(CAO) "TP luôn cầu thị, nghiêm túc, trách nhiệm trên cơ sở nghiên cứu tiếp thu những ý kiến đóng góp hết sức tâm huyết, quý báu của đại biểu kiều bào", đó là lời kêu gọi của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới.
Sáng ngày 12-11-2016, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới với chủ đề: “Kiều bào chung sức xây dựng TP.HCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” lần thứ 3 đã khai mạc tại thành phố mang tên Bác.
Hội nghị do Bộ Ngoại giao phối hợp cùng UBND TP.HCM tổ chức có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng- Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương; Lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam TP.HCM… và trên 500 đại biểu là các chuyên gia, doanh nghiệp cư trú tại 36 nước và vùng lãnh thổ về tham dự.
Toàn cầu hóa và liên kết kinh tế vẫn là xu thế lớn
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó thủ tướng- Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, cho biết trong thời gian qua, Bộ đã tổ chức nhiều hoạt phong phú để kiều bào về nước tham gia như Chương trình Xuân quê hương; Giổ tổ Hùng Vương; Trại hè… Nhằm tạo điều kiện cho kiều bào giao lưu, cập nhập thông tin về tình hình đất nước và chính sách của Đảng- Nhà nước, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, đầu tư trong nước, qua đó gia tăng sự gắn kết của kiều bào hướng về cội nguồn và đóng góp hiệu quả vào tiến trình phát triển kinh tế- xã hội của nước nhà.
Phó thủ tướng nhìn nhận, cùng với mục tiêu đó, lần này Bộ Ngoại giao phối hợp với TP.HCM tổ chức Hội nghị “Kiều bào chung sức xây dựng TP.HCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế”. Đây là sự kiện lớn đầu tiên của chúng ta, triển khai cho kiều bào với riêng TP.HCM.
Phó thủ tướng nhận định tình hình quốc tế và khu vực mấy năm gần đây chuyển biến rất nhanh và phức tạp. Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng hòa bình và phát triển, toàn cầu hóa và liên kết kinh tế vẫn là xu thế lớn, không thể đảo ngược, cho dù còn nhiều trở ngại do cạnh tranh, xung đột, chủ nghĩa dân tộc, dân túy gia tăng ở một số nơi. Những xu thế đó, cùng với những biến động về chính trị, kinh tế, xã hội của các nước, đặc biệt là các nước lớn và các nước láng giềng, đều tác động đến Việt Nam, đưa đến cho ta nhiều cơ hội mới nhưng những thách thức cũng rất gay gắt.
Phó thủ tướng khẳng định: “Đảng và Nhà nước luôn xác định: cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam! Kiều bào ta, dù xa Tổ quốc nhưng luôn mang trong mình lòng yêu nước, quê hương, hướng về cội nguồn. Kiều bào là cầu nối tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. Các hoạt động hợp tác về khoa học- công nghệ, đầu tư, kinh doanh, tài chính của kiều bào hiện nay đã trở thành nguồn lực quan trọng, đóng góp hiệu quả vào quá trình phát triển của đất nước”.
Theo Phó thủ tướng, trong số hơn 500 đại biểu có mặt tại đây ngày hôm nay, có nhiều đại biểu ở nhiều lứa tuổi khác nhau, người cao tuổi nhất 85, trẻ nhất 33, có vốn tri thức, kinh nghiệm phong phú và đa dạng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ nhiều nước trên thế giới, nhưng có một điểm chung vô cùng quí báu và đáng trân trọng là đều tâm huyết với sự phồn vinh của đất nước. Phó Thủ tướng đề nghị chúng ta trao đổi cụ thể về tiềm năng, cũng như những cơ hội và thách thức đối với TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, từ đó đề xuất những ý tưởng, biện pháp để chúng ta cùng đồng hành đưa TP.HCM và cả nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
TPHCM phát huy tối đa nguồn lực kiều bào
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết trong những năm qua TP.HCM luôn giữ vị trí đầu tàu, là trung tâm qui tụ động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của cả nước.
Trong giai đoạn 2015-2020, TP đã triển khai thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đúng định hướng, phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng đến chất lượng, hiệu quả và tính bền vững… Tuy vậy, việc huy động nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự phát triển của TP vẫn nhiều vấn đề đặt ra. Ở một số lĩnh vực, vai trò và đóng góp của kiều bào trên địa bàn TP vẫn chưa phát huy tối đa hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng tri thức, vốn kinh nghiệm quốc tế và nguồn tài chính qua trọng mà cộng đồng kiều bào đã tích lũy”.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong kêu gọi: “TP hiện đang đứng trước yêu cầu chuyển biến mạnh mẽ cả về thể chế, chính sách, nguồn nhân lực… Với mục tiêu này, TP thời gian qua đã thể hiện quyết tâm thay đổi, đồng thời đặt ra nhu cầu cần qui tụ và huy động mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực kiều bào. Tập trung thực hiện 7 Chương trình đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách hành chính… TP luôn cầu thị, nghiêm túc, trách nhiệm trên cơ sở nghiên cứu tiếp thu những ý kiến đóng góp hết sức tâm huyết, quý báu của đại biểu kiều bào. Đồng thời tích cực thảo luận để đưa ra các giải pháp khả thi, hiệu quả. Kết quả của Hội nghị lần này sẽ góp phần huy động, phát huy tốt hơn nữa trí tuệ của chuyên gia, tri thức, doanh nhân kiều bào cho công cuộc phát triển của đất nước và TP.HCM”.
Phải đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao Nhiều đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân đã bày tỏ những trăn trở và “hiến kế” cho sự phát triển chung của TP. - GS.TS Dương Nguyên Vũ- chuyên gia về hàng không châu Âu, nay về nước làm viện trưởng Viện John von Neumann thuộc Đại học Quốc gia TPHCM: Thế giới đang đứng trước sự thay đổi lớn về khoa học - công nghệ, do đó với vai trò là đô thị đi đầu để đón được những cơ hội từ “cơn bão công nghệ này”, TP phải đặc biệt chú trọng vào vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lẫn đầu tư mạnh cho khoa học. - Ông Võ Quang Huệ- Tổng giám đốc Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam (Đức): TP sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D) hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Vì với tiềm lực hiện tại, TP phải đi tiên phong về kinh tế tri thức so với cả nước. Muốn vậy, TP phải ưu tiên đầu tư cho giáo dục (trong đó có nâng cao khả năng ngoại ngữ).Đặc biệt, công tác đào tạo phải gắn liền với thực tiễn, hệ thống các trường đại học lớn phải là trung tâm R&D, kết hợp với doanh nghiệp để vừa đào tạo thực hành cho sinh viên và có thể trở thành “đối tác” của họ. |
Thu hút nguồn lực kiều bào TPHCM hiện là địa phương thu hút đông đảo đội ngũ doanh nhân, chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư, làm việc. Hiện có khoảng 200 chuyên gia, trí thức kiều bào từ nhiều quốc gia hợp tác làm việc tại TP, đồng thời có hơn 2.500 doanh nghiệp của kiều bào đang thực hiện 122 dự án. TP cũng là nơi thu hút phần lớn dòng kiều hối trong những năm qua, chiếm gần 50% so với cả nước. Cụ thể, tính đến cuối tháng 9-2016, lượng kiều hối chuyển về địa bàn TP qua các kênh chính thức đạt 3,25 tỷ USD, tăng hơn 12% so với tháng trước và tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo năm nay, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM tiếp tục khả quan, gần 6 tỷ USD. |