Trọng để quản lý, sử dụng đúng mục đích đất được giao/thuê.
Ngày 28-10, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản hoả tốc gửi các Sở KH-ĐT, TN-MT, NN-PTNT, Xây dựng, Công thương Lâm Đồng và UBND H.Đức Trọng kiểm tra và kịp thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm (nếu có), sau khi các cơ quan báo chí phản ánh tình trạng lấn chiếm đất rừng và xây dựng trái phép tại TK 268.
Sáng 30-10, ông Nguyễn Ngọc Phúc - Bí thư Huyện ủy H.Đức Trọng cho biết, Huyện ủy đã tổ chức cuộc họp với UBND huyện và các ngành để chỉ đạo những nội dung liên quan đến công tác bảo vệ rừng, giải tỏa công trình xây dựng trái phép tại TK 268. Huyện ủy giao UBND huyện khẩn trương có thông tin chính thức gửi cơ quan báo chí, tiếp thu phản ánh tình trạng xây dựng công trình trái phép tại dự án của Công ty Phương Nam.
Trong đó, thông tin rõ về nguồn gốc đất đai, hiện trạng sử dụng đất từ trước đến nay, số lượng công trình và quá trình phát hiện xử lý các công trình xây dựng trái phép. Huyện cho thành lập tổ trực 24/24 tại khu vực trên để không phát sinh thêm bất cứ công trình vi phạm nào; thống kê các tổ chức, cá nhân có máy múc, máy đào đã tổ chức khoan giếng và xây dựng công trình cung cấp dịch vụ trái phép tại khu vực này cho các cơ quan chức năng để xử lý.
"Chủ trương của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và Bí thư H.Đức Trọng là tháo dỡ toàn bộ các công trình xây dựng trái phép tại TK268. Kế hoạch là kết hợp cưỡng chế với vận động thuyết phục người dân tự tháo dỡ công trình.
Cùng đó, giao Công an huyện khẩn trương rà soát, kiểm tra, xử lý các đối tượng cầm đầu kích động, lôi kéo người dân ngăn chặn việc giải tỏa, cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép tại khu vực này", một lãnh đạo UBND H.Đức Trọng cho hay.
Dư luận cho rằng, việc để tồn tại cả một "ngôi làng" với trên 50 nóc nhà dạng biệt thự, trái luật trên đất lâm nghiệp của các đối tượng là hành vi coi thường pháp luât, cần phải được xử lý nghiêm.
Mở đường, kéo điện hạ thế vào "làng biệt thự" giữa rừng