Nguy cơ lây nhiễm virus từ thực phẩm tươi sống, hoang dã

Thứ Ba, 11/02/2020 16:40

|

(CATP) Trong mùa dịch do virus corona (nCoV) chủng mới gây ra, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội thì một dịch bệnh khác cũng nguy hiểm không kém là cúm gia cầm (H5N1) đang có nguy cơ quay trở lại. Trước tình hình này, Chính phủ yêu cầu áp dụng mọi biện pháp, kiên quyết không để xảy ra "dịch chồng dịch".

GIA CẦM SỐNG VẪN BÁN TRÀN LAN

Dù chưa có xác nhận về vật chủ gây lây lan mầm bệnh nCoV, nhưng các chuyên gia cho rằng, khả năng loại virus chết người này đến từ các loài động vật là rất lớn. Trong khi đó, virus H5N1 đã được xác định đến từ gia cầm.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công an TPHCM, hiện tại nhiều chợ trên địa bàn TPHCM, nhất là chợ ở các quận, huyện vùng ven, tình trạng buôn bán gia cầm sống vẫn tràn lan. Tại khu chợ tự phát bên hông chợ Bình Triệu (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức), có ít nhất 5 điểm bán gà, vịt sống, mỗi điểm nuôi nhốt cả chục con.

Tình trạng buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm sống vẫn diễn ra tràn lan tại TPHCM

Thấy chúng tôi chạy xe chầm chậm qua, những người bán ra sức chào mời. Ghé vào một điểm vờ hỏi mua hàng, người phụ nữ đon đả: "Gà tre, gà ta giá bằng nhau, 130 ngàn một ký. Vịt cỏ 80 ngàn một ký. Chị giết mổ luôn cho, em mang về chỉ cần rửa qua là OK. Gà, vịt này nuôi tự nhiên ở miền Tây đưa lên, thịt chắc, ngon lắm em!". "Chị giết mổ luôn ở đây à?" - Chúng tôi hỏi. Người bán trả lời: "Thì ở đây luôn chứ đâu nữa! Chị có máy vặt lông mà, nhanh lắm, chưa đầy 5 phút là xong".

Chúng tôi quan sát nơi giết mổ. Trên sàn xi măng, máu và lông gà, vịt vương vãi khắp nơi. Chưa kể mùi hôi từ phân gà, vịt, mùi tanh nồng của máu bốc lên. Người bán không đeo khẩu trang, dù đang trong mùa dịch virus corona.

Khảo sát một số chợ ở khác trên đường Hiệp Bình (P.Hiệp Bình Chánh, gần đường ray xe lửa), ven QL13 cũ (gần chợ Hiệp Bình Phước, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức)..., hoạt động mua bán gà, vịt sống cũng diễn ra nhan nhản. Đây là tình trạng chung ở nhiều chợ, nhất là các chợ tự phát ven đường hoặc trong các khu dân cư trên địa bàn thành phố.

Không chỉ buôn bán gia cầm sống, hiện nay tình trạng nuôi gà kiểng, gà đá tại TPHCM cũng khá phổ biến, nhiều nhất là ở các quận ven, huyện ngoại thành. Đi trên đường có thể bắt gặp nhan nhản những lồng nhốt gà trên vỉa hè, sân, vườn nhà dân. Những con gà tre, gà đá vô tư mổ thức ăn trong các khu dân cư. Tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ cao về lây nhiễm virus cúm gia cầm cũng như các virus gây bệnh nguy hiểm khác.

NGUY CƠ TỪ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ

Cuối năm 2018, các nhà khoa học ở châu Á, Âu, Phi và Mỹ Latinh cùng bắt tay thực hiện dự án Virome, nghiên cứu 1,7 triệu virus trong thú hoang dã. Trong đó, có khoảng 631.000 - 827.000 loài gây bệnh cho con người, nhưng chúng ta chỉ mới phát hiện ra khoảng 260 loài (chiếm tỷ lệ 0,01%).

Dự án này nhằm nhận dạng các virus có trong thú rừng, để đưa ra giải pháp phòng, chống sự lây lan của các dịch bệnh. Nghiên cứu cũng cho thấy, có gần 50% virus trong thú rừng gây nguy hiểm cho con người. Vì vậy, nếu con người thường xuyên tiếp xúc, sử dụng thực phẩm từ những loài thú rừng mang virus nguy hiểm thì rất dễ nhiễm bệnh, thậm chí tử vong.

Động vật hoang dã mua bán trái phép, bị cơ quan chức năng tịch thu năm 2019

Lịch sử đã chứng minh nhiều dịch bệnh từng cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người trên thế giới, có nguồn gốc từ các loài động vật mà con người tiếp xúc hoặc tiêu dùng mỗi ngày. Cụ thể, bệnh Ebola bắt nguồn từ dơi ăn trái, mầm dịch Sars (gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nặng) được xác định từ cầy hương; lạc đà từng gây dịch Mers; vượn lớn gây nên căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS; virus Zika bắt nguồn từ loài muỗi; heo có thể tạo dịch A/H1N1, gia súc, gia cầm cũng có thể khiến con người bị bệnh cúm... Hiện nay, tê tê, dơi và rắn đang được các nhà nghiên cứu cho rằng có thể là vật chủ gây ra dịch virus corona.

Theo thông tin từ dự án Virome, hầu hết các loài động vật đều mang một loạt mầm bệnh trong cơ thể. Các mầm bệnh này cũng tiến hóa theo sự thay đổi của môi trường để có thể tồn tại và phát triển. Khi con người tiếp xúc, sử dụng thịt các loài động vật bị nhiễm bệnh trong môi trường thiếu an toàn thì có nhiều nguy cơ bị virus tấn công.

Động vật hoang dã mua bán trái phép, bị cơ quan chức năng tịch thu năm 2019

CẦN TUÂN THỦ CHỈ DẪN AN TOÀN THỰC PHẨM

Thịt động vật là một trong những nguồn dinh dưỡng chủ yếu của con người. Vì vậy, hầu hết tại các khu chợ nào cũng đều có những gian hàng thịt tươi sống, thu hút nhiều khách hàng ghé mua. "Từ trước đến giờ, tôi vẫn dùng tay sờ lên thịt heo, thịt gà để chọn lựa. Sờ lên thịt sống xong rồi mình lau tay là sạch thôi" - Chị Trúc (40 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) cho biết.

Thói quen mua bán như trên, nhất là ở các chợ truyền thống, chợ tự phát, hàng rong là điều chúng tôi lo ngại. Việc làm tưởng bình thường này, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm virus từ động vật tươi sống sang cơ thể người.

Trước tình hình các dịch bệnh do virus bùng phát, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân cần tránh tiếp xúc trực tiếp với động vật sống và bề mặt tiếp xúc của động vật khi đi chợ. Đồng thời, cần tránh ăn các sản phẩm động vật sống hoặc chưa nấu chín. Thịt, sữa hoặc nội tạng động vật cần xử lý, chế biến cẩn thận, tránh lây nhiễm chéo với thực phẩm chưa nấu chín khác. Đặc biệt, cần ăn chín, uống sôi, tuân thủ các thực hành an toàn thực phẩm để ngăn chặn những nguồn lây lan virus từ động vật qua đường ăn uống.

Đầu năm 2020, tại Trung Quốc phát hiện 1 ổ dịch cúm A/H5N1; tại Đài Loan (Trung Quốc), cúm gia cầm H1N1 cũng đang bùng phát; làm hàng chục người thiệt mạng. Tại Việt Nam, kết quả giám sát chủ động của ngành Thú y cho thấy, virus cúm A/H5N1 đang lưu hành trên đàn gia cầm và không có sự biến đổi về độc lực gây bệnh. Tuy nhiên, do các điều kiện như thời tiết biến đổi bất lợi, tổng đàn vật nuôi lớn, việc lưu thông động vật, sản phẩm động vật và con người gia tăng nên nguy cơ dịch bệnh phát sinh trong thời gian tới là rất cao.

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh cúm A/H5N1 bùng phát trên gia cầm và nguy cơ lây sang người, không để xảy ra hiện tượng "dịch chồng dịch" trong bối cảnh dịch do virus corona đang xảy ra, ngày 5-2, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng về việc tăng cường biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra.

Cạnh đó, khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm theo nội dung Quyết định số 172/ QĐ-TTg ngày 13-2-2019 của Thủ tướng về phê duyệt "Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019 - 2025", ngăn chặn không cho dịch cúm gia cầm vào Việt Nam.

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và thú y TP.Hà Nội, ngày 3-2-2020, đàn vịt thương phẩm của hộ ông Nguyễn Văn Sơn (ngụ xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) gồm 2.397 con, bị chết 385 con. Cán bộ thú y đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Ngày 4-2, Cơ quan Thú y vùng I thông báo kết quả, số vịt chết dương tính với virus cúm A/H5N6.

Ngay sau đó, cơ quan thú y phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn vịt bị bệnh, lập chốt kiểm dịch, ngăn không cho vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm ra khỏi thôn; khử trùng tiêu độc tại cơ sở chăn nuôi 1 lần/ngày trong 7 - 10 ngày; tại thôn, xã 1 lần/tuần. Chi cục Chăn nuôi và thú y đã cho bao vây đàn gia cầm trên địa bàn xã Phú Nghĩa, với hơn 300.000 con.

Tính đến trưa 10-2, bệnh cúm gia cầm A/H5N6 đã xảy ra tại 10 hộ chăn nuôi của 4 thôn, thuộc 2 huyện Nông Cống và Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa), buộc phải tiêu hủy hơn 23.000 con gia cầm (chủ yếu là ngan, gà, vịt). Chi cục Thú y tỉnh này cho biết, bệnh cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra từ ngày 3-2-2020, tại 9 hộ chăn nuôi ở huyện Nông Cống. Kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N6.

Bình luận (0)

Lên đầu trang