Tết quê giữa mùa đông Hoa Thịnh Đốn

Thứ Năm, 15/02/2018 14:20

|

(CATP) Hồi mới qua Mỹ, mấy chữ “về quê ăn Tết” coi bộ khó như lên trời. Lương bảy tám đô một giờ, mà vé gần ngàn rưỡi bạc. Có buồn có nhớ gì cũng ráng dằn lòng hẹn một cái Tết mơ hồ nào đấy về thăm. Chứ đâu như giờ, quá trời hãng cạnh tranh, bay Tết còn đâu bảy trăm bạc.

1. Cuối năm, không khí lễ hội tràn ngập phố phường nước Mỹ. Từ đầu tháng mười, đã thấy các siêu thị hay nursery (vườn ươm) bán bí ngô, bánh kẹo, mặt nạ ma quỷ... cho Halloween. Tới tháng mười một, giữa thu vàng se lạnh, ai nấy cũng tất bật cố làm xong việc để xin nghỉ phép, về với gia đình trong Thanksgiving (lễ Tạ ơn). Vừa xong lễ Tạ ơn, chưa kịp tiêu hết con gà Tây, khoai lang hầm, bánh táo, bánh bí, nui xào bơ thì đã lật đật xếp hàng mua sắm Black Friday. Các khu shopping đông đen người, như một trận bão kinh hoàng thổi tới. Áo quần, quà cáp vương vãi ngổn ngang trên sàn. Sau lễ, chắc nhân viên dọn mệt nghỉ.

Qua tuần sau, lái xe đi làm, bật kênh radio nào cũng nghe những giai điệu Giáng sinh vui tươi. Chớp mắt, lại nghe thiên hạ gửi thiệp, chúc nhau “Happy new year!” khi nhìn quả cầu pha lê được thả trên cao giữa lòng Times Square (New York).

Các sản vật Tết truyền thống của Việt Nam bày bán ở Mỹ

Tết Tây vừa qua, đã thấy Tết Nguyên đán về ngang trước ngõ. Tết ta thường rơi vào hai tháng kinh khủng nhất của Maryland nói riêng và cả nước Mỹ nói chung khi mọi thứ chìm sâu vào băng giá. Nhiệt độ luôn nằm dưới 0, gió rít từng cơn nghe ê ẩm. Trận bão tuyết này chưa tan, trận khác đã dồn dập tới. Tuyết rơi cả đêm, dày hơn nửa thước. Xe chạy khắp đường, cào xới, rải muối cho tuyết mau tan. Mọi thứ đen thui, dơ hầy chứ chẳng đẹp xinh như những gì mình thấy trong phim hay tranh ảnh.

2. Hồi mới qua Mỹ, mấy chữ “về quê ăn Tết” coi bộ khó như lên trời. Lương bảy tám đô một giờ, mà vé gần ngàn rưỡi bạc. Có buồn có nhớ gì cũng ráng dằn lòng hẹn một cái Tết mơ hồ nào đấy về thăm. Chứ đâu như giờ, quá trời hãng cạnh tranh, bay Tết còn đâu bảy trăm bạc.

Thuở đó, giữ liên lạc bên nhà bằng những lá thư tay viết vội giữa những đêm không ngủ lo học bài. Rồi chiều nào cũng ra trước cửa, ngóng bác đưa thư như chờ má đi chợ về mua quà bánh lúc trẻ thơ. Rồi lu bu quá không viết thư tay, chuyển qua gõ email lóc cóc.

Cuối tuần, rủ người thân hay bạn bè ra tiệm nét nối mạng bằng điện thoại bàn nên tiếng được tiếng không. Webcam chập chờn, lâu lâu đứng im như tượng. Mà có tiền cũng hổng dám gọi điện thoại bàn về nhà nhen. Sợ sướng miệng quá nói một lèo. Cuối tháng hóa đơn về choáng váng cả mặt mày. Phải ra tiệm mua thẻ. Hai mươi đô gọi được ba chục phút. Mà phải nói liền một lèo. Chứ ngắt nửa chừng là bị trừ gần hết thẻ.

Ra chợ, thấy người ta lôi mớ mứt dừa, bí, thèo lèo xanh đỏ và những bịch hoa mai, hoa đào giả bụi bặm bám đầy có khi chục năm trước còn lại cũng hổng chừng. Mới hay, Tết đã cận kề trước ngõ. Lật đật mua một bịch thiệt to. Rồi vô công viên, thấy cành cây khô nào đẹp đẹp, len lén bẻ trộm, đem về gắn bông lên, để giữa nhà. Coi như mình cũng có mai vàng năm cánh với người ta.

Và chạnh lòng nhớ má.

Hồi còn sống, năm nào má cũng gọi qua hỏi, Tết này bây có về không? Tôi luôn nghẹn lòng trước câu hỏi đó. Thế là hẹn lần, hẹn lữa, năm sau con sẽ về. Tới năm sau lại hẹn năm sau nữa sẽ về để má con mình đi chợ sắm đồ, mua cúc, mua mai chưng đầy trước ngõ. Dù có bận trăm công ngàn việc, nhưng ít nhiều ba má cũng lo cho gia đình một cái Tết ấm êm. Ba lui cui sai hết thằng này dọn mạng nhện, quét vôi tường, tới đứa kia đi xin khế, hốt tro, kỳ cọ chân đèn sáng bóng.

Má sai chị ra chợ mua me lột sẵn, lựa trái thiệt mập, căng tròn, đem ngâm đường cát sống chứ không ngâm vô nước đường nấu nguội bởi me sẽ ra nhớt nhanh, không để được lâu. Thêm vài ký kiệu, phơi héo, cắt rễ, lột vỏ, ngâm trong nước tro cho trắng, lèn vô thẩu, pha dấm, muối, đường, hong nắng làm kiệu chua. Đu đủ với cà rốt gọt vỏ, lấy dao cắt miếng cỡ đầu ngón tay, phơi hai nắng rồi bỏ thẩu làm dưa món. Mua mớ mứt dừa, gừng, mứt dẻo, hột đưa, thẩu bánh thửng, mấy đòn bánh tét về để trong bếp, cúng ông bà và đãi khách.

Má than lưng tao dạo này yếu quá, ngồi lâu nó mỏi, nhưng mới vừa đưa ông Táo về trời, đã lo mua nếp về trữ đầy bồ, hai tám hối con ngâm nếp, rọc lá chuối, tuốt sống lá kỹ càng, lăng xăng ướp thịt mỡ với tiêu hành, vò đậu xanh, đậu phộng, sáng hai chín ngồi nửa ngày gói mấy chục đòn bánh tét. Nửa đêm, nhà chục người quây quần bên bếp lửa, nghe má kể đủ chuyện trên đời, ngủ gật lúc nào hổng hay. Tờ mờ sáng, bánh chín đều, thơm khắp cùng làng ngõ xóm.

3. So với các thành phố như Los Angeles, San Jose (California), Dorchester, Boston (Massachusetts), hay Houston (Texas) thì người Việt ở khu vực thủ đô Washington D.C. không nhiều. Theo thống kê, có khoảng gần 50.000 người sống rải rác ở D.C., Maryland và đông nhất là phía bắc Virginia. Và tất nhiên, nơi nào có đông người Việt, sẽ có khu shopping để tụ tập đồng hương tới mở nhà hàng, siêu thị, tiệm ăn nhanh hay trà sữa.

Khu Eden (hay Vườn địa đàng) mang dáng dấp của chợ Bến Thành, là chốn để bà con chuyện trò, gửi tiền, sắm vàng, hớt tóc, bán dĩa cơm tấm bì sườn, ổ bánh mì, ly chè ba màu, hay mâm bánh bèo, bánh bột lọc, chả lụa, nem chua... Cuối năm, chẳng cần gói bánh tét, bào dừa, ngâm me, sên mứt chi cho mệt. Cứ tới Eden hay mấy chợ Việt Nam. Đảm bảo, tất tần tật những món ngon ba miền ở Việt Nam, bên này có đủ.

Nhưng cái thiếu ở đây là mùi vị của Tết.

Nếu Tết rơi vào cuối tuần thì còn đi chùa Giác Hoàng, Xá Lợi, Giác Sơn lễ Phật cầu an. Trong tuần đành chịu, bởi phải đi làm kiếm sống. Nếu có xin nghỉ cũng một hai ngày chứ nghỉ lâu lại thâm vô ngày phép. Các hội đoàn người Việt ở đây cũng tổ chức hội chợ Tết vào dịp cuối tuần để bà con rảnh rang mang hoa quả, bánh tét, mứt, củ kiệu, dưa hành tự làm tới bán.

Bà con Việt kiều du xuân, sắm Tết ở Hoa Kỳ

Ở đó, có những đứa trẻ sinh ra ở xứ người, cô cậu thanh niên, ông bà già lụm khụm mặc áo dài, khăn đóng (kèm theo cái áo bông dày) tung tăng giữa nắng nhạt vàng. Có bánh chưng, bánh tét gói bằng lá chuối, lá dong đúng hiệu. Có thẩu me xanh ngâm đường ngòn ngọt. Thau mứt dừa, mứt bí, mứt gừng nồng nàn trên đầu lưỡi. Thỉnh thoảng người ta đốt pháo đì đùng như Việt Nam mấy mươi năm về trước.

Dù bận bịu, nhưng ai cũng tranh thủ ra ngắm cho có không khí. Đôi khi ngậm ngùi nhìn vài cụ ông cụ bà đầu bạc trắng, đầy vết chân chim bởi những vất vả lo toan và nỗi nhớ nhà hằn trong từng suy nghĩ, nhờ con cái chở tới để ôn cố tri tân. Bè bạn gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Gặp nhau lần này rồi hổng biết sang năm có còn dịp nhìn thấy nhau không?

Ai cũng mê mẩn nhìn hoa mai vàng (chắc chở từ Cali qua) tưng bừng khoe sắc. Chậu cúc đại đóa vàng ươm nằm gọn trong lòng bàn tay, hay cành đào hồng tươi rói (nói thiệt ở quê cho cũng chẳng thèm). Vừa mừng, vừa tủi. Ở đâu cũng thế, vạn thọ là hoa của ngày xuân ấm áp, biểu tượng của sự sum vầy, trường thọ. Hoa cúc đằm thắm, dịu dàng, giữa nắng vàng vọt.

Cúc bên này không to như bên nhà, nhưng đa dạng hơn về màu sắc và chủng loại. Không chỉ có vàng, mà còn tím, xanh, trắng, đỏ nồng nàn. Cho nên dù hoa có mắc gấp đôi gấp ba ngày thường, ai cũng mua về chưng cho có mùi Tết. Đi ra, đi vô ngắm nghía đôi lần, chụp hình gửi về bên nhà khoe khoang, bên này cũng có cúc vàng nè, thấy chưa? Hoa như lửa hồng sưởi ấm lòng người giữa mùa đông buốt giá.

4. Giữa những ngày miệt mài miên viễn, lấy nước Mỹ làm nhà, kiếm tiền lo cho cuộc sống hiện tại và tương lai cháu con, Việt Nam trở thành miền nhớ khôn nguôi chưa bao giờ thôi thương nhớ. Mỗi khi trời bắt đầu trở lạnh, cây lá trơ cành, nhiều người lại thèm chút mùi vị Tết nhất bên nhà, bao nhiêu năm trời chưa hít thở.

Maryland, những ngày chờ xuân Mậu Tuất.

Những giấc mơ Việt Nam của kiều bào
 
Current Time 0:00
/
Duration Time 0:00
Loaded: 0%
Progress: 0%
Stream TypeLIVE
Remaining Time -0:00
 
1

Bình luận (0)

Lên đầu trang