(CAO) Giống như mò kim đáy bể – một viên nang bạc có kích thước 8 mm x 6 mm, không lớn hơn một đồng xu, được cho là đã bị thất lạc ở đâu đó dọc theo một đoạn đường cao tốc băng qua sa mạc rộng lớn ở tiểu bang lớn nhất của nước Úc.
Công ty khai thác mỏ Rio Tinto đã đưa ra lời xin lỗi hôm 30-1 về việc họ đang nỗ lực cùng chính quyền bang tìm kiếm viên nang chứa Caesium-137, một chất phóng xạ nồng độ cao được sử dụng trong thiết bị khai thác mỏ.
Rio Tinto cho biết họ đã kiểm tra tất cả các con đường ra vào khu mỏ Gudai-Darri ở phía bắc xa xôi của bang Tây Úc.
Các nhà chức trách tin rằng viên nang phát ra cả tia gamma và tia beta đã rơi ra khỏi thùng sau của một chiếc xe tải chạy dọc theo đoạn đường dài 1.400 km trên con đường vượt sa mạc Great Northern.
Do kích thước nhỏ bé của viên nang và khu vực lớn liên quan đến hoạt động tìm kiếm, giới chức cảnh báo cơ hội tìm thấy nó là rất mong manh.
Và đã có những lo ngại rằng nó có thể đã được mang đi xa hơn khỏi khu vực tìm kiếm, tạo ra nguy cơ sức khỏe vì nhiễm phóng xạ cho bất kỳ ai bắt gặp nó trong 300 năm tới.
Chính quyền bang đã đưa ra báo động vào tuần trước, cảnh báo người dân về sự hiện diện của sự cố phóng xạ trên khắp một vùng phía nam của bang, bao gồm cả vùng ngoại ô phía đông bắc của Perth, thủ phủ của bang, nơi sinh sống của khoảng 2 triệu người.
Theo các nhà chức trách, viên nang được đặt bên trong một gói hàng vào ngày 10/1 và được một nhà thầu mang đi từ khu mỏ Gudai-Darri của công ty Rio Tinto vào ngày 12/1.
Lực lượng chức năng bang Tây Úc dùng máy dò phóng xạ để tìm kiếm viên nang chứa Caesium-137 - Ảnh: AP
Chiếc xe đã trải qua 4 ngày trên đường và đến Perth vào ngày 16/1, nhưng chỉ được dỡ hàng để kiểm tra vào ngày 25/1 – khi họ phát hiện viên nang chứa phóng xạ mất tích.
Sở Cứu hỏa và Dịch vụ Khẩn cấp (DFES) cho biết: “Khi mở gói hàng, người ta phát hiện ra rằng máy đo đã bị gãy rời với một trong bốn bu lông lắp bị mất và bản thân nguồn và tất cả các vít trên máy đo cũng bị mất".
Họ tin rằng những rung động mạnh do đường gập ghềnh gây ra đã làm hỏng gói hàng – làm bật chốt giữ cố định gói hàng.
Các chuyên gia đã cảnh báo Caesium-137 có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho những người tiếp xúc với nó: bỏng da do tiếp xúc gần, bệnh phóng xạ và nguy cơ ung thư chết người, đặc biệt đối với những người vô tình tiếp xúc trong thời gian dài.
Radiation Services WA, một công ty cung cấp lời khuyên về bảo vệ bức xạ, cho biết việc đứng cách viên nang trong vòng 1m trong một giờ sẽ bị nhiễm xạ với liều lượng khoảng 1,6 millisievert (mSv), tương đương với khoảng 17 lần chụp X-quang ngực tiêu chuẩn.
Công ty cho biết trong một tuyên bố rằng việc nhặt viên nang sẽ gây ra “tổn thương nghiêm trọng” cho ngón tay và các mô xung quanh.
Ivan Kempson, phó giáo sư Vật lý sinh học tại Đại học Nam Úc, cho biết trường hợp xấu nhất sẽ là một đứa trẻ tò mò nhặt viên nang và bỏ vào túi.
Kempson nói: “Điều này rất hiếm nhưng có thể xảy ra và đã xảy ra trước đây. Đã có một số ví dụ trước đây về việc những người tìm thấy những thứ tương tự và bị nhiễm độc phóng xạ nhưng chúng mạnh hơn nhiều so với viên nang hiện tại đang bị mất tích. Tất cả chúng ta đều tiếp xúc với mức độ phóng xạ liên tục từ những thứ xung quanh và thực phẩm chúng ta ăn, nhưng mối quan tâm hàng đầu hiện nay là tác động tiềm ẩn đối với sức khỏe của người tìm thấy viên nang”.
Vụ việc đã gây sốc khi các chuyên gia cho rằng việc xử lý các vật liệu phóng xạ như Caesium-137 được quản lý chặt chẽ với các quy trình nghiêm ngặt đối với việc vận chuyển, lưu trữ và xử lý chúng.
Rio Tinto cho biết họ thường xuyên vận chuyển và lưu trữ hàng hóa nguy hiểm như một phần trong hoạt động kinh doanh của mình và thuê các nhà thầu chuyên nghiệp để xử lý các vật liệu phóng xạ. Trong một tuyên bố, viên nang nhỏ là một phần của máy đo mật độ được sử dụng tại khu mỏ Gudai-Darri để đo mật độ của quặng sắt.
Kích thước viên nang thất lạc chứa phóng xạ còn nhỏ hơn đồng xu - Ảnh: CNN
Caesium-137 có chu kỳ bán rã khoảng 30 năm, nghĩa là sau ba thập kỷ, nồng độ phóng xạ của viên nang sẽ giảm đi một nửa và sau 60 năm, nó sẽ lại giảm một nửa.
Deb từ Đại học RMIT cho biết, với tốc độ đó, viên nang có thể gây nhiễm phóng xạ cho người nhặt nó trong 300 năm tới.
“Caesium-137 thường là một nguồn kín – nghĩa là nếu nó không bị vỡ, nó sẽ không làm ô nhiễm đất hoặc môi trường… Nếu viên nang không bao giờ được tìm thấy, nó sẽ không gây ô nhiễm hoặc truyền phóng xạ vào khu vực đất xung quanh” - Deb nói thêm.
Kempson, từ Đại học Nam Úc, nói rằng nếu viên nang này lạc trong một khu vực biệt lập, thì “rất khó có thể gây ra nhiều tác động”.
Rio Tinto, một trong những công ty khai thác mỏ lớn nhất thế giới, vận hành 17 mỏ quặng sắt ở vùng Pilbara của bang Tây Úc. Các hoạt động khai thác của công ty đã gây ra tranh cãi trong quá khứ, bao gồm cả việc phá hủy hai hầm đá cổ tại Hẻm núi Juukan vào năm 2020, khiến Giám đốc điều hành lúc bấy giờ là Jean-Sébastien Jacques phải xin lỗi và từ chức.