Hơi cay là nguyên nhân chính gây thảm hoạ giẫm đạp ở SVĐ Indonesia

Thứ Tư, 02/11/2022 20:42

|

(CAO) Một báo cáo cho biết, hơi cay do cảnh sát Indonesia xịt vào tháng trước đã gây ra vụ giẫm đạp chết người tại một trận đấu bóng đá khiến 135 người thiệt mạng.

Ủy ban nhân quyền nước này (Komnas HAM) cũng cho biết, hầu hết các trường hợp tử vong tại sân vận động Kanjuruhan ở Malang, Đông Java, là do ngạt thở.

Cơ quan này cũng chỉ ra việc các sĩ quan sử dụng vũ lực quá mức vào ngày 1-10.

Sáu người, bao gồm cả sĩ quan và người tổ chức, hiện phải đối mặt với cáo buộc hình sự.

Thảm họa đã xảy ra sau khi các cổ động viên của Arema FC chạy vào sân sau trận thua của đội họ trước đối thủ Persebaya Surabaya, và hơi cay sau đó đã được xịt, cơ quan này cho biết.

Hàng trăm người sau đó cố gắng chạy trốn qua các lối ra, gây ra một vụ giẫm đạp chết người.

Các quy tắc của Liên đoàn bóng đá Thế giới, quy định cụ thể rằng không được mang hoặc sử dụng "hơi cay kiểm soát đám đông" trong bóng đá.

Tại một cuộc họp báo hôm 1-11, Komnas HAM cho biết việc sử dụng hơi cay là nguyên nhân chính gây ra một trong những thảm họa bóng đá tồi tệ nhất thế giới.

Thảm kịch ở sân vận động Indonesia khiến cả Thế giới bàng hoàng - Ảnh: BBC

"Cần phải có trách nhiệm pháp lý", chủ tịch Ahmad Taufan Damanik nói.

Ủy ban cũng cáo buộc các nhà tổ chức ủng hộ lợi ích thương mại hơn các tiêu chuẩn an toàn.

Uỷ ban này thúc giục các nhà chức trách Indonesia kiểm tra tất cả các sân vận động trên khắp đất nước, cảnh báo rằng các trận đấu nên bị tạm dừng nếu không có cải thiện nào được thực hiện trong vòng ba tháng.

Indonesia dự VCK World Cup U20 vào năm 2023.

Báo cáo của ủy ban nhắc lại một cuộc điều tra của chính phủ cũng cho thấy các giao thức an toàn không đầy đủ và các cổng bị khóa đã góp phần gây ra thảm kịch.

Ngay sau thảm họa, hiệp hội bóng đá Indonesia (PSSI) đã mở một cuộc điều tra, cho rằng vụ việc đã "làm hoen ố bộ mặt" bóng đá Indonesia.

Bạo lực tại các trận đấu bóng đá không phải là mới ở Indonesia, và Arema FC và Persebaya Surabaya là những đối thủ lâu năm.

Tuy nhiên các CĐV Persebaya Surabaya đã bị cấm mua vé xem trận đấu vì lo ngại đụng độ.

Bộ trưởng An ninh Mahfud MD đăng trên Instagram rằng 42.000 vé đã được bán cho trận đấu tại sân vận động Kanjuruhan, có sức chứa chỉ 38.000.

Thảm họa ở Malang là một trong những thảm họa tồi tệ nhất trong chuỗi thảm họa sân vận động.

Năm 1964, tổng cộng 320 người đã thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương trong một vụ giẫm đạp tại vòng loại Olympic Peru-Argentina ở Lima.

Năm 1985, 39 người chết và 600 người bị thương tại sân vận động Heysel ở Brussels, Bỉ, khi các cổ động viên bị đè lên bức tường sau đó đổ sập trong trận chung kết Cúp C1 châu Âu giữa Liverpool (Anh) và Juventus (Ý).

Bình luận (0)

Lên đầu trang