(CAO) Từng tồn tại là một trong những thành phố phồn vinh nhất triều La Mã cổ đại, với nền nông nghiệp và giao thương phát triển mạnh. Chỉ sau một thảm họa tự nhiên khắc nghiệt,
Pompeii cùng các cư dân bị nhấn chìm và biến mất hoàn toàn. Mặc dù các nhà khảo cổ đã tìm ra thành cổ này vào thế kỷ 18, nhưng câu chuyện về Pompeii vẫn thu hút sự tò mò trên khắp thế giới.
Vesuvius – thảm họa không lường trước
Từ khi bắt đầu có sự xuất hiện của người Hy Lạp vào thế kỷ 8 TCN cho đến khi thảm họa xảy ra, Pompeii trải qua hơn 8 thế kỷ được thiên nhiên ưu đãi. Nhờ nó mà nơi đây mới có điều kiện phát triển vượt bậc và dần trở thành nơi định cư bậc nhất tại châu Âu thời bấy giờ.
Nhưng cũng chính vì thế mà cư dân của Pompeii không hề hay biết, hoặc họ đã phớt lờ, một mối nguy tiềm ẩn từ chính thiên nhiên, nơi đem đến cho họ sự giàu sang. Các nhà phân tích đưa ra kết luận lý do khiến đất đai ở Pompeii được phì nhiêu là nhờ các trận phun trào núi lửa.
Cách thành phố chưa đầy 10km, là ngọn núi lửa hùng vĩ Vesuvius. Các trận phun trào đã tạo ra lớp đất đai từ tro tàn và nham thạch. Theo trang giáo dục Discover the World, lớp đất tại vùng vịnh Naples do núi lửa Vesuvius bồi đắp rất giàu các dưỡng chất Nitơ, Phốtpho, Kali tốt cho cây trồng. Pompeii, nhờ đó cũng được hưởng lợi bởi núi Vesuvius.
Nhưng cũng chính Vesuvius lại là lý do khiến thành phố bị hủy diệt mãi mãi. Vào ngày 24 tháng 8 năm 79 SCN, ngọn núi khổng lồ bắt đầu một đợt phun trào bất ngờ. Và Pompeii cũng bắt đầu trôi vào dĩ vãng từ đây.
Thế nhưng dù sống ngay cạnh một ngọn núi lửa có thể được nhìn thấy ngay trong thành phố, thì chẳng ai hay biết gì về hiểm họa mà nó gây ra cho tới ngày định mệnh hôm đó. Thậm chí không ai biết Vesuvius chính là một ngọn núi lửa.
Theo ART, lý do chính khiến nhiều người dân ở Pompeii không ý thức được sự nguy hiểm là do Vesuvius đã không phun trào trong 1,800 năm. Trang History thì chỉ ra rõ lần cuối cùng ngọn núi chết người “bùng nổ” là vào khoảng năm 1780 TCN. Với công nghệ thô sơ thời đó, có lẽ những người Pompeii không hiểu về ngọn núi không phải là điều lạ lùng.
Nhưng cũng không thể nói rằng người dân thành phố đã không nhận được bất kỳ cảnh báo nào. Vào năm 62 SCN, tức chỉ 17 năm trước khi tấn thảm kịch xảy ra, một trận động đất dữ dội đã làm rung chuyển cả một vùng Campania. Các chuyên gia địa chất giải thích rằng hơi nước và khí gas năm đó bỗng nhiên tăng cao đột ngột bên trong Vesuvius. Tuy nhiên, nó không thể tìm được đường thoát ra trên miệng núi lửa. Vì vậy một vụ nổ bên dưới bề mặt xảy ra, gây ra một chấn động thay vì một vụ phun trào.
“Đòn cảnh báo” vào năm 62 của Vesuvius khiến cho nhà cửa, đường xá và các công trình ở Pompeii và Herculaneum bị phá hủy nặng nề. Một số người quyết định rời bỏ thành phố. Nhưng đại đa số vẫn chọn ở lại và càng tệ hơn, việc chính quyền La Mã cho tái thiết Pompeii khiến cho mỗi năm số người định cư ở đây mỗi tăng thêm.
Ngày nay, núi lửa Vesuvius vẫn còn đang hoạt động và tiềm tàng nhiều mối hiểm nguy. Lần cuối cùng nó phun trào xảy ra vào năm 1944. Các chuyên gia lo ngại nó có thể bắt đầu một đợt phun trào mới bất cứ lúc nào và việc di tản cư dân vùng lân cận nhằm tránh những thảm họa như Pompeii sẽ gặp nhiều khó khăn.
Sự tàn phá kinh hoàng
Cho đến nay, vụ phun trào của Vesuvius vào ngày 24 tháng 8 năm 79 vẫn được xem là một trong những đợt phun trào lớn nhất trong lịch sử. Các nhà nghiên cứu núi lửa đã chỉ ra được những con số khiến nhiều người phải ngỡ ngàng trước sức tàn phá của nó.
Theo đó, Vesuvius bắt đầu đợt phun trào định mệnh của mình vào khoảng giữa trưa. Ancient miêu tả mọi thứ bắt đầu bằng một tiếng nổ động trời. Ngọn núi lửa đã đẩy những mảng lớn khói bụi, đất đá và cả khí gas nóng vào bầu khí quyển. Đám mây được đẩy ra từ miệng núi lửa vươn cao trên bầu trời, lên đến tận 43km.
Pliny trẻ - một nhà quản lý và là nhà thơ của La Mã, là người tận mắt chứng kiến thảm họa diễn ra ở Pompeii. Trong các bức thư ông viết gửi cho nhà sử học Tacitus, Pliny trẻ đã so sánh vụ phun trào trông giống như một “cây thông”. “Nó giống như một cây thông hơn bất kỳ loại cây nào khác. Đám mây như một cái cây rất cao và nở ra như những nhánh cây. Có khi nó màu trắng, có khi nó sẫm màu và liên tục được nhuộm bởi màu cát và tro bụi”, Pliny trẻ dẫn chứng.
Những mảng tro, đá cùng nhiều mảnh vở bị đẩy ra từ miệng núi lửa mau chóng trút xuống Pompeii, nơi chỉ cách nó chưa đến 10km. Ban đầu, những mảng miếng này có kích thước nhỏ nhưng trút xuống theo mức độ dày đặc. Càng về sau, những miếng lớn hơn bắt đầu xuất hiện. Theo Britannica, thành phố bị nhấm chìm dưới 3 mét đất đá, khiến nhiều nhà cửa đổ sập chỉ trong vài giờ đầu tiên.
Vesuvius tiếp tục cơn thịnh nộ của mình cho đến sáng ngày 25 tháng 8. Lúc này, những điều tồi tệ nhất mới bắt đầu đổ xuống Pompeii. Khí gas độc có nhiệt độ cao bắt đầu tiến đến tường thành và mau chóng lan tỏa khắp nơi. Tệ hại hơn, những dòng nham thạch cũng bắt đầu tiến vào rất nhanh. Theo ước tính, núi lửa Vesuvius đã phun ra đến 1,5 triệu tấn dung nham mỗi giây. Dòng nham thạch chạy chảy từ sườn núi thì đạt tốc độ đến 724km/h và có nhiệt độ lên đến 999 độ C.
Với sức tàn phá kinh khủng như vậy, Pompeii không thể xứng là “đối thủ” của Vesuvius. Sau trận phun trào, Pompeii và thành phố lân cận Herculaneum bì vùi lấp dưới hàng tấn lớp tro và dung nham núi lửa.
Cư dân ở Pompeii thì hoàn toàn không hề biết được về vụ phun trào cho đến khi nó xảy ra. Dù vậy, khá may mắn rằng đa số cư dân của thành phố đều trốn thoát thành công. Người ta ước tỉnh khoảng 2.000 người chết trong thảm họa núi lửa, tức chỉ khoảng 13% dân số.
Từ sau thảm họa, mọi nỗ lực tái định cư tại đây đều bất thành. Nó dần bị lãng quên theo năm tháng. Phải mất đến rất nhiều thế kỷ sau đó, những nhà khảo cổ học mới tìm thấy và bắt đầu khai quật Pompeii. Từ năm 1748, Pompeii được “hồi sinh” với những phát hiện đầy lý thú.