(CAO) Hôm 16-3, Reuters dẫn tuyên bố từ chính quyền Anh cho biết nước này muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cùng với việc duy trì mối quan hệ bền chặt với Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc.
Thông tin trên được đưa ra trong một tài liệu nêu các ưu tiên chính sách đối ngoại hậu Brexit (rời khỏi Liên minh Châu Âu) của nước này được công bố cùng ngày.
Trong tài liệu, Anh đặt mình vào thế đối đầu với Trung Quốc trong cuộc rà soát lớn nhất về chính sách đối ngoại và quốc phòng kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Trong đó, thủ tướng Anh - Boris Johnson muốn Anh phải là nước dẫn dắt trong một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, hợp tác và thương mại tự do.
Trong tài liệu, Anh xem Ấn Độ Dương “ngày càng trở thành trung tâm địa chính trị của thế giới” đồng thời nhấn mạnh việc triển khai tàu sân bay của nước này tới khu vực và thông báo chuyến thăm Ấn Độ đã bị hoãn trước đó sẽ diễn ra vào tháng 4.
Kể từ khi hoàn tất việc rút khỏi Liên minh châu Âu vào cuối năm ngoái, chính phủ của Johnson cho rằng Anh vẫn có ảnh hưởng lớn trên thế giới và tuyên bố chính quyền sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước.
Thủ tướng Anh - Boris Johnson - Ảnh: Reuters
“Tôi vô cùng lạc quan về vị thế của Vương quốc Anh trên thế giới và khả năng của chúng tôi để nắm bắt các cơ hội phía trước” - Johnson sẽ nói trong một tuyên bố trước quốc hội.
Anh giữ hai vai trò có ảnh hưởng trong năm nay: tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 đầu tiên sau đại dịch vào tháng 6 và hội nghị khí hậu COP26 vào tháng 11.
Các mối quan hệ giữa Anh với Trung Quốc, quốc gia đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới đã mâu thuẫn gay gắt về các vấn đề bao gồm việc Bắc Kinh áp luật an ninh quốc gia và tiến hành cải cách bầu cử ở Hong Kong, thuộc địa cũ của Anh. London cũng ngày càng lên tiếng chỉ trích ngành công nghiệp được nhà nước bao cấp của Trung Quốc và những lo ngại về an ninh xung quanh đầu tư của Trung Quốc vào Anh.
Việc Anh triển khai hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth đến Châu Á được lên kế hoạch từ lâu được cho là sẽ làm gia tăng căng thẳng quân sự ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp phần lớn diện tích.