Bệnh lý võng mạc và nguy cơ làm trẻ mù lòa vĩnh viễn

Thứ Bảy, 03/02/2018 10:05  | Ngô Đồng

|

(CAO) Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non (ROP) là một trong những nguyên nhân gây mù hàng đầu ở trẻ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh võng mạc ở trẻ sinh non (ROP) đang trở thành vấn đề chính ở các quốc gia đang phát triển, tỷ lệ mắc ROP ngày càng tăng cao.

Theo thống kê của các bác sĩ BV Nhi Đồng 1, từ năm 2004 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị gần 25.000 trẻ mắc ROP. Đáng lo ngại là số lượng trẻ mắc ROP đến khám và điều trị ngày càng tăng cao, từ 2.000 ca trong năm 2012 tăng hơn 4.000 ca trong năm 2017, trong đó số ca nặng có thể gây giảm thị lực, thậm chí mù lòa ngày một tăng, gần 100 ca mỗi năm.

Theo Ths BS Nguyễn Kiến Mậu, Trưởng khoa sơ sinh BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, tỷ lệ bệnh cao nhất và tỷ lệ di chứng khiếm thị cao nhất ở trẻ sinh non dưới 28 tuần tuổi thai và cân nặng lúc sanh dưới 1500gr.

Bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ có dụng cụ, máy móc chuyên dụng để khám đáy mắt của trẻ và phát hiện bệnh ở giai đoạn rất sớm

Nguyên nhân là trong quá trình phát triển của thai nhi, mạch máu ở võng mạc xuất phát từ phần trung tâm phía sau rồi phát triển dần về phía trước và kết thúc lúc cháu bé được đủ tháng. Ở trẻ sinh non, quá trình này chưa hoàn thành. Sau khi được sinh ra, nếu các mạch máu phát triển bình thường trẻ sẽ không mắc bệnh, còn phát triển bất bình thường trẻ sẽ mắc bệnh.

Ở giai đoạn sớm, nhìn bằng mắt thường sẽ không thể phát hiện được trẻ mắc ROP, đến khi có biểu hiện bên ngoài thì đã muộn. Không ít cháu bé chỉ được người nhà đưa đến bệnh viện chuyên khoa khi thấy trẻ phản xạ kém với ánh sáng, tuy nhiên lúc này thường đã muộn. Tốt nhất là đưa trẻ đi khám mắt cho trẻ theo chỉ dẫn của bác sĩ nhằm phát hiện, điều trị kịp thời.

Về điều trị, hiện nay có nhiều phương pháp điều trị ROP tùy vào tổn thương và mức độ nặng của bệnh. Theo các bác sĩ, kỹ thuật laser quang đông giúp cải thiện thị lực cho rất nhiều trẻ ROP, với tỷ lệ thành công hơn 90%. Ngoài ra, kỹ thuật tiêm nội nhãn chất ức chế tế bào nội mạch anti-VEGF và phẫu thuật bong võng mạc cũng đã và đang được áp dụng nhằm trả lại ánh sáng cho trẻ.

Ths BS Nguyễn Kiến Mậu khuyến cáo, ROP có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm, do đó việc dự phòng sinh non và chăm sóc tốt cho trẻ sinh non đóng vai trò rất quan trọng. Không phải tất cả trẻ đẻ non đều mắc bệnh ở mắt, nhưng người ta nhận thấy rằng với những trẻ sinh càng non, càng nhẹ cân và càng ốm yếu thì nguy cơ mắc bệnh càng cao và bệnh càng nặng. Những trẻ sinh non dưới 32 tuần và cân nặng lúc sanh dưới 2000 gram, trẻ thở oxy kéo dài, thiếu máu, truyền máu... cần khám mắt tầm soát để phát hiện ROP. Bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ có dụng cụ, máy móc chuyên dụng để khám đáy mắt của trẻ và phát hiện bệnh ở giai đoạn rất sớm.

Coi chừng hỏng mắt, mù lòa vì chữa theo mẹo dân gian
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang