Thành phố bị hủy diệt Pompeii - Kỳ 1: Thành phố phồn hoa của đế chế La Mã

Thứ Hai, 31/07/2017 06:04  | Đức Thiện

|

(CAO) Từng tồn tại là một trong những thành phố phồn vinh nhất triều La Mã cổ đại, với nền nông nghiệp và giao thương phát triển mạnh. Chỉ sau một thảm họa tự nhiên khắc nghiệt, Pompeii cùng các cư dân bị nhấn chìm và biến mất hoàn toàn. Mặc dù các nhà khảo cổ đã tìm ra thành cổ này vào thế kỷ 18, nhưng câu chuyện về Pompeii vẫn thu hút sự tò mò trên khắp thế giới.

Vùng trù phú bị tranh giành

Pompeii nằm trong vùng Campania, một khu vực bờ biển về phía tây nam nước Ý. Nó nằm gần thành phố Naples và núi lửa Vesuvius. Sự hình thành và phát triển của Pompeii trải qua giai đoạn lịch sử tương đối phức tạp. Nhưng nhìn chung, đây là vùng đất của sự trù phú và là mục tiêu tranh giành của các đế chế cổ đại.

Theo trang History, người Hy Lạp bắt đầu lập thuộc địa ở vùng Campania từ thế kỷ thứ 8 TCN. Từ lúc đó, họ đã xem Pompeii là một khu cảng biển quan trọng. Vùng Campania bao gồm Pompeii trải qua nhiều cuộc chiến tranh tranh giành giữa người Hy Lạp với người Etruscans.

Trong khoảng thời gian từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 6 TCN, người Oscan – hay còn gọi là Osci, mới bắt đầu thành lập thành phố Pompeii một cách chính thức. Những người khai hoang vùng đất sớm nhận ra nơi đây cũng như vùng lân cận hội tụ hai yếu tố thế mạnh: khí hậu thuận lợi và đất đai phì nhiêu. Nhờ những điều kiện này mà Pompeii có thể phát triển mạnh các hoạt động nông nghiệp, đặc biệt trong việc trồng nho và ôliu.

Trải qua một giai đoạn lịch sử tiếp theo, người Samnite cũng bắt đầu xâm chiếm dần Pompeii cùng những khu vực khác của Campania và đến thế kỷ thứ 5 TCN, họ trở thành những người cai trị thành phố. Tuy nhiên, đế chế của người Samnite ở đây cũng không tồn tại quá lâu. Trải qua cuộc chiến kéo dài gần hơn nửa thế kỷ với người La Mã, người Samnite sau cùng cũng phải nhường lại quyền cai trị Pompeii. Từ thế kỷ 4 TCN, Pompeii chính thức chịu ảnh hưởng của đế chế La Mã.

Dù vậy, những người sống tại Pompeii đa phần có nguồn gốc là người Samnite, vì vậy dù để cho La Mã cai trị song họ vẫn giữ thái độ không phục. Pompeii tồn tại trong tình trạng “bằng mặt không bằng lòng”. Họ sử dụng ngôn ngữ riêng và tư tưởng theo người Samnite.

Về lâu dài, tình trạng này dần dẫn đến sự cực đoan, khiến cho các cuộc nổi dậy manh nha nổ ra. Một trong số đó diễn ra vào năm 80 TCN, buộc viên tướng quân đội khét tiếng tàn bạo của La Mã là Lucius Cornelius Sulla tiến hành bố ráp thành phố và biến nó cùng nhiều vùng tại Campania thành “Thuộc địa của Venus”. Nói cách khác, Pompeii chính thức thuộc sở hữu của La Mã từ đây.

Chốn xa hoa của giới quý tộc

Việc Pompeii lần lượt bị đặt dưới sự kiểm soát của nhiều đế chế và phải tranh giành bằng các cuộc chiến cho thấy giá trị của nó. Sau khi trở thành một phần của La Mã, Pompeii bắt đầu chịu ảnh hưởng mạnh mẽ. Ngôn ngữ Latinh bắt đầu thay thế tiếng của người Oscan. Thể chế, kiến trúc và văn hóa cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ.

Toàn bộ thành phố được bao bọc bằng các bức tường thành kiên cố, với rất nhiều cổng thành để ra vào. Theo Ancient miêu tả, mỗi khu vực đặt cổng thành sẽ có hai đến ba cánh cổng, mỗi cánh cổng sẽ dành mỗi loại tầng lớp khác nhau trong xã hội hoặc một số loại phương tiện giao thông nhất định.

Bên trong thành phố, đường xá được xây dựng và mở rộng. Nhiều con đường rộng rãi được lát đá, nhưng không được đặt tên hay đánh số. Một số bằng chứng khảo cổ chỉ ra rằng khi đó, người La Mã đã đặt một số tuyến đường thành đường một chiều để thuận tiện qua lại. Điều đó cho thấy sự phồn vinh Pompeii ngay cả trên các con phố.

Nhà cửa trong thành phố cũng cực kỳ đa dạng, từ những căn nhà bình thường cho đến các cửa hàng, đền thờ, quán rượu, trường học, đấu trường,…và cả những căn biệt thự nguy nga tráng lệ.

Chính sự phồn vinh nơi đây mà rất nhiều người trong giới quý tộc La Mã chọn Pompeii để du lịch nghỉ mát. Các cuộc khai quật đã giúp tìm ra các tòa biệt thự nguy nga, tráng lệ với nội thất và trang trí xa hoa. Hầu hết chúng được xây vào thế kỷ 2 TCN và mang đậm dấu ấn từ khi còn là thuộc địa của Hy Lạp. Nhiều căn nhà có cả bể bơi đặt trong vườn, đài phun nước, vách thạch cao,…

Một trong những nhân vật quan trọng của đế chế La Mã là hoàng đế Nero cũng được cho là sở hữu một căn biệt thự nguy nga ngay tại Pompeii.

Pompeii không chỉ là chốn xa hoa, nó còn là nơi lưu trữ nhiều giá trị văn hóa của La Mã cổ đại. Năm 75 TCN, đấu trường với kiến trúc vòng đặc trưng được xây dựng, có sức chứa lên đến 5000 người.

Giao thương cũng là một thế mạnh quan trọng của Pompeii và nó được đế chế La Mã xem là một trong những khu vực quan trọng nhất để phát triển kinh tế. Không chỉ bởi nó sở hữu nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, mà còn bởi vị trí thuận lợi cho trao đổi hàng hóa. Cũng như người Hy Lạp từ khi khai thiên lập địa, người La Mã cũng ý thức được tầm quan trọng của cảng biển Pompeii.

Cảng tại Pompeii là nơi có vai trò quan trọng nhất tại vịnh Naples. Đó là lý do mà hàng hóa từ các nơi xung quanh như Nola, Nuceria và Aceria tập trung về đây rồi từ đó vận chuyển, phân phối trên khắp đế chế hoặc buôn bán, giao thương với nước ngoài.

Ôliu, dầu ôliu, rượu vang, lùa mì, sợi len, muối,… thì được mang đi xuất khẩu. Pompeii còn là nơi cho các thương lái nước ngoài mang hàng hóa đến để buôn bán. Những mặt hàng mà thành đô này cho nhập khẩu bao gồm trái cây ở những xứ khác, gia vị, lụa,… Thậm chí, nơi đây còn là điểm để các điền chủ mua nô lệ từ các xứ khác nhằm phục vụ cho nền kinh tế nông nghiệp đồ sộ.

Trải qua thời gian nhiều thế kỷ tranh chấp rồi ổn định và phát triển vượt bậc. Thế nhưng mọi thứ lại không thể tồn tại vĩnh viễn với Pompeii. Một thảm kịch bất ngờ ập đến vào một ngày mùa thu năm 79 SCN, nhấn chìm thành phố vĩnh viễn dưới đống tro tàn suốt hàng ngàn năm…

Bình luận (0)

Lên đầu trang