Nhà sập, lúa chết
Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, tính đến ngày 14-7 thiên tai trên địa bàn tỉnh làm hơn 1.700 căn nhà sập, tốc mái, hư hỏng và ngập gần 550ha lúa, hoa màu bị ảnh hưởng. Theo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời, tính đến 19 giờ ngày 14-7 lốc xoáy làm sập, tốc mái 319 căn nhà; triều cường dâng cao hơn 300 căn. Riêng số hộ ở xã Khánh Bình Tây bị triều cường dâng cao gây ngập nhà ở của 187 hộ sinh sống ngoài cống Đá Bạc, chưa ước tính được thiệt hại.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn, ở ngay dưới chân đê phòng hộ phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất. "Gió mạnh, nước dâng, tôi cùng bà con bị gió tốc mái nhà”, anh Tuấn cho biết. Tại đảo Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) biển động, gió giật mạnh gây thiệt hại về tài sản của cư dân đảo. Chỉ cơn lốc ngày 13-7 đã làm 9 căn nhà đổ sập, hư hỏng nặng, trong đó có 6 căn sập hoàn toàn, 3 căn tốc mái và hư hỏng một phần. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 340 triệu đồng.
Lãnh đạo Đồn biên phòng Hòn Chuối cho biết, hiện trên biển và khu vực đảo Hòn Chuối thời tiết xấu, mưa kéo dài, gió to, sóng lớn nên đơn vị chưa thể hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Đơn vị đã thông báo cho dân biết và phối hợp hỗ trợ chằng chống nhà cửa đồng thời di dời các lồng bè nuôi cá đến nơi khuất gió để bảo vệ tài sản người dân.
Đồn Biên phòng Hòn Chuối cũng kêu gọi ngư dân hoạt động trên biển nhanh chóng di chuyển vào bờ hoặc vào đảo tránh sóng, tránh gió, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Hiện có 120 tàu đánh cá của ngư dân đã vào neo đậu tại đảo Hòn Chuối. Đơn vị đã thành lập các tổ công tác đến từng phương tiện nhắc nhở chủ tàu, thuyền trưởng nâng cao ý thức phòng, chống giông lốc, bảo vệ tài sản, quản lý tốt thuyền viên. Khi có tình huống xấu xảy ra thông báo ngay cho Đồn Biên phòng để kịp thời hỗ trợ.
Hàng trăm héc-ta lúa bị ngập
Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Sóc Trăng cho biết, từ ngày 16-6 đến 12-7 trên địa bàn tỉnh có 30 căn nhà tốc mái, 36 căn bị thiệt hại, sập hoàn toàn 6 căn; ngoài ra mưa lớn kéo dài còn làm sạt lở 50m lộ giao thông nông thôn ở các huyện Kế Sách, Mỹ Xuyên, TX.Vĩnh Châu và TP.Sóc Trăng, ước tính thiệt hại trên 1 tỷ đồng. UBND tỉnh đã khẩn trương hỗ trợ từ Quỹ Phòng, chống thiên tai tổng cộng 34 căn nhà với số tiền 255 triệu đồng; các hộ còn lại, địa phương đang làm thủ tục đề xuất hỗ trợ.
Tại tỉnh Vĩnh Long, mưa lớn, gió mạnh làm tốc mái 25 căn nhà, sạt lở một đoạn đê bao sông Măng ở ấp Tân An, xã Chánh An, huyện Mang Thít với độ dài 40m, rộng 10m, sâu 7m. Ước tính tổng thiệt hại ban đầu trên 620 triệu đồng.
Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang cho biết, từ 15 giờ ngày 12-7 đến 15 giờ ngày 14-7, mưa lớn, giông, lốc tiếp tục gây thiệt hại thêm nhiều tài sản của Nhà nước và nhân dân trên địa bàn tỉnh; trong đó có 3.369,5ha lúa và rau màu ngã đổ, ngập úng.
Cụ thể, mưa dông làm 465,5ha lúa hè thu trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đổ ngã (TP.Rạch Giá 105ha, huyện Giồng Riềng 358ha, huyện Vĩnh Thuận 2,5ha), giảm năng suất và chất lượng; 1.854ha lúa hè thu ngập úng (huyện Châu Thành 960ha, huyện U Minh Thượng 73ha, huyện An Biên 821ha); 1.050ha hoa màu (khóm, cau, dừa) ở huyện Châu Thành bị ngập, người dân đã kịp thời bơm tát. Sóng to, gió lớn làm 9 phương tiện chìm; trong đó 1 người chết, 1 người mất tích do lật tàu ở TP. Phú Quốc.
Nhà dân bị ngập nước
Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bạc Liêu, từ chiều 10 đến ngày 13-7 trên địa bàn tỉnh xuất hiện đợt mưa kèm theo giông lốc làm sập nhiều nhà dân ở các địa phương: Hòa Bình, Phước Long, Hồng Dân, Đông Hải...
Cụ thể, tại huyện Phước Long có 11 căn nhà của người dân các xã Phước Long, Vĩnh Phú Đông và thị trấn Phước Long bị thiệt hại, trong đó 1 căn sập hoàn toàn và 10 căn tốc mái. Ước tính tổng thiệt hại ban đầu do thiên tai gây ra gần 100 triệu đồng. Giông lốc cũng làm sập hoàn toàn hoàn 4 nhà và tốc mái 8 căn của người dân huyện Hồng Dân. Huyện Đông Hải có 1 hộ dân bị sập nhà và 1 hộ khác tốc mái. Lốc xoáy đã làm ảnh hưởng đến nhà của 2 hộ dân ở huyện Hòa Bình.
Nhiều tỉnh, thành bị ngập do triều cường
Một căn nhà của người dân bị sập
Thiệt hại tiền tỷ
Chỉ mới đầu mùa mưa, ngoài hàng ngàn căn nhà bị sập, tốc mái, hàng trăm héc-ta lúa bị ngập, Cà Mau có 1 người chết, 1 người bị thương; 7 phương tiện khai thác thủy sản bị chìm, xảy ra 9 vụ sạt lở ven sông, khoảng 110m đê biển Tây sạt lở... Tổng thiệt hại tài sản ước tính hơn 8,3 tỷ đồng.
Ông Huỳnh Quốc Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - đề nghị người đứng đầu các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, TP.Cà Mau, Trưởng ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chủ động triển khai kịp thời biện pháp phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2022.
Ông Việt nói: "Chính quyền địa phương vận động, di dời các hộ dân ở nơi có nguy cơ thiệt hại do thiên tai đến nơi an toàn; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống và ứng phó với các loại hình thiên tai như áp thấp nhiệt đới, bão, giông, lốc, sét, mưa to, gió mạnh trên biển. Người dân cần chủ động gia cố bờ bao, chuẩn bị phương tiện bơm tát nước và thực hiện các biện pháp thích hợp để làm giảm thất thoát thủy sản nuôi, ngập úng lúa, rau màu khi xảy ra thiên tai...".
Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng đã xảy ra 16 vụ giông, lốc làm sập và tốc mái 81 căn nhà, 1 người bị thương nhẹ, diện tích lúa bị ảnh hưởng 696ha, sạt lở bờ bao, đê cồn 55 đoạn, chiều dài 3.146m (bờ bao 19 đoạn dài 821m, đê cồn 36 đoạn dài 2.325m), ước tính thiệt hại tài sản khoảng 40 tỷ đồng. Hiện nay, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, đê biển chịu áp lực lớn bởi những đợt sóng mạnh, cao đến gần 2m, khiến nước biển dâng cao tràn qua đê, nguy cơ gây vỡ đê luôn rình rập.
Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, các tỉnh ven biển Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo về diễn biến gió mạnh, sóng lớn trên biển; thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn về người, tài sản và có kế hoạch sản xuất phù hợp, nhất là các tàu nhỏ đánh bắt ven bờ; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra...
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, dự báo Enso có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina ở nước ta từ nay đến hết năm 2022 với xác suất khoảng 55-65%. Về bão, áp thấp nhiệt đới, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó khả năng từ 4-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, với mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ (TBNN một năm khoảng từ 12-14 cơn, ảnh hưởng trực tiếp từ 5-7 cơn). Đề phòng xảy ra bão có hướng di chuyển phức tạp, dồn dập trong các tháng cuối năm 2022. Lượng mưa trong năm ở khắp các khu vực trên cả nước trong các tháng 8-10 đều cao hơn TBNN.