Các loại hạt ngày Tết, thủ phạm có thể khiến trẻ nhỏ mất mạng

Thứ Bảy, 10/02/2018 14:28  | Ngô Đồng

|

(CAO) Vào mỗi dịp lễ tết, nhiều trường hợp trẻ nhập viện do nuốt phải hạt dưa, hạt điều, hạt bí,... Chỉ cần một chút lơ là của phụ huynh là trẻ có thể gặp nguy hiểm, thậm chí tử vong rất thương tâm.

Theo các chuyên gia y tế, trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 4-5 tuổi rất dễ bị hóc dị vật, đặc biệt dịp Tết, các gia đình thường sử dụng các loại hạt tiếp khách khi có khách tới chơi.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Như, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết: "Khoa Tai Mũi Họng của bệnh viện Nhi Đồng 1 thường xuyên tiếp nhận và xử trí những trường hợp dị vật đường thở. Đặc biệt, vào các dịp lễ Tết vì trẻ được ăn và được chơi đùa thoải mái. Vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán, Khoa tiếp nhận và xử trí trung bình 10 trường hợp trẻ nuốt phải hạt dưa, hạt điều, hạt bí,... Chỉ cần một chút lơ là của phụ huynh là trẻ có thể gặp nguy hiểm".

Chỉ cần một chút lơ là của phụ huynh là trẻ có thể gặp nguy hiểm khi ăn các loại hạt. Ảnh minh họa

Trước đó, cũng vào dịp cuối năm, có một trường hợp trẻ chết thương tâm do trẻ nuốt phải hạt chôm chôm. Khi người nhà đưa được bé đến cấp cứu tại bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM thì bé đã tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Như khuyến cáo, không chỉ riêng những loại hạt, trái cây có hạt như nhãn, chôm chôm,.. mà tất cả đồ vật có thể đứt ra, rời ra đều có thể trở thành dị vật như cúc quần áo, trang sức của trẻ em. Do đó, trong những ngày tết, cha mẹ thường bận rộn nhiều, tuy nhiên, không vì vậy mà thiếu sự cảnh giác với trẻ.

Ngoài ra, BS Tuấn Như cũng khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần chú ý đến trẻ trong lúc ăn cũng như lúc chơi. Không nên ép con ăn lúc đang khóc hoặc cười vì rất dễ bị sặc. Đừng để mất tết vì trẻ hóc dị vật.

Bác sĩ Như cho biết, Khoa Tai Mũi Họng của bệnh viện tiếp nhận và xử trí nhiều trường hợp trẻ bị hóc dị vật đường thở

Các bậc cha mẹ phải lưu ý để những dị vật này tránh xa tầm tay trẻ em. Trong trường hợp nghi ngờ trẻ mắc hóc dị vật (có biểu hiện tím tái, khó thở…), tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ em vì như thế sẽ đẩy dị vật vào sâu hơn.

“Biện pháp sơ cứu trong trường hợp trẻ mắc dị vật tốt nhất đối với trẻ nhỏ là đặt trẻ nằm đầu thấp, sấp trên một tay, tay kia vỗ mạnh vào lưng trẻ tạo áp lực để đẩy dị vật ra. Với trẻ lớn, thì ôm ngang bụng trẻ, ép bụng trẻ lại, dị vật sẽ dễ dàng vọt ra. Sau đó đưa trẻ đến trung tâm y tế hoặc bệnh viện gần nhất để tiếp tục được cấp cứu”, bác sĩ Như nói.

Thạch rau câu, trân châu trà sữa: Hung thần 'ngọt ngào' cướp sinh mạng trẻ nhỏ

Bình luận (0)

Lên đầu trang