Quyết liệt hơn với hành vi sử dụng chất cấm trong thực phẩm

Thứ Bảy, 14/04/2018 11:32  | Ngô Đồng

|

(CAO) Theo PGS TS Phạm Khánh Phong Lan, hiện vẫn còn tình trạng một số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm do nhận thức yếu kém, chạy theo lợi nhuận và cố tình vi phạm sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Sáng 14-4, tại công viên 23/9, TP.HCM đã chính thức phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018.

"Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm nay diễn ra từ ngày 15-4 đến ngày 15-5-2018 với chủ đề "Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm", nhằm nâng cao mục đích tuyên truyền hướng dẫn sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn, nâng cao vai trò trách nhiệm, tầm quan trọng của việc thực hiện tốt các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm góp phần vào giảm thiểu ngộ độc thực phẩm.

Theo PGS TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, vẫn còn tình trạng một số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm do nhận thức yếu kém, chạy theo lợi nhuận và cố tình vi phạm sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: NĐ

Việc đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khỏe con người và còn là quyền cơ bản của mỗi người dân; an toàn thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, phát triển giống nòi, tăng cường nguồn lực con người, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ đắc lực cho việc giảm nghèo bền vững ở mỗi địa phương, quốc gia.

Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ngộ độc là do vi sinh vật, hoá chất, độc tố tự nhiên và do thức ăn hư hỏng, biến chất. Các tác nhân trên đều có thể xảy ra do sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra ở nhiều nơi; một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn vẫn lưu thông trên thị trường; thực phẩm nhập lậu vẫn diễn ra; điều kiện chăn nuôi, hạ tầng chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ còn nhiều yếu kém; sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không kiểm soát được an toàn vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn; công nghệ chế biến lạc hậu; tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng; yếu tố môi trường tự nhiên, môi trường sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức.

Theo PGS TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, một trong những nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm chưa cao do nhận thức yếu kém, chạy theo lợi nhuận và cố tình vi phạm của một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

PGS TS Phạm Khánh Phong Lan cho biết, tháng hành động nhắm đến ba mục tiêu chính, đó là tăng cường công tác truyền thông giáo dục và thông tin đến các đối tượng, nhất là vai trò của các nhà sản xuất, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, đặc biệt cơ sở nhỏ lẻ, làng nghề; tăng cường vai trò giám sát của cơ quan quản lý, tổ chức xã hội, người tiêu dùng và phấn đấu không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

PGS TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM. Ảnh: NĐ

Theo đó, ngành chức năng sẽ kiểm tra thường xuyên và xử lý quyết liệt hơn với những hành vi lưu thông mua bán, sử dụng hoá chất, kháng sinh cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế công bố; hành vi buôn bán vận chuyển thực phẩm nhập lậu trái phép, không rõ nguồn gốc xuất xứ; chủ động lấy mẫu tầm soát nguy cơ từ nơi nuôi trồng đến các chợ, truy xuất xử lý các trường hợp vi phạm.

Ngoài ra, Ban quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp trường học, công ty.

Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức lễ phát động, triển khai chương trình truyền thông, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành; chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường,xã quản lý chặt chẽ thức ăn đường phố; xây dựng và nhân rộng phường điểm về an toàn thực phẩm, xoá các chợ cóc, chợ tạm, vỉa hè.

Hưởng ứng "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2018 với chủ đề "Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm", mọi người, mọi nhà cần tích cực, chủ động giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo an toàn sức khoẻ cho bản thân, gia đình và xã hội.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Chống thực phẩm bẩn như cuộc chiến giữa kháng sinh với vi khuẩn
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang