Sau cuộc không kích Syria:

Ba mục tiêu của “chiến tranh phức hợp” mà Mỹ đạt được

Chủ Nhật, 15/04/2018 22:13

|

(CAO) Cuộc tấn công bằng không quân và tên lửa hành trình của Mỹ cùng với hai đồng minh Anh, Pháp ngày 13/4 (theo giờ Mỹ) vào các căn cứ bị nghi ngờ có chứa vũ khí hóa học của chính phủ Syria là một phương thức triển khai cụ thể cho chiến lược “chiến tranh phức hợp” đang được Mỹ triển khai tại Syria.

Đây là một góc nhìn của TS.Bùi Hải Đăng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ, ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM về cuộc không kích được cả dư luận quốc tế quan tâm. Báo điện tử Công an TP.HCM giới thiệu bài viết của TS. Bùi Hải Đăng đến bạn đọc.

Gọi là “chiến tranh phức hợp” vì đây là loại hình chiến tranh có sự kết hợp giữa các phương tiện chiến tranh truyền thống và phi truyền thống, trên nhiều quy mô khác nhau và có sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau (cả quốc gia và phi quốc gia).

Ngay từ đầu, Tổng thống Mỹ D.Trump đã chọn hình thức này để giảm thiểu các thiệt hại về nhân lực và khí tài cho phía Mỹ, hạn chế tối đa khả năng sa lầy của quân đội Mỹ tại các chiến trường Trung Đông như các đời tổng thống tiền nhiệm.

Sự kết hợp giữa sức ép về truyền thông - thương mại - quân sự từ phía Mỹ, sự hỗ trợ của các nhóm phiến quân chống đối chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad và sự xuất hiện của lực lượng ISIS trên lãnh thổ Syria, cuộc “chiến tranh phức hợp” do Mỹ phát động tại Syria dường như đã có cấu trúc hoàn thiện cho đến khi có sự can thiệp từ phía Nga.

Oanh tạc cơ B-1B Lancer của không quân Mỹ tham gia cuộc không kích chớp nhoáng, mang theo tên lửa hành trình AGM-158 JASSM

Tuyên bố thắng lợi trong cuộc chiến chống lực lượng khủng bố ISIS của chính phủ Syria vào tháng 3/2018 và tuyên bố “chiến tranh Syria đã kết thúc” giữa ba nước Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran vào đầu tháng 4/2018 đã chính thức đẩy phía Mỹ vào tình thế mất hẳn ảnh hưởng tại Syria về phía Nga sau 8 năm đầu tư vào cuộc nội chiến Syria. Tuy nhiên, từ thế bất lợi trên thực địa, Mỹ đã có một cuộc tấn công được xem là phát huy tối đa tính ưu việt của hình thức “chiến tranh phức hợp”, qua đó duy trì trở lại sự cân bằng ảnh hưởng trong vấn đề Syria.

Tuy chỉ diễn ra trong khoảng 45 phút, nhưng cuộc “tấn công chính xác” bằng các loại tên lửa “mới, đẹp và thông minh” theo lời của Tổng thống Mỹ D.Trump trên thực tế đã đạt được 3 mục tiêu quan trọng như sau:

Một là, khẳng định sự sẵn sàng can thiệp của liên minh Mỹ - Anh - Pháp tại Trung Đông, đối trọng với trục Nga – Iran – Thổ Nhĩ Kỳ vốn đang tạo nên ảnh hưởng tuyệt đối trên địa bàn Syria. Việc lôi kéo được Pháp (quốc gia có cùng “mẫu số chung” với Mỹ khi ủng hộ người Kurd tự trị ở các vùng lãnh thổ phía bắc Syria) và Anh (quốc gia mong muốn khẳng định vị trí cường quốc về không quân của thế giới) là một thắng lợi về ngoại giao quan trọng của ông Trump trong việc cân bằng quyền lực với phía Nga tại Syria. Thậm chí, Mỹ còn phân hóa được lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi trục Nga – Iran, khi Tổng thống R.Erdogan tuyên bố cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh vào Syria là “đúng đắn” (vì thực tế Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ủng hộ Nga, Iran trong vấn đề hợp tác chống lại người Kurd).

Hai là, Mỹ cùng với Anh và Pháp đều khẳng định rằng họ chứng cứ xác thực về vũ khí hóa học tại Syria, nhưng đều là các dữ liệu tối mật. Việc không kích tiêu diệt các căn cứ “bị nghi” là chứa vũ khí hóa học của chính phủ Syria sẽ kéo dài thời gian thanh sát của các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, giúp cho phía Mỹ vẫn thoát được các ràng buộc pháp lý quốc tế. Ngay cả Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng phải xác nhận chưa đủ thời gian để xác định Syria có hay không có vũ khí hóa học tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an ngày 14/4.

Ba là, Mỹ duy trì được các phương án tối thiểu hóa thiệt hại trên thực địa, chuyển chiến đấu “phức hợp” sang mặt trận thông tin. Sự khác biệt hoàn toàn giữa các số liệu công bố của chính phủ Mỹ (bắn tổng cộng 105 tên lửa các loại trúng mục tiêu và phía Nga – Syria không đánh chặn được bất kỳ tên lửa nào) và chính phủ Nga (ghi nhận Mỹ bắn 103 tên lửa và phòng không Syria đã bắn chặn 71 quả, tỷ lệ 2/3) là minh chứng điển hình cho mặt trận thông tin giữa hai phía đang diễn ra. Trên thực tế, có nguồn tin ghi nhận việc Mỹ đã dùng mặt trận thông tin này để rải truyền đơn về các địa điểm sẽ bị tấn công cho người dân và chính phủ Syria rút lực lượng ra khỏi từ đầu tuần – giúp Mỹ giảm thiểu các thương vong vào dân thường, đồng thời tránh tấn công các vị trí có quân Nga đóng giữ nhằm tránh phạm quá “giới hạn đỏ”.

Như vậy, bằng cuộc tấn công ngày 13/4, Mỹ vừa xoay chuyển tình thế tại Syria một cách khéo léo, vừa không để cho phía Nga và dư luận quốc tế có đủ chứng cứ để leo thang vấn đề Syria lên quá tầm kiểm soát của các bên. Đây là một bước đi được tính toán chặt chẽ, kỹ lưỡng trên nhiều phương diện, và là một trường hợp điển hình cho việc phát huy “chiến tranh phức hợp” mà phía Mỹ đang sử dụng bài bản tại Syria.

Bình luận (0)

Lên đầu trang