(CAO) Trong lúc gia đình ở trong vườn nhà đã vô tình làm động một tổ ong mật rừng rất to, 4 người bị đốt phải nhập viện cấp cứu.
Cả 4 người (ngụ Sóc Trăng) đều nhập viện trong tình trạng tay, trán và vùng lưng có rất nhiều vết đốt.
Theo các bác sĩ, nặng nhất là trường hợp của anh N.T.H., bị đốt ở 2 tay trên 10 vết và rất nhiều vết ở trán và lưng không đếm được. Sau khi bị đốt, anh bất tỉnh, nhập viện trong tình trạng lơ mơ, khó thở, lạnh run, tiêu tiểu không tự chủ, phù mi mắt, đỏ da toàn thân, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt.
Ê kíp cấp cứu nhanh chóng lập đường truyền tĩnh mạch lớn để truyền dịch nâng huyết áp, tiêm thêm thuốc chống dị ứng và thuốc kháng viêm và làm các kiểm tra cần thiết.
30 phút sau khi được cấp cứu, anh tiếp xúc được, huyết áp ổn định và có thể kể rõ hơn tình huống bị ong đốt. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của anh cho thấy anh đã bị tổn thương gan, thận nặng, dù đã qua cơn nguy kịch nhưng anh cần nhập khoa Hồi Sức Tích Cực Chống Độc để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Các bác sĩ cho biết, nhờ ba mẹ anh đều là người làm trong ngành y nên phần xử trí ban đầu đã góp phần rất lớn giúp anh vượt qua cơn nguy kịch. Mẹ anh đã nhanh chóng tiêm cho anh 2 ống thuốc chống dị ứng, truyền dịch nâng huyết áp và lấy rất nhiều mũi kim do ong đốt đã để lại trên người anh và nhanh chóng đưa anh và các nạn nhân còn lại đi cấp cứu.
Các nạn nhân bị ong đốt đang được theo dõi tại bệnh viện
Các bác sĩ khuyến cáo, để tránh nguy hiểm đến tính mạng khi bị ong đốt mọi người nên dùng tay bới đất cát vung lên để xua đuổi ong. Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có ong. Đặt nạn nhân nằm yên, tránh cử động nhiều. Khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ngòi chích của ong ra. Tuyệt đối không dùng tay nặn để lấy ngòi vì túi độc có thể sẽ vỡ, làm cho nọc độc lan ra và thấm sâu hơn vào cơ thể.
Rửa sạch những chỗ có vết chích bằng xà phòng và nước ấm hoặc dung dịch sát trùng, sau đó đắp khăn lạnh hay túi chườm đá lên vùng bị đốt để làm giảm đau và giảm sưng. Uống nước để thải bớt độc tố. Đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, đặc biệt khi có các biểu hiện bệnh nặng hơn.
Phòng ngừa khả năng bị ong đốt:
- Tránh tiếp xúc với ong nếu không cần thiết.
- Không kích động hoặc trêu ong, không làm tổn thương ong (sẽ tiết ra chất báo động đàn ong bay tới).
- Phát hiện sớm tổ ong và phá bỏ nếu ở nơi đông người.
- Khi đi vào rừng, tránh mặc quần áo sáng màu, màu sặc sỡ.
- Không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm,… có mùi thơm và ngọt.
- Khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động (ong sẽ không nhìn thấy nữa).
- Nếu bị ong tấn công có thể dùng bất cứ loại bình xịt nào có sẵn có mùi khó chịu hoặc dùng khói để xua đuổi (không làm nếu nguy cơ cháy rừng).
Cách loại bỏ tổ ong: Dùng khói (không làm nếu nguy cơ gây cháy), bình xịt diệt côn trùng (ví dụ bình xịt muỗi) để xua ong đi hết. Sau đó dùng màn hoặc lưới mắt nhỏ để bọc tổ ong và gỡ đi (để tránh trường hợp ong còn trong tổ). Người làm mặc quần áo dày hoặc áo mưa (loại nhựa dày) và đầu đội mũ kín, đi găng.