Tình trạng thiếu vật tư y tế tạm thời được tháo gỡ

Thứ Sáu, 10/03/2023 16:38

|

(CATP) Liên tục trong các ngày 04-3 và 07-3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30 và Nghị định 07, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc mua sắm trang thiết bị y tế. Các nghị quyết, nghị định này vẫn mang tính chất tạm thời, trước mắt. Vấn đề lâu dài và căn bản là phải sửa luật, Luật giá, Luật trang thiết bị y tế (TTBYT), đặc biệt là Luật đấu thầu, ban hành các nghị định thông tư cụ thể hơn...

Tháo gỡ khó khăn trước mắt

Thực ra các vấn đề liên quan đến Nghị định 30 và Nghị quyết 07 đã được Thủ tướng chỉ đạo từ tháng 10-2022, khi tình trạng thiếu thốn TTBYT đã rất căng thẳng. Nghị quyết số 143/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2022, Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08-11-2021 của Chính phủ về quản lý TTBYT theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Chính phủ trong tháng 11-2022.

Ngày 22-11-2022, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế tổ chức hội nghị xin ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98, vì trong quá trình thực hiện nghị định này đã phát sinh những tình huống mới, gây khó khăn cho việc cung ứng, mua sắm, đấu thầu TTBYT của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh TTBYT, gây thiếu hụt nguồn cung TTBYT nghiêm trọng, ảnh hưởng tới việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Nghị quyết 30 đã tháo gỡ ít nhất 5 vấn đề về bảo hiểm y tế (BHYT) và mua sắm THBYT. Theo đó, về thanh toán BHYT các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau trúng thầu vật tư, hóa chất cung cấp theo kết quả lựa chọn nhà thầu (máy đặt, máy mượn), được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 15-11-2022, sẽ được tiếp tục thực hiện theo hợp đồng (quy định của Nghị định 98 không quá 12 tháng); với các hợp đồng đã ký từ ngày 15-11-2022 được tiếp tục thực hiện cho đến khi có thông báo mới. Về quy định tham khảo giá đấu thầu, quy định cũ phải có 3 báo giá, nay cho phép 1,2 báo giá vẫn thực hiện được, công khai thông báo giá lên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Với TTBYT có nhiều nhà thầu báo giá, trước kia chọn giá nhà thầu thấp nhất, nay cho phép chủ đầu tư, qua hội đồng khoa học đơn vị quyết định theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị. Về thanh toán BHYT đối với máy viện trợ, máy tặng từ nước ngoài, trước kia không được thanh toán BHYT, chỉ thanh toán các loại máy sở hữu toàn dân, nay cho phép thanh toán. Về trúng thầu hóa chất theo máy, trước đây rất khó thanh toán BHYT, nay được Quỹ BHYT thanh toán.

Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 04-3-2023 của Chính phủ đã đưa ra các quy định hết sức cần thiết, thuận lợi cho việc tổ chức mua sắm đấu thầu, nhất là quy định về báo giá.

Với Nghị định 07 của Chính phủ về quản lý TTBYT, nhằm giải quyết các tồn tại, hạn chế bất cập phát sinh trong thời gian vừa qua liên quan đến TTBYT, từng bước hoàn thiện thể chế quản lý Nhà nước về TTBYT, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, yêu cầu hội nhập quốc tế trong lĩnh vực này.

Những nội dung sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 07 bao gồm, giải quyết những vướng mắc liên quan đến giấy phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành TTBYT. Theo đó, giấy phép nhập khẩu TTBYT đã được cấp từ ngày 01-01-2018 đến 31-12-2021, được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31-12-2024; số đăng ký lưu hành đối với TTBYT là sinh phẩm chẩn đoán in vitro đã được cấp từ ngày 01-01-2014 đến 31-12-2019, được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31-12-2024.

Trong thời gian từ nay đến 31-12-2024, Bộ Y tế tập trung triển khai thực hiện việc cấp số đăng ký lưu hành TTBYT có giá trị không thời hạn để thay thế hoàn toàn cho các giấy phép nhập khẩu. Nghị định 07 cũng sửa đổi quy định về xuất nhập khẩu và tạm nhập, tái xuất TTBYT. Nghị định cũng sửa đổi quy định để giải quyết vướng mắc bất cập từ thực tiễn về kê khai giá. Theo đó, chỉ thực hiện kê khai giá đối với TTBYT khi có biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến nguồn cung cấp TTBYT, khả năng chi trả của người mua, khả năng thanh toán của Quỹ BHYT.

Nghị định số 07 cũng làm căn cứ để các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, cung ứng TTBYT và các nhà quản lý, các bệnh viện, cơ sở y tế công lập xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ nhằm góp phần cung cấp cho ngành y tế các TTBYT có chất lượng, đúng giá trị.

Cần hành lang pháp lý ổn định, lâu dài

Nghị quyết 30 và Nghị định 07 là cách xử lý kịp thời của Chính phủ nhằm giúp ngành y giải quyết được những khó khăn trước mắt, đã từng làm ngành y tế khủng hoảng TTBYT, đến nỗi một số bệnh viện phải tạm dừng thực hiện các ca mổ phiên, chỉ mổ cấp cứu những ca nặng. Tại nhiều bệnh viện lớn, một loạt máy móc phục vụ công tác khám chữa bệnh, cấp cứu được các đối tác biếu, tặng, viện trợ, tài trợ lâu nay phải "đắp chiếu" do chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân. Gần như tất cả các máy móc đó không thể đưa vào sử dụng vì rất khó khăn trong thanh quyết toán BHYT cho bệnh nhân, giờ đã được tháo gỡ.

Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức trong một ca mổ. Bệnh viện này đã "treo dao mổ" cách đây không lâu vì thiếu TTBYT. Ảnh của BV Việt Đức

Thực tế, các biện pháp trong Nghị quyết 30 và Nghị định 07 mang tính chất cấp bách và giải quyết tình thế chứ chưa xây dựng những văn bản pháp quy một cách căn cơ. Trong Nghị quyết này cũng đã giao cho các bộ, ngành liên quan xây dựng những văn bản pháp quy, những biện pháp về lâu dài trong công tác quản lý mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị, hóa chất.

Nghị quyết 30 đã cơ bản tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc trong thanh toán đến việc được đặt máy móc, hay không cần 3 báo giá nhà cung cấp... nhưng vẫn còn những vấn đề làm cho các lãnh đạo bệnh viện băn khoăn, như liệu công ty có báo giá sát với giá nhập khẩu hay không, cách lấy báo giá như thế nào để sau này không bị quy kết về giá, giá nhập về công ty có quyền được lời bao nhiêu phần trăm... Hay một vấn đề khác như việc sửa chữa TTBYT lớn, có giá trị cao bị hư hỏng như máy CT, máy MRI phải có trong kế hoạch trung hạn 5 năm. Sau đó, bệnh viện phải làm báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trình cấp có thẩm quyền thông qua HĐND TP, thì Nghị quyết 30 chưa đề cập đến.

Hoặc như xác định giá TTBYT như thế nào để bảo vệ người làm công tác đấu thầu, cần có cơ quan chủ trì định mức giá để sau này thanh tra, kiểm toán đều xoáy vào giá nhập khẩu, rồi xác định tình trạng có mua bán lòng vòng không, bệnh viện không thể biết được...

Tất cả cho thấy đây chỉ là nghị quyết, cần ban hành kịp thời các hướng dẫn cụ thể hơn để nghị quyết đi vào đời sống hiệu quả. Vấn đề lâu dài là cần sửa luật, đặc biệt là Luật đấu thầu, để từ đó sẽ ra các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện đầy đủ và căn bản. Các chuyên gia cho rằng Luật đấu thầu cần có một chương quy định riêng cho đấu thầu thuốc và TTBYT.

Luật đấu thầu còn nhiều bất cập, vì vậy ngày 20-9-2022, trong chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật đấu thầu (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cần xác định rõ tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong đấu thầu thời gian qua có nguyên nhân do luật không? Nếu có thì nằm ở những điều luật nào? Và sẽ sửa như thế nào? Nhiều đại biểu đã đề nghị làm rõ xem quá trình tổ chức thực hiện quy định về đấu thầu thuốc, TTBYT nói chung trong thời gian qua có những vấn đề gì mà tổ chức thực hiện khó như thế? Đồng thời nhấn mạnh, Luật phải khắc phục được vấn đề này. Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ cần đánh giá toàn diện, sâu sắc những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua để có những quy định cụ thể hơn.

Hy vọng Luật đấu thầu (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, nếu đủ điều kiện thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tới đây; cùng với Luật giá, trong đó có những điểm phải thể hiện đặc thù trong công tác quản lý của ngành y tế, sẽ đáp ứng các yêu cầu mới của ngành y tế trong đấu thầu TTBYT. Theo dự kiến đến tháng 9-2023, Bộ Y tế cũng sẽ trình Chính phủ kế hoạch xây dựng Luật TTBYT, trong đó thể chế hóa làm sao để phù hợp trên nguyên tắc hài hòa lợi ích của cả 4 bên: Nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở y tế và đặc biệt là người bệnh, để về lâu dài quản lý TTBYT tốt hơn và phù hợp với hội nhập quốc tế.

Việt Nam cũng nên có một trung tâm tiếp liệu quốc gia, chuyên lo việc thỏa thuận mua sắm TTBYT về cung ứng cho các cơ sở y tế công lập mà không cần phải qua đấu thầu, với sự tham gia của các chuyên gia kiểm toán, thanh tra, công an để bảo đảm mua sắm đúng luật. Việc này sẽ giúp giảm thời gian, công sức đấu thầu mà hiện các bệnh viện, cơ sở y tế công lập rất ngại làm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang