Khóc cạn nước mắt vì con
Căn phòng trọ của cha mẹ Tiến
Đón chúng tôi là bà Vũ Thị Thi (mẹ Tiến), người phụ nữ với khuôn mặt khắc khổ, hốc hác. Đôi mắt hũng sâu, thâm quầng, đỏ hoe sau những đêm dài thiếu ngủ. Bà cho biết, gần một năm nay, kể từ ngày Tiến xảy ra chuyện, chưa đêm nào vợ chồng bà ngủ ngon. Có những lúc nửa đêm, bà mơ thấy con trai đang chạy xe máy về nhà sau giờ làm và cười tươi với mẹ. Tỉnh dậy, không thấy con, bà lại khóc và chỉ biết ngồi niệm kinh, cầu Phật.
(CAO) Sau khi toà cấp cao tại TP.HCM tuyên y án tử hình đối với bị cáo Vũ Văn Tiến, cha mẹ Tiến chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Công an TP.HCM về cuộc sống của con mình cũng như những mong mỏi, hy vọng về lá đơn “Xin tha tội chết” họ vừa viết xong để gửi lên Chủ tịch nước.
"Tiến nó ở đây sống khép kín lắm, nó không gây sự với ai bao giờ, nói chuyện cũng dạ thưa lễ phép lắm. Lúc hay tin cả xóm ai cũng bất ngờ. Cả xóm hoang mang gần cả tuần. Giết người thì phải đền mạng là đương nhiên, nhưng thấy cháu nó tội quá, lầm lỡ để rồi bây giờ phải chịu tù tội. Thương cho má nó gần cả tháng không ăn uống gì nổi. Nhưng giờ cũng chả biết an ủi như thế nào!", ông Tám (48 tuổi) - hàng xóm nơi gia đình Tiến thuê trọ cho biết. |
Câu chuyện giữa chúng tôi bị ngắt quãng nhiều lần bởi tiếng nấc uất nghẹn của người phụ nữ này. Trong lời kể của bà, hình ảnh đứa con trai ngoan ngoãn, hiền lành, khéo tay hay làm được nhắc đi nhắc lại nhiều lần với nỗi day dứt và tuyệt vọng.
“Ba Tiến vừa viết lá đơn gửi cho Chủ tịch nước xin ân xá cho Tiến vào trưa nay. Cô định bắt xe ra Hà Nội liền, nhưng nhiều người can ngăn. Họ bảo, không phải cứ ra ngoài thì sẽ được gặp Chủ tịch nước vì ngài trăm công ngàn việc, không tiếp mình được. Vậy nên, cô đang nhờ luật sự Lê Nam sửa lại lá đơn rồi ngày mai, cô đi gửi. Mỗi tháng cô sẽ gửi lá đơn một lần”, mẹ Tiến cho biết.
La đơn gửi Chủ tịch nước xin Ân xá mà ông Hiền vừa viết xong
Lá đơn ân xá dài một mặt giấy và được viết bằng tay. Trong thư, ông Hiền – ba Tiến viết: “Là cha mẹ của Vũ Văn Tiến, chúng tôi không hiểu nhiều về luật pháp để có thể đứng ra tranh luận bảo vệ con nhưng chúng tôi vẫn tin con tôi bị xử tội Tử hình là quá nặng. Chúng tôi cầu xin Chủ tịch nước mở lượng khoan hồng cho nó một cơ hội được sống để sửa chữa lỗi lầm mà nó vướng phải”.
Mẹ Tiến vừa đọc lại bức thư vừa òa khóc. Bà không nén nổi xúc động, đôi tay bà loạng choạng với lấy bàn cờ và đồ đựng tàn thuốc bằng gỗ để gần đó đưa cho chúng tôi.
(CAO) Kết thúc phiên toà phúc thẩm, TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên y án tử hình đối với bị cáo Vũ Văn Tiến và 16 năm tù đối với Trần Đình Thoại về tội giết người.
“Bộ bàn cờ và cái đựng tàn thuốc này là Tiến làm cho ba nó vào những lúc rảnh rỗi. Nó sợ ba nó ngồi trực một mình buồn (ba Tiến là bảo vệ - lời PV) nên dù làm việc vất vả ở xưởng gỗ nhưng nó vẫn cặm cùi và tỉ mỉ làm. Từ ngày Tiến xảy ra nông nỗi đó, đêm nào cô cũng ôm bàn cờ - kỷ niệm của con trai để ngủ”, Bà Thi vừa khóc vừa chia sẻ.
Nỗi day dứt và tấm lòng của cha mẹ
Cũng trong lời kể đứt quãng của người phụ nữ này, Tiến hiện lên là người con hiếu thảo, hiền lành và ít nói. Hàng ngày, sau giờ làm Tiến đều về nhà mà không chơi bời hay lêu lổng. Nhà nghèo nên lớp 4, Tiến biết đi làm để phụ ba mẹ. Nhỏ đến lớn, chưa một lần đánh bạn hay gây gổ với ai. Những lần bị người khác trêu chọc, dọa dẫm, Tiến đều lầm lũi về nhà mà không phản kháng lại hoặc kể với ba mẹ. Mỗi lúc xảy ra chuyện gì, Tiến đều im lặng, giữ khư khư trong lòng ít khi chia sẻ với ai.
Bà Thi vừa khóc vừa xếp quần áo cho con
Đồng quan điểm với ông Tám, anh Ph. (26 tuổi) thuê trọ gần đó nói: "ông Tiến ở đây sống hiền, chỉ tự chơi một mình, ít tiếp xúc với mọi người. Từ ngày biết chuyện thấy cũng tội cho ổng vì ngây ngô nên nghe lời bạn bè làm chuyện như vậy. Thấy mẹ ổng quỳ gối, khóc xin gia đình nạn nhân ở toà mà chỉ biết tội nghiệp. 'Con dại cái mang' mà!". |
“Nếu Tiến nghịch ngợm, lêu lổng, đánh cha chửi mẹ, bất hòa với hàng xóm thì cô cũng không đau đớn như thế này. Đằng này, nó lại là đứa nhút nhát, thiếu bản lĩnh, ngây dại nên mới bị dụ dỗ. Tụi con có thể hỏi khắp cả xã Nhị Bình này, nếu Tiến mà gây gổ với ai thì cô không phải là mẹ nó nữa”, bà Thi kể tiếp.
Thương con nên hơn hai tháng ròng rã, bà bỏ làm, bỏ ăn để lặn lội đi khắp mọi nơi, gỡ cửa từng nhà, thuyết phục từng người ký tên tha tội chết cho Tiến, những mong sẽ giúp con thoát án tử trong phiên phúc thẩm. Trong phiên sơ thẩm và phúc thẩm, 3 cuốn tập dày, trong đó tập hợp gần 10.000 chữ ký của người dân đều được luật sư Lê Văn Nam đặt ở bàn để bào chữa và giảm tội cho Tiến nhưng không thành. Bà nhịn ăn, nhịn uống và gom góp tiền được 20 triệu đồng. Bà Thi muốn dùng số tiền này để bồi thường phần nào đó cho gia đình bị hại, qua đó cũng là tình tiết giảm nhẹ cho Vũ Văn Tiến.
Kể từ ngày làm đơn phúc thẩm, Tiến được giam ở Bình Phước, hàng tháng bà Thi lại "tay xách, nách mang" tới thăm con. Mỗi lần đến thăm nuôi, bà lại mang theo tất cả tấm lòng của hàng xóm láng giềng và nhiều người xa lạ - những người đã đồng cảm với nỗi đau của bà trong những ngày Tiến xảy ra chuyện.
Ông Hiền nhớ con trai khi nhìn bàn cờ Tiến làm
“Hàng trăm cuộc điện thoại từ khắp nơi đã gọi đến để động viên và an ủi vợ chồng cô sau khi Tiến bị y án vào ngày 18-7 vừa qua. Có những người cô chưa bao giờ được gặp mặt nhưng gửi tiền bạc, đồ ăn hàng tháng đến để cô đi thăm nuôi Tiến. Khi nghe tin cô làm đơn xin tha tội chết cho con, một cô giáo về hưu đã gửi 2 triệu để vợ chồng cô lo chuyện giấy tờ. Cô sống được đến ngày hôm nay là vì tấm lòng của mọi người và và chưa bao giờ tắt hi vọng là cứu sống được con. Nếu được chết thay vì con cô chú cũng sẵn lòng nhưng luật pháp không cho phép”, Bà Thi đau đớn cho biết.
Vừa lau nước mắt và dỗ dành vợ, ba Tiến nhẹ nhàng chia sẻ, đã hơn một năm trôi qua, nhưng cái đêm định mệnh đó vẫn ám ảnh tâm trí của người đàn ông này. Trên khuôn mặt khắc khổ, vết sẹo trên má lúc bị tai nạn trong đêm khi biết Tiến tham gia gây ra vụ giết người ở Bình Phước vẫn còn đó. Một năm qua là cả biến cố lớn đối với gia đình. Tiến sa vào vòng xoáy tội ác, bà Thi đi làm tuần được vài hôm, còn lại nằm dài buồn sầu, thương nhớ con trai. Chú gạt nước mắt vào trong, tiếp tục đi làm để đảm bảo cuộc sống gia đình và lấy tiền lo cho con.
“Tiến là đứa hiền lành và nhút nhát, chưa hề có tiền án tiền sự nào. Ai sai gì cũng làm và làm đến nơi đến chốn nên được nhiều người quý mến. Vợ chồng tôi cũng hết sức xót xa, đau đớn trước cái chết của 6 nạn nhân mà không biết lấy cách gì bù đắp hay chuộc lỗi, chỉ biết hàng ngày tụng kinh niệm phật, mong họ yên nghỉ nơi chín suối”, ông Hiền tâm sự.
Nghe lời chồng kể, bà Thi không dừng được cơn xúc động. Đột ngột, bà chạy nhanh lại chiếc tủ gần đấy và lôi ra mấy bộ quần áo cũ kĩ, bạc màu, sờn vải cho chúng tôi coi. “Chưa bao giờ nó đòi hỏi cô phải mua quần áo mới. Ngày lễ, tết hay đám cưới bạn bè, cũng chỉ mặc bộ đồ cũ. Biết cha mẹ nghèo khó nên chưa lúc nào nó đua đòi, ăn chơi. Cả gia tài của nó chỉ có mấy bộ quần áo cũ này thôi”, Bà Thi òa khóc và gục đầu xuống mấy bộ đồ của Tiến.
Bà Thi khóc cạn nước mắt vì con
Theo một người phụ nữ tên Chi (42 tuổi) sống tại đường Nhị Bình 7 cho hay: "Do nhà mình gần nhà của Dương nên cũng có thấy hai người đó đi qua lại. Đến lúc bị bắt, cả xóm mới biết chuyện kinh khủng như vậy. Ban đầu nghe thấy bức xúc nhiều lắm. Nhưng từ ngày thấy mẹ Tiến cố gắng làm mọi chuyện để xin tội cho con, tôi lại thấy thương cho sự bồng bột của tuổi trẻ và sự thiếu hiểu biết, gây nên hậu quả vô cùng nghiêm trọng như vậy". |
Cuộc nói chuyện của chúng tôi kéo dài tới gần 9 giờ đêm nhưng bữa ăn tối của gia đình ông Hiền, bà Thi vẫn chưa bắt đầu. Ông Hiền cho biết, kể từ ngày Tiến sa vòng pháp luật, bữa ăn tối đối với gia đình ông không còn đầm ấm và hạnh phúc như xưa. Vợ chồng ông có khi bỏ bữa hoặc ăn trong nước mắt vì thương nhớ con.
Rời khỏi căn nhà trọ của tử tù Vũ Văn Tiến, một không khí buồn thương ám ảnh lấy tâm trí chúng tôi.
Bản án khép lại, án tử dành cho người có tội. Công lí được thực thi, nhưng những giọt nước mắt tuyệt vọng của người mẹ và ánh mắt khắc khổ của người cha khiến ai cũng đau lòng.
“Bất kỳ ai khi định làm gì sai trái hãy nghĩ về gia đình, họ mới chính là người đau khổ nhất”, bà Thi gạt nước mắt chia sẻ.