(CAO) Vào thời điểm này, bà con nông dân Tây Nguyên đang gấp rút thu hoạch cà phê, dù sản lượng có tăng nhưng lòng nặng trĩu âu lo trước tình trạng đã trở thành điệp khúc lâu nay: được mùa, mất giá và trộm.
Mới sáng sớm, ông Trần Tính Tâm (ngụ thôn 5, xã Ia Băng, huyện Đắk Đoa, Gia Lai) đánh chiếc xe máy cọc cạch vào thăm rẫy cà phê. Con đường đất đỏ gặp phải cơn mưa phùn càng trở nên lầy lội, ông cúi xuống chỉ cho chúng tôi vết bánh xe của kẻ gian chiều hôm qua đột nhập, hái trộm cà phê. Sau khi đi một vòng khắp vườn cà phê, ông Tâm dừng lại bên một khoảnh các cây chỉ còn trơ cành. 20 cây cà phê của nhà ông vừa bị kẻ gian hái trộm sạch hạt. Theo tính toán, giá trị cà phê bị mất khoảng 3,5 tạ.
Vườn cà phê của ông Trần Tính Tâm bị hái trộm cà phê
“Rẫy cà phê chỉ cách nhà có 1km, nhưng hầu như năm nào cũng bị trộm ghé thăm. Như năm trước, chúng vào vườn bẻ cành cà phê rồi tập kết lại 1 chỗ để lấy hạt cho dễ, đến năm nay, những cây bị bẻ cành vẫn chưa cho hạt trở lại. Bị nhiều vậy nhưng tôi vẫn chưa bắt được ai. Các rẫy xung quanh nhà tôi cũng thường xuyên gặp cảnh trộm tương tự” – ông Tâm chia sẻ.
Hình thức trộm cà phê cũng dần thay đổi. Giờ tình trạng vào vườn hái đã giảm hẳn, kẻ gian chỉ nhăm nhe những bao cà phê người dân vừa thu hoạch xong để lấy. Ông Lê Nguyên - Trưởng thôn 5 (xã Ia Băng) cung cấp: Người dân hái xong, đóng bao tập kết, kẻ gian đã lợi dụng lúc sơ hở để chở đi. Tuần vừa rồi, thôn 5 xảy ra 3 vụ mất trộm khoảng 2 tạ cà phê theo kiểu này. Mới đây nhất, trong thôn có hộ ông Nguyễn Thế Triệu, kẻ gian trèo tường rào vào để trộm cà phê đã thu hoạch. Chúng vào đến sân đang loay hoay thì bị phát hiện nên bỏ chạy.
Ông Phạm Quý Thành - Chủ tịch UBND xã Ia Băng cho biết, để giảm thiểu tình trạng trộm cắp cà phê, xã đã triển khai nhiều biện pháp: Ngay từ đầu vụ, UBND xã đã ra thông báo cho các đại lý thu mua nông sản trên địa bàn, không được mua cà phê non xanh, mua phải có nguồn gốc; triển khai các tổ tự quản ngày đêm tuần tra liên tục, hiện các tổ này hoạt động rất hiệu quả.
Giá cà phê xuống thấp khiến người dân thấp thỏm lo âu
Ngoài nỗi lo về trộm, một nỗi lo khác khiến người trồng cà phê năm nay không vui là giá. Sau khi đạt mức giá 45 triệu đồng/1 tấn ở đầu vụ, hiện nay giá cà phê chỉ còn hơn 36 triệu đồng/1 tấn và tiếp tục có xu hướng giảm. Trước tình hình đó, người trồng cà phê đang gặp rất nhiều khó khăn. Anh Nguyễn Văn Hùng(ngụ xã Ia Le, huyện Chư Pưh, Gia Lai) quyết định vẫn chưa bán cà phê vừa thu hoạch được cũng vì thế.
“Năm nay so với năm trước thì sản lượng cà phê có cao hơn, nhưng giá thấp quá. Đầu vụ giá có cao chút đỉnh rồi lại giảm mạnh. Giờ hái xong, giá cà phê đang nằm đáy. Với giá này, tôi thà vay mượn để trả tiền nhân công và phân bón, chứ không thể bán được” – anh Nam cho biết thêm.
Không chỉ người dân, những công ty cà phê lớn cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong niên vụ này. Ông Nguyễn Văn Phú – Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Ia Grai chia sẻ: “Với giá cà phê như hiện nay, không khí chung đang rất buồn. Cà phê mất giá, trong khi mọi chi phí khác đều tăng đang gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống các hộ nhận khoán và cán bộ công nhân viên. Hiện công ty phải vay mượn nhiều nguồn để chi trả tiền cho công nhân và người dân. Năm nay cũng mưa nhiều ảnh hưởng đến phơi sấy, chất lượng cà phê. Một khó khăn lớn của niên vụ cà phê là nhân công. Mặc dù giá nhân công tăng liên tục nhưng cũng không tìm ra người hái”.
Ông Nguyễn Long Khánh - Phó phòng NN-PTNT huyện Chư Pưh, cho biết, dân đã thu hoạch trên 50% diện tích cà phê. Với mức giá 36 triệu đồng/tấn nhân thì đa phần dân hái xong thì tích trữ chờ giá. “Thực tế những năm qua trên địa bàn tỉnh có xảy ra tình trạng vỡ nợ cà phê khi ký gửi cà phê. Dân nếu không có kho bãi mà đi ký gửi thì nên lựa chọn những nơi uy tín, có tài chính tốt để tránh rủi ro”, ông Khánh khuyến cáo.