(CAO) Một ngôi sao chổi mới được phát hiện sẽ tiến gần nhất đến Trái Đất vào ngày 1-2. BBC đưa tin hành trình của nó tiến về Trái đất mất khoảng 50.000 năm.
Các bức ảnh do các nhà thiên văn chụp được cho thấy thân sao chổi bao phủ một màu xanh lục khác biệt xung quanh.
Độ sáng của nó nằm ngay ngưỡng có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Tiến sĩ Robert Massey, phó giám đốc điều hành của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia Anh nhận định: “Bạn có thể đã thấy những báo cáo nói rằng chúng ta sẽ thấy được vật thể màu xanh sáng này thắp sáng bầu trời. Đáng buồn thay, sao chổi này không như vậy".
“Tuy nhiên, trong trường hợp không có ô nhiễm ánh sáng và bên dưới bầu trời tối đen, bạn có thể nhìn thấy một vệt mờ trên bầu trời - nếu bạn biết mình đang tìm kiếm thứ gì” – vị tiến sĩ nói thêm.
Những người thích ngắm sao sẽ có cơ hội phát hiện ra nó tốt hơn khi sử dụng ống nhòm, trong đó nó sẽ xuất hiện dưới dạng một vệt màu trắng mờ.
Sao chổi xanh C/2022 E3 (ZTF) - Ảnh: BBC
Sao chổi chủ yếu bao gồm băng và bụi. Khi chúng đến gần Mặt trời, băng bị bốc hơi và bụi bay ra để tạo ra chiếc đuôi dài đặc trưng.
Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra sao chổi C/2022 E3 (ZTF) vào tháng 3 năm ngoái tại Đài quan sát Palomar ở bang California (Mỹ).
Nó sẽ tiếp cận Trái đất gần nhất ở khoảng cách khoảng 41 triệu km vào ngày 1-2 này.
Vật thể bắt nguồn từ đám mây Oort, một tập hợp các vật thể băng giá ở rìa Hệ Mặt trời.
Màu xanh lục của sao chổi không phải là hiếm và thường là kết quả của sự phân hủy một phân tử phản ứng có tên là dicacbonat – gồm hai nguyên tử cacbon liên kết với nhau bằng liên kết đôi.