(CAO) Hôm 21-2, AAP đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý về nguyên tắc để tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về vấn đề Ukraine nhằm vạch ra một con đường khả thi để thoát khỏi khủng hoảng.
Văn phòng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết trong một tuyên bố về việc Macron đã thuyết trình với cả hai nhà lãnh đạo về việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh liên quan đến vấn đề Ukraine để bàn về "sự ổn định an ninh và chiến lược ở châu Âu".
Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố rằng Biden đã chấp nhận cuộc họp "về nguyên tắc" nhưng chỉ với điều kiện "nếu một cuộc xâm lược không xảy ra".
"Chúng tôi luôn sẵn sàng về ngoại giao" - Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói. "Chúng tôi cũng sẵn sàng áp đặt những hậu quả nhanh chóng và nghiêm trọng nếu Nga lựa chọn chiến tranh".
Văn phòng của Macron và Nhà Trắng cho biết nội dung của hội nghị thượng đỉnh sẽ được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thảo luận trong cuộc gặp dự kiến vào ngày 24-2.
Tin tức về đề xuất của Macron được đưa ra sau một tuần căng thẳng gia tăng do Nga tăng cường quân sự ở biên giới Ukraine, điều mà các nước phương Tây cho là màn dạo đầu cho một cuộc tấn công có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Nga phủ nhận mọi ý định xâm lược, nhưng kèm với đó Bộ Quốc phòng Belarus thông báo rằng Nga sẽ kéo dài các cuộc tập trận quân sự ở Belarus dự kiến kết thúc vào ngày 20-2.
Biden - Putin đồng thuận họp thượng đỉnh về vấn đề Ukraine - Ảnh: AAP
Công ty hình ảnh vệ tinh Maxar có trụ sở tại Mỹ đã báo cáo về nhiều đợt triển khai mới của các đơn vị quân đội Nga trong các khu rừng, trang trại và khu công nghiệp cách biên giới với Ukraine chỉ 15 km.
Blinken cho biết hôm 20-2 rằng việc kéo dài các cuộc tập trận ở Belarus, giáp biên giới với Ukraine về phía bắc, khiến ông lo lắng rằng Nga đang trên bờ vực của một cuộc tấn công.
Trong khi đó, các cuộc pháo kích lẻ tẻ xuyên ranh giới phân chia lực lượng chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine đã gia tăng vào tuần trước.
Hôm 21-2, quân ly khai cho biết hai dân thường đã thiệt mạng trong cuộc pháo kích của quân chính phủ Kyiv, hãng thông tấn RIA của Nga đưa tin.
Kyiv cáo buộc các lực lượng thân Nga đã nã pháo vào chính đồng bào của họ trong khu vực ly khai để đổ lỗi cho các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng chính phủ Ukraine.
Các nước phương Tây đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mà họ cho rằng sẽ áp dụng rộng rãi đối với các công ty và cá nhân Nga trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược.
Thủ tướng Anh Boris Johnson nói với BBC rằng các biện pháp như vậy có thể bao gồm các hạn chế đối với quyền tiếp cận của các doanh nghiệp Nga với đồng đô la và bảng Anh.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói với đài truyền hình Đức ARD rằng Nga "về nguyên tắc sẽ bị cắt khỏi thị trường tài chính quốc tế" và bị cắt khỏi các mặt hàng xuất khẩu lớn của châu Âu.